“Đường Táo Quân“: Đổi mới cách thả cá, giữ môi trường Tết xanh
(PNTĐ) - Cá chép, ngoài ý nghĩa đưa ông Công ông Táo về trời, còn tượng trưng cho sự thăng tiến, phát tài và may mắn trong văn hóa dân gian. Hằng năm, giới trẻ Thủ đô tích cực hỗ trợ người dân thả cá, đồng thời kêu gọi giữ lại túi nilon, nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Khi thế hệ trẻ tham gia gìn giữ văn hóa và môi trường
Nhóm Cá Chép, một tổ chức phi lợi nhuận gồm những sinh viên, học sinh, và người lao động trẻ, đã tổ chức chương trình "Đường Táo Quân" trong suốt 12 năm qua trên cầu Long Biên, Hà Nội. Chương trình này đã trở thành một phần không thể thiếu trong không khí Tết Nguyên đán, không chỉ thu hút sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên, mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa truyền thống tới người dân cả nước.
"Đường Táo Quân" được tổ chức với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát huy nét đẹp văn hóa trong dịp Tết, đặc biệt là vào dịp Lễ cúng Ông Công Ông Táo (23 tháng Chạp) hàng năm, đã đón nhận những bước tiến vượt bậc trong suốt 12 năm qua. Ban đầu, chương trình chỉ là một nhóm tình nguyện viên nhỏ, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, họ đã xây dựng một tổ chức vững mạnh, có khả năng vận hành và triển khai các hoạt động một cách hiệu quả. Từ những ngày đầu với sự e dè của người dân, dần dần, chương trình đã nhận được sự tín nhiệm và hưởng ứng tích cực.
Hoạt động của "Đường Táo Quân" thường niên diễn ra vào ngày 22 và 23 tháng Chạp, chính hội được tổ chức trên cầu Long Biên. Với sự tham gia của hơn 100 tình nguyện viên và hơn 50 thành viên nòng cốt đảm bảo sự hoạt động trơn tru của chương trình. Mỗi năm, Nhóm Cá Chép đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc phân công công việc, tới việc truyền thông online và phổ biến hoạt động để hỗ trợ người dân thả cá chép an toàn và đúng cách, đồng thời tuyên truyền về bảo vệ môi trường và những giá trị văn hóa truyền thống.
Một điểm nhấn quan trọng của chương trình năm nay chính là việc cập nhật thông điệp phù hợp với tình hình thực tế. Với vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, "Đường Táo Quân" đã đưa ra những thông điệp mới, mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc hơn. Những thông điệp như: "Thả cá đừng thả túi nilon" hay "Tro đi, tiếng cười ở lại" không chỉ có ý nghĩa kêu gọi người dân mà còn thu hút sự chú ý và hưởng ứng của cộng đồng.
Trong những năm qua, phản ứng của người dân đối với "Đường Táo Quân" cũng có những thay đổi đáng kể. Từ sự e dè, chưa tin tưởng ban đầu, người dân ngày càng hiểu và tin tưởng vào hoạt động của nhóm tình nguyện này. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng dần được nâng cao, thể hiện qua việc giảm thiểu rác thải, đặc biệt là túi nilon khi thả cá và những đồ thờ cúng. Đây được xem là thành quả đáng tự hào của chương trình, minh chứng cho sự thành công trong việc lan tỏa ý thức cộng đồng.
Với sự trưởng thành qua 12 năm hoạt động, Nhóm Cá Chép không ngừng mở rộng tầm nhìn, hướng đến tương lai của chương trình. Bạn Đinh Minh Châu - Phó trưởng Ban Điều hành Đường Táo Quân 2025, hiện đang là sinh viên năm thứ Ba, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Nhóm dự định mở rộng địa điểm hoạt động, phát triển thêm các hoạt động phù hợp với tình hình mới, bao gồm ô nhiễm không khí và những thách thức toàn cầu khác. Minh Châu cho biết, mục tiêu quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao ý thức, nhận thức về những vấn đề cấp thiết, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
"Đường Táo Quân" không đơn thuần là một hoạt động thường niên vào dịp Tết, mà đó còn là minh chứng cho sức trẻ, lòng yêu nước và sự cống hiến của các thế hệ trẻ Việt Nam. Chương trình góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên một cộng đồng phát triển bền vững. Sự thành công của "Đường Táo Quân" đã làm nên một câu chuyện thành công của sự sáng tạo, nỗ lực và cống hiến của thế hệ trẻ đối với các vấn đề nhức nhối của xã hội.
Cách làm mới từ cơ sở
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực Hồ Tây, đoạn đường Thanh Niên và Nguyễn Đình Thi có rất đông lực lượng chức năng đang hướng dẫn người dân thả cá "tập trung" vào các thùng lớn để sau đó lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ người dân thả cá xuống khu vực sông Hồng.
Theo bác Đỗ Hạnh, Chi hội Phó hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ An ninh Trật tự cơ sở, phường Thuỵ Khuê, do hiện nay nước Hồ Tây có khu vực đang bị cạn và ô nhiễm rất nặng, người dân thả cả xuống hồ có thể khiến cá chết, vô hình chung làm tăng thêm ô nhiễm nên chính quyền đã có sáng kiến hỗ trợ người dân thả cá tập trung vào các thùng lớn rồi mang thả ở khu vực sông Hồng.
Bác Đỗ Hạnh cho biết, khu vực gần chùa Trấn Quốc là nơi người dân mang các loại các chép, cá vàng, các loại cá phóng sinh đến thả đông nhất. Lực lượng công an phường đã hỗ trợ nhiều lượt xe để chở các thùng cá phóng sinh đầy ắp của người dân ra sông Hồng thả.
Về phản ứng của người dân với hình thức thả cá mới này, bác Đỗ Hạnh chia sẻ, đa phần người dân chấp hành tốt theo tinh thần hướng dẫn của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng có những cá nhân còn nhiều băn khoăn, về mặt tâm linh chưa được thoải mái bởi người dân quan niệm phải tự tay thả cá tiễn Ông Táo về Trời.Đối với những trường hợp này, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, giải thích và vận động người dân chấp hành, hoặc có thể tự mình mang cá ra khu vực ít ô nhiễm hơn để thả.
Ghi nhận của phóng viên tại một số sông, hồ, đầm, người dân thả cá mang theo túi nilon để đựng. Bên cạnh những người có ý thức mang túi bỏ đúng nơi quy định vẫn còn có những hình ảnh chưa đẹp, xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan môi trường.
Lượng đốt vàng mã đã giảm
Khảo sát tại các chợ dân sinh, từ sáng sớm đã có đông người dân đi mua cá chép, vàng mã, đồ lễ cúng ông Công ông Táo.
Theo đó, một bộ vàng mã cúng 23 tháng Chạp gồm: 1 bộ vàng mã có mũ, áo, hài Táo quân, trong đó có 2 bộ nam, 1 bộ nữ và 1 bộ tiền vàng mã có giá từ 80 nghìn đồng - 100 nghìn đồng.
Cá chép loại nhỏ, vừa giá 50 nghìn đồng - 80 nghìn đồng/3 con; loại to hơn có giá 80 nghìn đồng-100 nghìn đồng…
Chị Bảo Yến (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, do phải đi làm và tránh tình trạng đông đúc nên chị dậy sớm mua đồ lễ, đồ ăn về nấu mâm cúng 23 Tết. Còn chị Hà Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã chuẩn bị mua sắm đồ lễ từ tối qua gồm bộ vàng mã, cá chép, gà, thịt, gạo nấu xôi… Sáng nay gia đình chị Phương thắp hương xong, đi thả cá ở hồ và tuân thủ khẩu hiệu “thả cá không thả túi ni lông” bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc thả cá chép, nhiều người dân chú trọng việc mua sắm đồ vàng mã. Theo phản ánh của nhiều tiểu thương, những năm gần đây, việc mua sắm và đốt vàng mã giảm so với trước. Song vào những ngày lễ lớn như 23 tháng Chạp các gia đình vẫn dâng lễ mã đầy đủ để cúng tổ tiên.