Thủ đô bất khuất kiên cường trong “Hà Nội - Bản hùng ca phố“
(PNTĐ) - Với các phim tư liệu xen kẽ là những giai điệu hào hùng, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử trong Chương trình chính luận nghệ thuật với chủ đề " Hà Nội - Bản hùng ca phố" diễn ra tối 10/10 tại Hoàng Thành Thăng Long đã đem đến công chúng những giây phút xúc động, tự hào về lịch sử oai hùng của Thủ đô Hà Nội.
Chương trình “Hà Nội - Bản hùng ca phố” gồm ba chương: Trận địa trong thành phố, Chín năm rừng - lòng vẫn Thủ đô, Bài ca Hà Nội. Xen kẽ giữa những ca khúc đặc sắc về Hà Nội như: Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tiến về Hà Nội… là những thước phim tư liệu quý giá về quá trình chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội với thực dân trong chiến tranh, hay gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Thủ đô bất khuất, kiên cường
Mở đầu, chương trình đưa khán giả về chứng kiến lại câu chuyện lịch sử cũng là niềm kiêu hãnh của những người con phố, từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, đến những người lính, dù rất yêu Hà Nội, nhưng khi buộc phải ra đi thì vẫn rất dứt khoát.
Đối diện với những toan tính của Pháp: Nếu Việt Nam không chịu cung cấp cho Pháp “cái cớ mong đợi” thì Pháp sẽ chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến, Việt Nam phải lựa chọn hai con đường, một là khoanh tay cúi đầu trở thành nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Giữa sự lựa chọn ấy, Việt Nam đã quyết định kháng chiến. Đây không phải là lựa chọn của Chính phủ mà là sự lựa chọn của cả một dân tộc với ý chí sắt đá “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu để mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Ngày 16/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội là bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm đã lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: Lịch sử chưa từng để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng trong những trận đánh ở thành phố, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và nhân dân, lấy Hà Nội làm trọng tâm.
Theo PGS - TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Phải nói lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của Việt Nam, nghệ thuật đánh địch trong thành phố đã được đúc kết nên những bài học quý báu, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Ở thành thị biến mỗi đường phố thành một chiến hào, ở nông thôn mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến.
NSƯT Phùng Đệ cũng chính là nhân chứng chứng kiến giờ phút đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Mãi trong ông là ký ức những ngày chuẩn bị tiếp quản Thủ đô ấy là cả quá trình đấu tranh cam go với thực dân Pháp cũng như những lực lượng phá hoại để bảo vệ Thủ đô an toàn, nhất là hạ tầng cơ sở.
Thấu suốt phương châm chiến lược của Trung ương Đảng là: “Bảo toàn thực lực kháng chiến lâu dài”, tháng 1 đến tháng 2/1947 Đảng ủy Liên khu phố 1 đã tổ chức đưa hơn 10.000 người ra khỏi Thành phố, trong đó có cán bộ cùng tự vệ Thủ đô để củng cố tổ chức, chuẩn bị chiến đấu lâu dài trong hoàn cảnh gay go, ác liệt hơn. "Người ra đi đầu không ngoảnh lại; Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…" Đó chính là tinh thần của những người lính Thủ đô khi ấy. Với những người lính Hà Nội, việc phải rời xa Hà Nội họ đều mang theo những nỗi niềm trăn trở, nhưng ở họ có một sự quyết tâm lớn lao đó là gìn giữ nền độc lập vừa mới giành được sau 80 năm làm nô lệ.
Ông Trần Quốc Chí - Tự vệ liên khu II - Trung đoàn Thủ đô chia sẻ: Trung đoàn có lệnh rút khỏi Thủ đô, rất nhiều người đã khóc và viết lên tường những dòng chữ: Tạm biệt Hà Nội, tạm biệt Thủ đô, hẹn ngày trở lại… Họ ra đi với tâm thế của người sẽ quay trở về. Ra đi với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt.
Trước đau thương nhưng Hà Nội không buồn, “9 năm rừng lòng vẫn Thủ đô”. Đó là tâm thế của những người ra đi, còn những người ở lại dưới sự kiểm soát của Chính quyền Pháp, họ vẫn một lòng hướng về kháng chiến. Chương II của Chương trình mở ra với phóng sự đầy ấn tượng "Phố Ngầm", tái hiện cuộc đấu tranh ngầm trong lòng Hà Nội những năm kháng chiến. Mở đầu là lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ Quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công".
Phóng sự đưa khán giả đến với địa đạo xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội), hệ thống địa đạo 11km được coi là đầu tiên trong lịch sử kháng chiến Việt Nam. Những dòng sông ngầm đấu tranh vẫn cuồn cuộn chảy trong lòng Thành phố. Quân và dân xã Nam Hồng, huyện Đông Anh đã kiên cường chiến đấu, chống trả những cuộc càn của địch ra ngoại thành.
Phóng sự cũng tập trung vào câu chuyện của bà Phạm Thị Viễn, một trong những pháo thủ của Nhà máy cơ khí Mai Động. Bà đã góp phần hạ gục chiếc máy bay F.111A "cánh cụp, cánh xòe" vào đêm 22/12/1972. Câu chuyện xúc động về cô gái trẻ đầu chít khăn tang trắng, vừa mất cha mẹ vì bom đạn nhưng vẫn kiên cường bảo vệ bầu trời Hà Nội, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ "Việt Nam máu và hoa" của nhà thơ Tố Hữu.
Ngày về tiếp quản bảo vệ an toàn Thủ đô
Theo Hiệp định Genève ký ngày 21/7/1954, một số khu vực ở miền bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng trong cảm xúc hân hoan vỡ òa của người dân Thủ đô. Trung đoàn Thủ Đô được nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô thân yêu. Suốt dọc đường, người dân đứng đông như nêm với cờ hoá rực rỡ đón chào các anh bộ đội Cụ Hồ.
Trung tá Nguyễn Văn Mãn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 271, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 xúc động: Đêm trước ngày tiếp quản Thủ đô, người dân Hà Nội dường như không ngủ. Lòng ai cũng háo hức chờ bộ đội trở về. Họ khóc vì hạnh phúc, họ ra tận đường đón chào chúng tôi với cờ hoa rực rỡ.
Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Do đó, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng thủ đô Hà Nội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền bắc, để thực hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược mới chống lại sự của nhân dân ta. Trước mắt, kẻ thù đế quốc muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
"Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý; cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều..." - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo ông Dương Văn Doãn (Bí danh: Lê Liên) Phó ban Bảo vệ và Tiếp quản Hà Nội, tù chính trị Hỏa Lò 1951 - 1953: Tiếp quản Thủ đô nghe thì đơn giản nhưng phải rất thận trọng. Tiếp quản thủ đô với hàng chục vạn dân nơi mà hàng chục năm qua Pháp lấy đó làm trọng tâm chống phá cách mạng thì việc tiếp quản không chỉ là cuộc hành quân về trong cờ hoa muôn sắc mà là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt chính trị, tư tưởng kinh tế… và phải có sự phòng bị về quân sự.
Cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và thu nhận gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó có sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm...
Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... vẫn hoạt động đều. Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt...
Vì độc lập hòa bình dân chủ của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Thủ đô đoàn kết một lòng, vượt mọi gian khổ khó khăn, kiên quyết kháng chiến và dành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong 90 phút với sự gắn kết giữa âm nhạc, ánh sáng và trình diễn công nghệ hiện đại 3D mapping, Chương trình chính luận nghệ thuật "Hà Nội - Bản hùng ca phố" đã gợi nhớ về những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội, xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang vươn mình phát triển trong thời đại mới. Chương trình cũng đã góp phần khẳng định Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc.