Hòa Bình - Trăn trở và khát vọng xây dựng du lịch bền vững
Bài 1 - Ngỡ ngàng với Hòa Bình
Đã từ lâu, Hoà Bình là cái tên không xa lạ với những người yêu du lịch, đam mê khám phá. Nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình nằm cách Hà Nội chỉ hơn 70km. Với việc đoạn cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vừa khởi công ngày 10/10 vừa qua, thì tới đây, sự kết nối giữa Hoà Bình với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.
Đã từ lâu, Hoà Bình là cái tên không xa lạ với những người yêu du lịch, đam mê khám phá. Nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình nằm cách Hà Nội chỉ hơn 70km. Với việc đoạn cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vừa khởi công ngày 10/10 vừa qua, thì tới đây, sự kết nối giữa Hoà Bình với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Cũng vì vậy mà Hoà Bình ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách muốn tìm đến những vùng núi nguyên sơ, sông hồ giữa núi non, suối khoáng, hay những bản làng bình dị, tận hưởng cuộc sống trong lành giữa thiên nhiên, vạn vật và con người đôn hậu, thân thiện.
Từ Hà Nội, chúng tôi ngược Hoà Bình vào một ngày nắng gắt như đổ lửa. Từ 5h sáng, những con đường, bờ cây ngọn cỏ đã bắt đầu bị thiêu đốt bởi ánh nắng chói chang. Ấy vậy nhưng, đi qua thành phố Hoà Bình chỉ khoảng 50km, với 20 km đường đèo, chúng tôi như lạc bước đến với một thế giới khác ở xóm Chiến (xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc). Những khúc cua tay áo trên đường tới đây cũng khá “khét”, nhưng lại trở nên nhẹ nhàng bởi sự thơ mộng của những con suối róc rách ven đường, những mái nhà sàn lô nhô dưới thung lũng.
Xã Vân Sơn được “dân” du lịch quen gọi với tên xưa là Lũng Vân – vốn là “nóc nhà xứ Mường”, nổi tiếng với những người ưa du lịch trải nghiệm, khám phá. Nói là nổi tiếng, thế nhưng, bất cứ ai tới đây cũng sẽ phải đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên nọ.
Vân Sơn quyến rũ du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, khiến người ta có thể ngẩn ngơ. Nơi này đất liền núi, núi liền trời, mây trắng vờn trên đỉnh đầu, nương ngô, ruộng lúa, rừng vầu thẳng tắp xanh ngắt… đẹp như tranh vẽ. Đã vậy, điều vô cùng tuyệt vời là không khí nơi này mát mẻ, trong lành; cách 20km là nắng nóng chói chang, mà đến đây như bước vào mùa Đông sớm, trời se lạnh, phải khoác thêm áo mỏng…, buổi tối không cần dùng máy lạnh.
Xóm Chiến, nơi chúng tôi đến, là một bản làng bình yên đến lạ. Sự bình yên từ những nếp nhà sàn đơn sơ, những con người hiền lành, những đôi mắt trẻ thơ tròn xoe nép sau khe cửa khi thấy khách phương xa đến. Nhưng xóm Chiến không chỉ có như vậy. Sáng sớm tinh mơ, thức dậy giữa những bồng bềnh mây trắng, chúng tôi tìm đường đến thác Thung, cách xóm Chiến chỉ chừng 2km. Con đường đến thác đi qua những nương ngô, ruộng lúa đang bắt đầu trổ đòng, những rừng vầu khiến du khách không khỏi xuýt xoa “đẹp như phim kiếm hiệp”, trước mặt mây chờn vờn đỉnh núi như đón lối chúng tôi đi… vô cùng thơ mộng và lãng mạn.
Thác Thung nằm ở bìa rừng, bên rừng vầu lâu năm, độ rộng mênh mông như vô cực, nước tràn trề từ trên cao đổ xuống. Trắng xoá. Mát lạnh. Ngồi bên quán nước nhỏ dưới rừng vầu, nghe tiếng thác chảy, tiếng thiên nhiên hoà điệu, nhấp một ngụm trà nóng, thật sự có cảm giác như đến chốn tiên cảnh, đẹp không thua kém vùng đất “huyền thoại” nơi cao nguyên đá Hà Giang.
Ngày chúng tôi ở xóm Chiến, thật may mắn khi đúng vào chợ phiên của bà con dân tộc Vân Sơn. Vì vùng đất này nằm không quá xa phố thị, đường đi khá thuận tiện nên chợ phiên thể hiện được hết những sự giao lưu, hội nhập giữa miền xuôi và miền ngược. Cả phiên chợ sặc sỡ những áo Mường, áo Thái đi bán đủ loại rau củ, hoa quả trồng được, con giống, cây giống, nhưng cũng tấp nập những người dưới xuôi chở hàng xe tải đồ gia dụng, chăn màn chiếu đắp, áo quần, hoa quả, bánh kẹo… lên phục vụ bà con.
Chợ phiên luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bất kể du khách nào. Bởi ở chợ, người ta tìm thấy phần nào đời sống tinh thần của bà con, phán đoán được vụ mùa kỳ này đang ra sao, nhìn thấy được những nét sinh hoạt thường ngày của bà con… Chợ phiên ở xóm Chiến hấp dẫn bởi chính những nét đặc trưng mang tính nguyên bản, sôi động của phiên chợ vùng cao đó. Mà chỉ cách Hà Nội hơn 100 km.
Chợ phiên Vân Sơn đông vui, tấp nập với đủ sản vật của người dân đem bán và người ở dưới xuôi mang lên
Điều đáng quý hơn nữa là nơi này vẫn đang giữ được sự nguyên sơ, chất phác đến khó tin ở cái thời người người, nhà nhà làm du lịch này. Khách du lịch luôn nhận được những nụ cười vui vẻ, thân thiện của các bà, các chị ở đây khi muốn chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Không hề có câu chuyện ra giá 10 ngàn, 20 ngàn để được chụp một “pô” như nhiều mảnh đất du lịch khác.
Sự nguyên sơ từ cảnh sắc đến con người chính là nét hấp dẫn đặc biệt của vùng đất này. Bên cạnh thác Thung, điểm du lịch xóm Chiến còn rất nhiều các danh thắng, di tích nổi tiếng khác như Động Nam Sơn - di tích thắng cảnh cấp quốc gia nằm trong dãy núi đá vôi của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông; tham gia trải nghiệm các hoạt động tại đồi quýt cổ thuộc xã Nam Sơn cũ, và thung lũng rau su su xã Quyết Chiến… Từ đây cũng dễ dàng để kết nối du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng Son - Bá - Mười hoặc Bản Hiêu (huyện Bá Thước, Thanh Hoá)…
Hoà Bình hiện đang phát triển du lịch rất mạnh mẽ. Những năm gần đây, các nhà đầu tư du lịch lớn đã và đang “đổ bộ” về Hoà Bình là một minh chứng.
Hỏi ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội Du lịch Hoà Bình, rằng theo quan sát của ông, Hoà Bình hiện đã khai thác được bao nhiêu phần trăm tiềm năng du lịch của mình. Ông Thắng lắc đầu, để đánh giá và có được số liệu chính xác là không thể, vì tiềm năng, thế mạnh du lịch của Hoà Bình hết sức to lớn.
Quả có thế, một vùng đất đẹp như trong tranh ở xóm Chiến, Vân Sơn này còn mới đưa vào khai thác du lịch từ năm 2019, hiện cả xóm mới có 3 hộ kinh doanh homestay với 40 chỗ nghỉ đêm, thì Hoà Bình còn biết bao vùng đất khác như thế?
Câu trả lời của chúng tôi nằm ngay trước mắt, khi chúng tôi lạc bước đến xã Mai Hịch, thuộc huyện Mai Châu, nơi nổi tiếng với câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Đọc câu thơ của nhà thơ Quang Dũng, người dân Mai Hịch rất đỗi tự hào về mảnh đất mình gắn bó, sống đời được đi vào thi ca như thế.
Câu thơ của nhà thơ Quang Dũng năm nào cho thấy Mai Hịch từng là một vùng đất hoang dã, bí ẩn, nhưng hôm nay, nơi này khiến người ta say đắm bởi khung cảnh bản làng được bao trọn trong những lớp núi chờn vờn mây trắng. Mai Hịch không phải nơi núi non kỳ vĩ, sông suối thơ mộng, nhưng mang một nét đẹp bình yên, nhẹ nhàng và thân thiện rất đặc trưng của mảnh đất… Hoà Bình, với cánh đồng lúa xanh mướt trước mặt, những nếp nhà sàn yên ả, không gian thanh bình, khí hậu dịu mát, vô cùng hợp với những người thích tìm đến nơi bình yên và du lịch trải nghiệm.
Thế nên không lạ khi du khách đến Mai Hịch chủ yếu là khách nước ngoài. Họ tìm đến bình yên, tìm đến những gì nguyên sơ nhất. 11 hộ gia đình kinh doanh homestay tại Mai Hịch cho biết, chủ yếu khách đến là khách nước ngoài. Họ tới nơi này để tận hưởng những gì nguyên sơ nhất của cảnh vật cũng như sinh hoạt, đời sống. Mai Hịch đáp ứng được điều đó, nhưng chỉ có 11 hộ kinh doanh homestay thì xem ra vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của mảnh đất này.
Người dân kể, du khách nước ngoài đến đây họ thích lắm, thích được đạp xe lang thang trên những con đường bản thanh bình, thích khám phá các hang động gần đó, thích được tận hưởng những buổi sáng trong lành ngồi uống café ngắm mây vờn trước mặt, thích được trải nghiệm gặt lúa, bắt cá… với bà con.
Ngay ở Mai Châu, có những điểm đến khiến người ta thấy… tiếc như bản Pà Cò (xã Pà Cò) và bản Hang Kia (xã Hang Kia), chỉ bởi những miền đất mây trắng vờn quanh, đẹp như tiên cảnh nhường ấy, khí hậu quanh năm mát mẻ, cách Hà Nội chỉ khoảng 130km mà việc khai thác du lịch vẫn còn khá khiêm tốn. Cả điểm du lịch Hang Kia cũng chỉ được vài ba nhà khai thác dịch vụ homestay, các dịch vụ đi kèm với du lịch như hàng ăn, quán xá rất thưa thớt.
Rồi thậm chí một nơi không có mây trắng, nhưng nước hồ xanh ngắt bốn mùa, cảnh sắc vô cùng diễm lệ, được ví như “Hạ Long trên cạn” của Hoà Bình là khu Ngòi Hoa (Tân Lạc), mặc dù hiện tại đã được sự tham gia khai thác của các công ty du lịch với nhiều hình thức dịch vụ từ thuyền tham quan, bơi lặn, chèo kayad… thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ở Ngòi Hoa còn giữ được hơn 70 nếp nhà cổ của người Mường, tạo nên cảnh quanh cực kỳ hấp dẫn. Nhưng, hiện tại Ngòi Hoa cũng chỉ có một vài hộ dân tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng theo hình thức homestay, chưa thật sự sôi động, nhộn nhịp xứng đáng với tiềm năng đặc biệt của nơi này.
Càng đi càng thấy, tiềm năng và nguồn lực du lịch của Hoà Bình quả thực quá lớn và dồi dào. Đúng như ông Hoàng Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu nói, Hoà Bình giống một cô gái đẹp còn say ngủ và đang chờ được “đánh thức” khi bàn về tiềm năng, nguồn lực du lịch dồi dào của Mai Châu nói riêng và Hoà Bình nói chung. Tuy nhiên, như ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội Du lịch Hoà Bình khẳng định, việc Hoà Bình xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn của tỉnh là rất đúng hướng, đúng với lợi thế, nguồn lực về du lịch lớn của tỉnh…
Kỳ 2: Hoà Bình - sự quyến rũ của văn hóa xứ Mường cổ