Hoà Bình - trăn trở và khát vọng xây dựng du lịch bền vững
Kỳ 2 - Sự quyến rũ của văn hóa xứ Mường cổ
Cũng chính vì du lịch Hoà Bình trong nhiều năm còn trong tình trạng “người đẹp say ngủ” mà cho đến hôm nay Hoà Bình vẫn giữ gìn được nguyên vẹn những bản sắc văn hoá bản địa.
Ông Hồ Xuân Trữ - Giám đốc công ty Đầu tư du lịch Hoà Bình nhấn mạnh, cũng chính vì du lịch Hoà Bình trong nhiều năm còn trong tình trạng “người đẹp say ngủ” mà cho đến hôm nay Hoà Bình vẫn giữ gìn được nguyên vẹn những bản sắc văn hoá bản địa. Với nỗ lực lớn của tỉnh, cùng sự đồng tâm hiệp lực của người dân trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hoá, mà Hòa Bình đã tạo dựng được sức hấp dẫn riêng có.
Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (Sở VHTT&DL) Hoà Bình tự hào nói: “Du lịch Hoà Bình chúng tôi có gì? Có mấy điểm nổi bật: Cảnh quan thiên nhiên có đầy đủ yếu tố tự nhiên như có sông hồ, hang động, thác nước, khu bảo tồn thiên nhiên. Đây đều là những tài nguyên thiên nhiên lớn để phát triển du lịch. Hoà Bình là cái nôi của dân tộc Mường (chiếm 60% dân số của tỉnh), là vùng đất sử thi, miền đất cổ nơi đã sản sinh ra trung tâm của văn hoá Hoà Bình, nổi tiếng với 4 vùng Mường cổ là Bi - Vang - Thàng - Động.
Bên cạnh đó, Hoà Bình cũng là tỉnh đa văn hoá dân tộc, còn có người dân tộc Thái, Mông, Dao, Tày… Người Kinh chỉ chiếm 27%. Chúng tôi dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc và vẻ đẹp của thiên nhiên độc đáo để xây dựng những sản phẩm du lịch cạnh tranh phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước”.
Hòa Bình hiện đang sở hữu 786 di sản văn hóa phi vật thể, 105 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, tổ chức, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường...
“Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi, phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến, trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế” - ông Bùi Xuân Trường nhấn mạnh - “Tỉnh cũng đã xây dựng một số làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; hàng năm thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội. Nhờ đó mà, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu chiêng Mường, múa Mường... Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy”.
Thông tin từ ông Bùi Xuân Trường khiến tôi nhớ lại hôm đi chợ phiên ở Vân Sơn. Chợ phiên tấp nập các bà mẹ dẫn con gái đến các sạp bán trang phục Mường để thử váy. Những cô bé nhỏ xíu háo hức với bộ váy mới mang bản sắc của dân tộc mình. Ngỡ các bà mẹ sắm sửa cho con gái chuẩn bị dự lễ hội nào đó, hỏi thăm mới biết hoá ra là để chuẩn bị cho con bước vào khai giảng năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, tỉnh có một quy định, trong tuần sẽ có ngày thứ 2 hoặc thứ 6, trẻ em đi học sẽ mặc trang phục của dân tộc mình. Đây là cách hiệu quả để truyền đến, thấm sâu vào thế hệ trẻ tình yêu, niềm tự hào về văn hoá dân tộc mình, quê hương mình.
Không chỉ có gìn giữ văn hoá bằng trang phục, tỉnh Hòa Bình cũng khiến nhiều nơi phải học tập khi năm 2016 đã có kế hoạch đưa chữ viết người Mường vào trường học - một cách gìn giữ văn hoá bản địa cực kỳ hiệu quả, có mức độ lan toả không những rộng khắp mà còn mang tính thế hệ cao. Hiện nay, việc dạy chữ Mường đang được triển khai trong dạy và học, vừa tập huấn cho giáo viên, vừa dạy cho học sinh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030 sẽ phổ biến chữ Mường rộng rãi đến cho đồng bào dân tộc Mường.
Cùng với đó, nhằm tăng cường độ lan toả của chữ viết Mường, theo chủ trương của tỉnh, đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, báo tỉnh Hoà Bình đều có trang, mục bằng tiếng Mường và tiếng các đồng bào dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc biên soạn các tác phẩm văn học bằng tiếng Mường để phổ biến cho người dân, học sinh, hỗ trợ việc truyền dạy tiếng Mường tạo hiệu quả lớn cho việc lan toả nét đặc sắc của văn hoá Mường cho du khách muôn phương.
Chính những điều đó giúp Hoà Bình thực hiệu có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình vào phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Như chúng tôi đã nhắc đến trong kỳ 1, xóm Chiến (Vân Sơn, Tân Lạc) hay Mai Hịch (Mai Châu) không chỉ làm say lòng người vì phong cảnh đẹp như tranh mà còn vì những nét đẹp văn hóa đậm đà nơi đây. Để gìn giữ và lan tỏa được nét đẹp văn hóa đó, chính là sự đồng lòng đồng sức không chỉ của chính quyền, mà quan trọng còn là của mỗi người dân, góp sức trong công cuộc bảo tồn, phát triển và đóng góp cho du lịch những sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững.
Cũng như nhiều điểm du lịch khác của Hòa Bình, ở xóm Chiến có một đội văn nghệ quy tụ hơn chục chị em người dân tộc Mường chuyên biểu diễn phục vụ du khách. Các chị mỗi người làm một nghề, có người là giáo viên, có người làm nông, có người kinh doanh homestay, có em gái còn đang đi học… mỗi khi rảnh là cả nhóm lại cùng nhau luyện tập lời ca, tiếng hát, điệu múa đặc trưng của người Mường, nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch nơi đây.
Buổi tối, sau khi thưởng thức những món ăn là đặc sản của dân bản làm, khi men rượu cần đã ngấm nhẹ vào cơ thể, trong không khí se se lạnh giữa núi đồi trầm lắng về đêm, được thưởng thức những bài ca, điệu múa ngân vang đến từ những người phụ nữ Mường xinh đẹp thì thật sự không còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Sự gắn kết và trải nghiệm văn hóa này được nhìn thấy đậm nét qua những buổi biểu diễn văn nghệ cho du khách nước ngoài xem ở Mai Hịch - nơi 95% khách đến đều là khách quốc tế.
Anh Hà Công Minh, chủ homestay Minh Thơ - một trong những nhà đầu tiên làm homestay tại Mai Hịch, chia sẻ khi bắt tay vào kinh doanh homestay anh và gia đình đều đưa yếu tố du lịch phải kết hợp với văn hóa lên hàng đầu. Điều này không chỉ thể hiện qua việc giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống, mà mọi sinh hoạt, trang phục đón tiếp khách, ẩm thực… cũng đều đảm bảo bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc Mai Hịch.
Đây cũng là cách anh và gia đình tự hào trong gìn giữ văn hóa và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa bản địa của địa phương mình đến du khách quốc tế. Chẳng hạn, khi khách quốc tế đến, gia chủ đã chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều trang phục dân tộc để cả khách nam và nữ đều có thể mặc mà không hề tính phí. Điều đó khiến các du khách vô cùng hào hứng.
Du khách diện trang phục, ngồi ăn những món ẩm thực đặc sắc của địa phương, sau đó cùng nhau hòa vào những điệu múa, lời ca tiếng hát của đội văn nghệ địa phương phục vụ. Tất cả đã tạo nên một sự hoàn hảo trong sản phẩm du lịch văn hóa, đậm đặc yếu tố bản địa, quyến rũ bất cứ ai đến.
Một trong những đặc sản văn hóa của Hòa Bình là nghệ thuật chiêng Mường. Chúng tôi gặp Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật chiêng Mường Bùi Thanh Bình - Giám đốc bảo tàng Di sản Văn hóa Mường và được nghe câu chuyện xúc động về ông. Ông bắt tay xây dựng bảo tàng tư nhân này không xuất phát từ mục đích làm du lịch, mà bởi những trăn trở và khao khát trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.
Ông Bình là người Mường, từng học âm nhạc hệ chính quy 7 năm tại trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc, sau đó về công tác tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc. Sau đó, công việc thay đổi, ông lại có cơ duyên gắn bó với ngành du lịch, từ việc làm hướng dẫn viên, đến quản lý khách sạn…
Quá trình làm du lịch, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, ông Bình thấy nhiều các di vật, cổ vật… dân tộc mình đang bị lãng quên trong dân gian. Ông quyết định bỏ công sức, tiền bạc, thời gian đi nghiên cứu, sưu tầm… các di vật, cổ vật và quy tập lại nhằm viết nên một câu chuyện về văn hóa, lịch sử của người Mường thông qua các di vật, cổ vật này. Suốt từ năm 1985, dấu chân của ông Bình không hề mỏi trên con đường sưu tầm không chỉ ở khắp các địa bàn có người Mường sinh sống ở Hòa Bình, mà còn ở các tỉnh Tây Bắc khác.
Năm 2014, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bình đã chính thức được thành lập và nhanh chóng trở thành một điểm đến khi du khách muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của người Mường. Hiện nay, bảo tàng lưu giữ hơn 6.000 hiện vật, trong đó có một dàn chiêng Mường được trưng bày trang trọng ngay ở sân để du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm với tiếng chiêng. Khát vọng của ông Bình là càng ngày tiếng chiêng Mường sẽ càng được giữ gìn và vang xa.
Cồng chiêng của người Mường là một nhạc cụ truyền thống, được đúc bằng đồng thau hoặc đồng đỏ. Tiếng chiêng gắn liền với vòng đời của mỗi người dân Mường từ khi sinh ra cho đến khi trở về với đất mẹ. Bởi thế, âm nhạc cồng chiêng có mặt trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người Mường.
Chiêng Mường không chỉ đại diện cho đời sống tinh thần của người Mường mà còn là di sản mang đậm giá trị văn hóa của người Mường. “Người Mường còn, tiếng chiêng còn”. Hòa Bình hiện đang có một “nguồn lực” vô cùng dồi dào trong thực hành di sản chiêng Mường, gồm 46 nghệ nhân ưu tú, có 1 nghệ nhân nhân dân.
Cũng như nghệ nhân Bùi Thanh Bình, các nghệ nhân khác đều mang trong mình niềm tự hào cùng niềm đam mê, tâm huyết để gìn giữ di sản nghệ thuật chiêng Mường. Hàng năm ông Bùi Thanh Bình và các nghệ nhân đều tổ chức các lớp truyền dạy chiêng Mường cho các học sinh, thế hệ trẻ. Tiếp sức cho nỗ lực ấy của các nghệ nhân, tỉnh Hòa Bình đã đưa thực hành chiêng Mường vào giảng dạy trong nhà trường ở những địa bàn có người Mường sinh sống.
Cùng với đó, tại Hòa Bình mỗi vùng trọng điểm, mỗi huyện đều có CLB chiêng Mường và các lớp truyền dạy chiêng Mường. Hàng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thi trình diễn chiêng Mường, tạo nên không khí sôi động cho bộ môn nghệ thuật này, lan tỏa tình yêu tiếng chiêng Mường đến khắp với bà con mọi thế hệ. Hoà Bình từng có sự kiện tập trung hơn 1.000 nghệ nhân thực hành chiêng Mường nhằm quảng bá du lịch gây ấn tượng mạnh với du khách.
Mới đây, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình cùng 3 di sản khác là Mo Mường Hòa Bình, Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường, Tri thức dân gian lịch Đoi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay Di sản văn hóa Mo Mường đang hoàn thiện hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Khi các di sản này được công nhận sẽ càng làm giá trị kho tàng văn hoá Hoà Bình lớn mạnh hơn, hấp dẫn hơn, thu hút hơn với du khách thế giới.
Bài 3: Thách thức trong phát triển du lịch bền vững