Hà Nội luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới
(PNTĐ) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; dành sự đầu tư, giáo dục, chăm sóc yêu thương đối với trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của trẻ em gái
Kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề: “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái”. Thông điệp ý nghĩa này nhằm mục đích kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.
Theo TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số và phát triển. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và Phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Hàng năm hàng trăm buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản được tổ chức cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thành niên, tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên, truyền truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THCS, PTTH...
Nhiều mô hình với các hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Ông Chung cho rằng, để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, đây là một việc làm hết sức nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền thành phố Hà Nội luôn hướng tới, luôn dành những gì tốt đẹp nhất.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Trưởng Ban chỉ đạo Công tác Dân số và Phát triển huyện Phú Xuyên, trên địa bàn huyện Phú Xuyên, trong những năm qua, công tác dân số và phát triển luôn được quan tâm và coi trọng.
Được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục Dân số Thành phố, huyện Phú Xuyên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác Dân số và Phát triển của huyện nhà, mức sinh được ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 được kiểm soát, tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại, chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỷ số giới tính khi sinh cũng giảm dần trong những năm gần đây.
9 tháng đầu năm 2024, tỷ số giới tính là 110.2 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn huyện đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép (mức cho phép là từ 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái). Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều mô hình tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và nhiều hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái; Tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên. Hàng năm từ huyện đến các xã, thị trấn đều tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 bằng nhiều hình thức như: truyền thông lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan... Ngoài ra, huyện còn tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cũng thừa nhận công tác dân số của huyện vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Đó là kết quả giảm sinh chưa vững chắc, tỉ lệ sinh con lần 3 trở lên ở một số xã còn cao. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.
Ông Huy cho rằng, để can thiệp, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần được tiến hành đồng bộ với sự góp sức của toàn xã hội. Cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, các ngành các cấp tổ chức các hoạt động biểu dương, động viên, chia sẻ giúp đỡ tạo điều kiện cho trẻ em gái có cơ hội được phát triển; tăng cường truyền thông, giáo dục nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi về giới là một cuộc vận động lâu dài, bền bỉ chứ không thể thực hiện thành công trong một sớm một chiều hoặc thậm chí trong một vài năm mà được.