Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhằm khơi nguồn sáng tạo, hình thành những sản phẩm văn hóa chất lượng, có tính sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm, đồng thời hưởng ứng các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, trong các ngày từ 12 - 17/11/2024, UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024 với chủ đề "Sắc hoa trên miền di sản".

Gia Lâm - vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Ông Dương Viết Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Từ ngày 9/11 đến ngày 17/11 năm 2024, Thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, trong đó có Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Đây là năm thứ 4 được tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” vừa khai mạc tối ngày 9/11/2024 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Lễ hội tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,... Cùng với đó, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Thực hiện Kế hoạch số 266 ngày 12/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội; Huyện Gia Lâm tổ chức Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng năm 2024. Đây là năm thứ 2, huyện tổ chức sự kiện này nhằm hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Năm 2023, lần đầu tiên huyện Gia Lâm  tham gia và đã được Thành phố biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao.

Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 1
Ông Nguyễn Việt Hà, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Gia Lâm cùng các đại biểu tham trưng bày giới thiệu hoa giấy năm 2024

Gia Lâm từ lâu đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Gia Lâm hiện đang sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ với 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 163 di tích đã được xếp hạng các cấp và 100 lễ hội truyền thống.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng - Nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên vương - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và là nơi diễn ra Hội Gióng - một trong những lễ hội kỳ thú, độc đáo nhất Việt Nam, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (cùng với hội Gióng ở Sóc Sơn).

Hiện nay, Phù Đổng còn được biết đến với Làng nghề cây cảnh hoa giấy nổi tiếng. Cách đây hơn 20 năm, ban đầu, làng hoa giấy Phù Đổng chỉ có vài hộ theo nghề.

Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người, cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính với hàng trăm hộ trồng hoa giấy.

Người dân Phù Đổng không đơn thuần chỉ trồng hoa giấy theo cách truyền thống, mà còn sáng tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng theo phong cách hiện đại.Nhiều tác phẩm từ hoa giấy với các thế cây rất độc đáo và ý nghĩa như: thế phụ tử nghinh phong, thế ngũ phúc, thế mẫu tử, phụ tử, thế huynh đệ… Hơn nữa, người dân nơi đây còn có bí quyết trồng hoa giấy với rất nhiều màu sắc khác nhau như: đỏ, hồng, trắng, cam, tím… và làm cho hoa nở quanh năm, bông to, sắc thắm.

Khi khách thăm quan tới làng hoa giấy Phù Đổng, du khách còn được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, khéo léo và kiên trì của người dân Phù Đổng trong thiết kế, sáng tạo những tác phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Năm 2023, Phù Đổng đã có sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 2
Các đại biểu lãnh đạo tặng hoa và trao Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; nhãn hiệu hoa giấy Phù Đổng.

Cùng với phát triển nghề trong hoa giấy tại Phù Đổng, trong những năm qua, Huyện Gia Lâm đã đầu tư xây dựng, định hướng phát triển du lịch - văn hóa gắn với công nghiệp văn hoá theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Thành uỷ Hà Nội. Tính đến nay huyện Gia Lâm đã có 4 điểm du lịch được Thành phố công nhận là: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá và Kim Lan. Huyện cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển du lịch Gia Lâm giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để các địa phương cũng như Phù Đổng cùng cộng hưởng sáng tạo, đề xuất những sáng kiến của mình xây dựng các mô hình không gian sáng tạo; tổ chức các hoạt động thiết kế, sáng tạo dưới nhiều hình thức, gắn các không gian di sản văn hoá, làng nghề; trình diễn, giới thiệu giá trị di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, ẩm thực,... tiêu biểu của địa phương.

Từ đó nhằm khơi nguồn sáng tạo, hình thành những sản phẩm văn hóa chất lượng, có tính sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện. Cùng với đó là các hoạt động mở rộng sự giao lưu, kết nối, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh, người dân… tham gia các hoạt động thiết kế sáng tạo trên địa bàn; xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn, chuyên nghiệp, thu hút và đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Trong đó có các địa phương trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ở xã Phù Đổng, nhiều tài sản, nhà cửa, hoa màu,… của nhân dân bị hư hại. Đặc biệt, ở một số khu vực trồng hoa giấy của người dân bị ngập lụt, hàng chục nghìn cây hoa giấy bị hỏng, cây thì chết, cây thì gãy cành hỏng tán,… thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng. Ngay sau khi cơn bão đi qua, chính quyền từ Huyện đến cơ sở cũng như bà con nông dân chung sức, đồng lòng, đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, phục hồi cho cây… Hơn 3 tháng trôi qua, “vươn mình sau bão”, những cánh đồng hoa giấy Phù Đổng giờ đây đang rực rỡ sắc màu dưới nắng thu của Thủ đô Hà Nội. 

Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 3
Dưới nắng Thu nhiều chị em hội viên phụ nữ check in tại khu trưng bày giới thiệu hoa giấy 

 Xã Phù Đổng "Điểm du lịch" của Thành phố

Tham dự lễ hội hoa giấy năm nay, các chủ của nhà vườn Huỳnh Thức, Tân Thoa, Cường Cúc... đã chọn lựa nhiều cây hoa giấy cỡ lớn nhiều màu sắc và cỡ nhỏ với nhiều kiểu dáng và màu sắc nổi bật. Trước đó, các chủ nhà vườn đã chăm sóc tỉ mỉ, sửa sang cho các chậu cây, tạo tán độc đáo đẹp mắt để mang ra trưng bày tại lễ hội được tổ chức khai mạc sáng ngày 13/11 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng. 

Theo Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, sau khi được công nhận xã Phù Đổng là “Điểm du lịch” của thành phố và “Làng nghề cây cảnh hoa giấy",  những năm qua cán bộ, nhân dân địa phương đã tập trung phát triển, khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường. 

Phù Đổng ngày nay đã có một diện mạo mới, đổi thay từng ngày. Hạ tầng KTXH được đầu tư đồng bộ, theo hướng hiện đại; bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Phát huy thế mạnh của địa phương,trong những năm gần đây, từ khi được công nhận làng nghề; nghề cây cảnh, hoa giấy đã phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn xã đã có trên 400 hộ sản xuất với diện tích trên 300ha, giá trị sản xuất bình quân đạt từ trên 900tr đồng/ha. Từ các sản phẩm truyền thống như hoa giấy tím Bắc - hồng - đỏ - 2 mầu, đến nay, người dân Phù Đổng với đức tính cần cù, sáng tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như hoa giấy ngũ sắc, cẩm thạch, hồng gân, tím tuyết, bonsai mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM toàn diện và xây dựng xã thành phường.

 Thành công của lễ hội năm 2023, đã khiến "Sắc hoa trên miền di sản" xã Phù Đổng được lan tỏa rộng khắp cộng đồng. Sau khi triển khai kế hoạch tổ chức "Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng" đã có 70 nhà vườn với 150 thế cây và 200 cây nến tham gia. Đã có rất nhiều du khách và khách hàng từ các tỉnh thành trên cả nước đã tìm đến Phù Đổng như Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... 

Năm 2024, Lễ hội với chủ đề "Sắc hoa trên miền di sản" được tổ chức tại các không gian: Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề hoa giấy Phù Đổng, các nhà vườn trên trục đường liên xã và khu sinh thái Phù Đổng Green Park. Các hoạt động tại lễ hội gồm: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch của các điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm; tổ chức Hội thi tạo hình, ghép cây "Hoa giấy Phù Đổng"; tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối du lịch Phù Đổng và các đơn vị lữ hành nhằm tăng cường, thúc đẩy quảng bá điểm du lịch Phù Đổng... Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian...

Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 4
Các đại biểu xem trình diễn nghệ thuật cắt ghép cây của các chủ nhà vườn

Video các đại biểu xem nghệ thuật ghép cây của các chủ nhà vườn tại xã Phù Đổng

Đặc biệt, dịp lễ hội năm nay, Hoa giấy Phù Đổng vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; nhãn hiệu hoa giấy Phù Đổng được du khách, người tiêu dùng nhận diện qua các sản phẩm hoa giấy được sản xuất tại làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng, là sự khẳng định đối với hoa giấy Phù Đổng trên thị trường. Góp phần quan trọng vào việc bảo hộ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó,  xã Phù Đổng luôn gìn giữ và phát huy những giá trị tiêu biểu của Lễ hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại, giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, gắn kết chặt chẽ với phát triển tài nguyên du lịch, các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch làng nghề; tập trung bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề cây cảnh hoa giấy, nhãn hiệu hoa giấy Phù Đổng. Từng bước xây dựng Phù Đổng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô và cả nước, hoa giấy Phù Đổng trở thành một thương hiệu uy tín, tỏa sắc khắp muôn nơi.

Dưới đây là một số hình ảnh và video Diễu hành hoa giấy và văn nghệ chào mừng tại lễ hội năm 2024:

Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 5Huyện Gia Lâm: Lan tỏa “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng - ảnh 6

Tin cùng chuyên mục

Món quà khuyến học, khuyến tài ý nghĩa nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Món quà khuyến học, khuyến tài ý nghĩa nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô cùng nhà tài trợ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Trường THCS Tố Như - Hoằng Lộc (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức lễ tiếp nhận thiết bị dạy học ngoại ngữ trị giá 250 triệu đồng. Đây là món quà ý nghĩa và Báo Phụ nữ và nhà tài trợ dành cho nhà trường như một sự tri ân đối với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

(PNTĐ) - Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture”, hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
WinMart đón 10 tuổi, giảm sốc nhiều sản phẩm lên tới 50%

WinMart đón 10 tuổi, giảm sốc nhiều sản phẩm lên tới 50%

(PNTĐ) - Với xu hướng tiêu dùng gia tăng từ nay cho tới Tết Nguyên Đán, dự kiến tăng khoảng hơn 20% so với các tháng thường, hệ thống siêu thị WinMart cho biết sẽ tăng cường nguồn cung cho tất cả các nhóm sản phẩm, giúp khách hàng an tâm mua sắm với giá bình ổn. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tươi sống và thực phẩm thiết yếu, chuỗi bán lẻ đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo giá cả và nguồn hàng trong hệ thống luôn ổn định.