Xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh từ gia đình
Bài 4: Công tác gia đình là ưu tiên hàng đầu
(PNTĐ) - Trong tiến trình xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi xây dựng gia đình. Với Thủ đô Hà Nội, từ quan điểm không thể có một Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, nếu như không dựa trên cơ sở xây dựng những gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, thời gian qua, Thành phố đã có nhiều giải pháp để chăm lo, gìn giữ những nét truyền thống tốt đẹp của gia đình Thủ đô.
Trong tiến trình xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi xây dựng gia đình. Năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”. Đến Đại hội lần thứ VII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
Trước bối cảnh đất nước đổi mới, song song với sự phát triển kinh tế xã hội là những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường tới các mối quan hệ ứng xử văn hoá trong gia đình, xã hội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX đặc biệt quan tâm đến vai trò của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người. Đảng đã thể chế hóa, triển khai cụ thể trong các nghị quyết, chỉ thị, trong đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) xác định xây dựng văn hoá gia đình có vai trò quyết định đến những kết quả đạt được của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm 2005, lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành Chỉ thị chuyên đề về gia đình - Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của Chỉ thị số 49-CT/TW sau đó tiếp tục được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”
Kế thừa và phát huy quan điểm của Đảng về vai trò gia đình, Đại hội Đảng lần thứ XI, XII tiếp tục khẳng định vai trò của gia đình trong các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh đến giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình.
Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng đặc biệt coi trọng hệ giá trị của gia đình và với mỗi lĩnh vực, Đảng chỉ rõ vai trò cụ thể của gia đình. Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, Đảng nhấn mạnh phải “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Đối với phát triển văn hóa xã hội, Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong tình hình mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình. Chỉ thị khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”.
Trong bối cảnh nhiều biến đổi đang tác động đến các giá trị tốt đẹp của gia đình, xác định tầm quan trọng của gia đình, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 30/12/2021 thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban bí thư, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 11/3/2022 thực hiện Kế hoạch số 57/KH-TU của Thành ủy trong đó đặt ra nhiệm vụ: Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đặt ra chỉ tiêu đạt 86-88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa.
Thực hiện chỉ tiêu này, Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đặt ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; đề cao vai trò trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên theo phương châm kết hợp "gia đình - nhà trường - xã hội". Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình để gìn giữ phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô từ truyền thống tới hiện đại.
Là cơ quan thường trực tham mưu UBND Thành phố về công tác gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội xác định việc xây dựng gia đình trong tình hình mới là một nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, những giá trị nhân văn về bình đẳng giới và quyền trẻ em được đề cao, hôn nhân bình đẳng, tiến bộ.
Với Hà Nội, công tác gia đình luôn được lồng ghép trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung chủ yếu, được xác định là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các hình mẫu văn hóa khác. Việc đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa năm 2021 tại các địa phương được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, đúng tiến độ, 100% các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Năm 2021, Thành phố có 2.043.647 hộ gia đình, trong đó có 88% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 62% làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; 72% tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Nhằm phát huy và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình góp phần nâng cao giá trị chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì, hai đơn vị thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2019-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cùng với sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể địa phương, tổ hòa giải cộng đồng phát huy hiệu quả, vì vậy số bạo lực gia đình năm 2021 giảm hơn năm 2020. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 05 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thạch Thất, Phúc Thọ bằng hình thức tuyên truyền trực quan như in hơn 400 banner dọc với các thông điệp như: “Gia đình – nơi của yêu thương và chia sẻ!”, “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình!”, căng, treo tại xã, phường thí điểm Bộ tiêu chí, phát tới các hộ gia đình hơn 2.000 lịch treo tường với những tiêu chí ứng xử chung: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
Trước tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội và cả nước đang diễn biến phức tạp, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đang nâng cao trách nhiệm của từng gia đình trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều mô hình mới đã được triển khai, tạo chuyển biến trong nhân dân, nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Toàn Thành phố tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”. Trong đó, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Đặc biệt, huy động sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của từng người dân đóng vai trò quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch. Một trong những địa phương đi đầu là quận Hai Bà Trưng. Quận đã triển khai việc đăng ký và cam kết “Gia đình an toàn Covid-19” đến các hộ trên địa bàn. Sau ba ngày triển khai (từ 21-23/8) đã có 79.212/80.350 hộ gia đình trong toàn quận cam kết thực hiện, đạt 98,6%.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung lực lượng quyết tâm bảo vệ các “vùng xanh”, đảm bảo sự an toàn của người dân trước đại dịch Covid-19, huyện Phúc Thọ còn có sáng kiến tổ chức Hội thi trực tuyến “Yêu nước, hãy ở nhà! Gia đình thêm gắn kết”. Hội thi nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình trong việc chấp hành giãn cách xã hội và các quy định phòng, chống dịch Covid-19; tạo cơ hội gắn kết giữa từng thành viên trong gia đình, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo công tác gia đình quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cũng phối hợp với cơ quan liên quan cùng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) gắn với Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền tháng hành động vì trẻ em... qua đó nâng cao nhận thức, vai trò của người dân, cộng đồng về tầm quan trọng của việc gìn giữ, xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ.