Bức tranh gia đình thời nay đang sáng dần lên

Chia sẻ

PNTĐ-Nhân ngày Gia đình Việt Nam, báo PNTĐ đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ (Th.S) Đinh Đoàn về những vấn đề mà gia đình hiện nay phải đối mặt.

 
P.V: Trên thế giới có ngày của mẹ, ngày của cha, nhưng “Ngày Gia đình” chỉ Việt Nam mới có, trong con mắt của một chuyên gia tâm lý, ông đánh giá thế nào về gia đình hiện nay?
 
Th.S Đinh Đoàn: Trong một buổi nói chuyện về gia đình thời hiện đại, tôi có làm một thí nghiệm như sau: Tôi lấy một tờ giấy trắng, rất to, vẩy lên đó vài giọt mực và giơ lên hỏi mọi người rằng họ nhìn thấy cái gì. Nhiều người trả lời rằng họ thấy những vết mực đen, thấy tờ giấy bị vấy bẩn. Đấy, cả một tờ giấy to, sáng trắng, đẹp như thế mà không ai nhìn thấy, ngược lại họ chỉ thấy một vài vết đen, vết nhơ. Cách nhìn nhận, đánh giá về gia đình hiện nay cũng vậy, thường chỉ nhìn thấy tiêu cực, nguy cơ phải đối mặt mà quên rằng bức tranh gia đình đang sáng dần lên, tươi tắn hơn.
 
Bức tranh gia đình thời nay đang sáng dần lên - ảnh 1
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn
 
PV: Vậy đâu là những mảng sáng, mảng tươi màu của gia đình thời hiện đại?
 
Th.S Đinh Đoàn: So với vài chục năm trước đây, đời sống gia đình bây giờ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc hơn. Không còn nhiều cảnh “chồng chúa vợ tôi”, hay cha mẹ ép buộc, can thiệp vào đời sống của con cái quá mức. Người ta đã quan tâm tới việc học hành, nghỉ ngơi, vui chơi, tham quan, du lịch và hưởng thụ văn hóa tinh thần nhiều hơn, không chỉ suốt ngày quẩn quanh với việc kiếm miếng cơm, manh áo như trước đây.

PV: Thực tế, cuộc sống hiện đại cùng với nền kinh tế thị trường đã khiến cho nhiều quy chuẩn xã hội phải thay đổi để phù hợp. Và gia đình cũng không nằm ngoài vòng quay đó, vậy theo ông những vấn đề mà gia đình phải đối mặt hôm nay là gì?
 
Th.S Đinh Đoàn: Quy mô gia đình ngày càng nhỏ, chủ nghĩa cá nhân ngày càng tăng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo. Mỗi người có nhiều cơ hội “mở cửa trái tim” với bên ngoài nên nguy cơ sa ngã nhiều hơn, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình đối với nhau nhiều lúc được “quy ra tiền”… Tất cả điều đó dẫn tới hậu quả là gia đình ít bền vững hơn.

PV: Chúng ta nên tiếp nhận sự thay đổi đó như thế nào để cuộc sống gia đình không bị chi phối và tác động quá nhiều trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường?
 
Th.S Đinh Đoàn: Cá nhân thay đổi, xã hội thay đổi, không thể có các gia đình “nguyên nếp cũ”. Chúng ta cần có thái độ vừa tiếp thu cái mới, vừa điều chỉnh cho nó phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, nhưng vẫn giữ được những mặt tích cực của gia đình xưa cũ. Trước kia tam đại, tứ đại đồng đường mới là “đại phúc”, nay ta chấp nhận chia đại gia đình thành những gia đình nhỏ, nhưng phải giữ được sự quan tâm, chăm sóc, có trách nhiệm với nhau. Trước kia ông bà, cha mẹ nói, con cái phải vâng lời, nay ta chấp nhận “cùng lắng nghe nhau”, con cái nói, người lớn cũng cần biết “nghe lời”, nếu đó là “lời vàng ngọc”.
 
Bức tranh gia đình thời nay đang sáng dần lên - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Trước kia ta đề cao sự tần tảo sớm hôm của người mẹ, sự chịu thương chịu khó của người cha, nay ta khuyến khích, đề cao những người cha, người mẹ biết vươn lên trong học tập, khẳng định vị trí của mình trong xã hội, kiếm được nhiều tiền bằng cách chính đáng để cuộc sống gia đình ấm no hơn, khá giả hơn. Mỗi gia đình giống như một cơ thể sống, có khả năng đề kháng khác nhau trước tác động của ngoại cảnh, môi trường.

 PV: Có ý kiến cho rằng dù thời đại nào thì nếp nhà của gia đình cũng cần giữ gìn. Bởi nó là "cái trụ" để giúp "ngôi nhà gia đình" đứng vững…
 
 Th.S Đinh Đoàn: Đúng là chúng ta phải xây dựng và bảo vệ “nếp nhà”, nhưng mỗi thời phải có những “nếp nhà” khác nhau. Để gia đình thực sự là gia đình, yếu tố gắn bó, tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau phải giữ được. Để làm được việc này, mỗi cá nhân phải tự rèn ý thức cho bản thân, người lớn cần gương mẫu, xã hội cần khuyến khích, tuyên dương, giới truyền thông phải điều chỉnh, định hướng, Nhà nước phải có chính sách phù hợp.
 
Ở đâu cũng thấy có các cuộc thi người đẹp, thi hát, thi tài năng nhưng ít thấy thi “người cha mẫu mực”, “người mẹ tuyệt vời”, “những đứa con hiếu thảo”, hay nêu gương, ca ngợi những người cha, người mẹ là những người lao động bình thường, nhưng biết giáo dục con nên người, biết vượt lên chính mình để có cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc hơn.

PV: Ngày nay mô hình gia đình hạt nhân rất phổ biến, theo ông mô hình này có những ưu điểm gì so với mô hình gia đình truyền thống trước đây? Đồng thời nó cũng có những nhược điểm gì?
 
Th.S Đinh Đoàn: Trên con đường nhỏ, hẹp, đông đúc, những chiếc xe máy, xe con dễ lách lên phía trước hơn là những chiếc xe buýt kềnh càng. Gặp cảnh tắc đường, người ta cũng dễ thoát hiểm nếu đi xe nhỏ hơn. Gia đình hạt nhân cũng giống như những chiếc xe máy, xe con vậy. Tuy nhiên, gia đình hạt nhân khiến người ta cảm thấy cô đơn hơn, khi gặp khó khăn, hoạn nạn, người ta ít trông đợi ở sự giúp đỡ của những người khác trong gia tộc, vô tình hình thành nên thói ích kỉ, vô cảm.

 PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!    
 
 
    Hạ Thi (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.