Bi kịch cam chịu “đòn chồng”

Chia sẻ

PNTĐ-Bị cáo run run đón nhận, nước mắt nhạt nhòa, luôn miệng xin các con, các cháu tha thứ vì đã làm tan nát mái ấm gia đình. Cả phiên tòa lặng đi…

 
Phiên tòa cuối năm xét xử bị cáo Đỗ Thị Minh (sinh năm 1963, trú tại thôn Bãi, xã Cao Viên, Thanh Oai, HN) về tội danh Giết người theo khoản 2, điều 93 BLHS. Nạn nhân là ông Nguyễn Trung Hòa - người chồng hơn 30 năm chung sống với bị cáo.
 
Đến tận khi đứng trước vành móng ngựa, bà Đỗ Thị Minh vẫn không tin mình đã giết chồng. Trước tòa, bà lắp bắp: “Bị cáo hoảng loạn quá, không biết lúc đó mình làm gì nữa”. Bởi lúc bà cầm kéo đâm 22 nhát lên người chồng là lúc sự bùng nổ từ những uất ức bị đánh đập đã dồn nén suốt bao nhiêu năm qua lên đến đỉnh điểm.
 
Bi kịch cam chịu “đòn chồng” - ảnh 1
Bị cáo Minh tại tòa
 
Lấy nhau từ năm 1981, thời gian đầu, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, vun vén được một mái ấm hạnh phúc với hai con có nếp có tẻ. Nhưng sau đó ông Hòa đâm ra nghiện rượu. Bị cơn ma men khống chế, ông trở nên hung dữ, lắm lời. Rượu vào thì lời ra, đồ đạc, cuốc xẻng cũng bay vèo ra sân. Không dừng lại ở đó, ông thường xuyên giáng cho vợ những trận đòn nhừ tử. Sợ “xấu chàng hổ ai”, bà nhẫn nhục cam chịu, cố gắng giữ mái ấm đã có vết rạn.
 
Khi con trai, con gái đã yên bề gia thất, tưởng có dâu, có cháu, thì tâm tính người chồng cũng thay đổi, nào ngờ, ông Hòa càng được thể lấn lướt. Từ ngày có con dâu, mâu thuẫn của bố mẹ chưa kịp hóa giải, thì xung khắc mẹ chồng – nàng dâu càng làm cho cuộc sống thêm căng thẳng. Con trai khuyên can thì cha con xảy ra xô xát.
 
Tại phiên tòa, bị cáo Minh nước mắt ngắn dài kể lại những ngày tháng bị chồng bạo hành. Có lần, người vợ bất hạnh bị chồng đuổi ra sân giữa đêm lạnh với manh áo mỏng. Chỉ một vài xích mích nhỏ, ông Hòa cũng lôi vợ ra để chì chiết, đánh đập.
 
Thậm chí, trong bữa cơm, ông Hòa không tiếc lời mắng chửi vợ trước mặt con dâu với những ngôn từ tục tĩu. Sợ chồng say rồi làm liều, bà thu hết dao và đồ sắc nhọn trong bếp cất đi… Thậm chí, trước khi án mạng xảy ra 1 tháng, bà Minh bị chồng đuổi ra khỏi nhà 10 ngày liền. Xin ngủ nhờ ở nhà cô ruột, ông Hòa sang gây sự chửi bới. Trốn sang nhà hàng xóm được 6 hôm bà lủi thủi về xin chồng vào nhà. “Ngày đi làm vất vả, tối về chỉ mong có chỗ ngủ còn không yên. Chồng không thông cảm, lại còn chửi bới, mắng nhiếc. Tôi không ăn nổi cơm, trải chiếu ra nền nhà ngủ.
 
Đầu giờ chiều, tôi sang nhà hàng xóm chơi thì thấy chồng chửi bới, đập phá đồ đạc. Chạy về, thấy ông ấy cầm búa đinh, lôi quần áo của tôi ra sân châm lửa đốt. Thấy tôi ngồi ở hè nhà, ông ấy xông đến, tay đánh, chân đá, miệng không ngớt chửi “tao cho mày chết, tao không cần mày nữa”. Tôi càng kêu khóc thì càng làm cho chồng hung dữ hơn”.
 
Giọt nước tràn ly, bà chạy xuống bếp vớ cái kéo cắt ớt, đâm nhiều nhát vào người chồng cho đến khi ông ngã gục. Anh Nguyễn Trung Học (con trai, đại diện hợp pháp của nạn nhân) cho rằng, lý do xung đột của bố mẹ chỉ là… chuyện nhỏ nhặt hằng ngày. Nếu như bố anh không nát rượu, thì cuộc sống gia đình không tan nát như thế. Hôm xảy ra sự việc, cả hai vợ chồng anh đều đi làm xa. “Ai cũng mong bố mẹ sống hòa thuận để con cháu hưởng phúc. Tôi xin tòa giảm nhẹ cho mẹ. Mẹ về sớm ngày nào, chúng tôi đỡ khổ ngày đó” – anh Học xót xa.
 
Suốt cả buổi xét xử, bà Minh không ngớt lời cầu xin các con và gia đình nhà chồng tha thứ. Đến giờ nghị án, con gái bị cáo vội dúi vào tay mẹ món quà của cháu ngoại là con tôm được kết bằng sợi cước. Tay mân mê món quà, bà Minh rấm rứt khóc.
 
Vị đại diện VKS cho biết: “Các con đã có gia đình riêng. Bị cáo bị bạo hành, cuộc sống hôn nhân không còn tình cảm, sao không tự giải phóng cho mình. Việc nhẫn nhục, cam chịu rồi không chịu đựng được, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khiến cho không chỉ bị cáo phải trả giá mà các con của bị cáo cũng gánh lấy nỗi đau bi kịch gia đình”. Bà Minh cúi đầu nhận tội: “Bị cáo không nghĩ được như thế. Giờ bị cáo rất ân hận”.
 
Nhận thấy bị hại cũng là người có lỗi, đã đánh đập vợ suốt thời gian dài, hành vi của bị cáo  diễn ra trong trạng thái bị dồn nén suốt quá trình dài nhẫn nhục chịu đựng bạo hành, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Minh 7 năm tù giam.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.