Trạm thu giá? - Đừng làm rắc rối tiếng Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Mấy ngày nay, dư luận liên tục dậy sóng vì một cái biển trưng ra trên đường quốc lộ: Trạm thu giá.

 
Mấy ngày nay, dư luận liên tục dậy sóng vì một cái biển trưng ra trên đường quốc lộ: Trạm thu giá. Điều mọi người sửng sốt, ngỡ ngàng và phản đối không phải chuyện giá cả, mà là việc sử dụng tiếng Việt tuỳ tiện, không có căn cứ, làm ảnh hưởng tới thói quen giao tiếp bình thường của tất cả những người tham gia lưu thông.
 
Việc đưa ra một từ ngữ, nhất là một thuật ngữ mới là chuyện thường tình trong cuộc sống. Các biển hiệu do Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng có thể rất mới lạ. Nhưng dù lạ mấy nó cũng phải phù hợp, nghe thuận tai và không gây xáo trộn thói quen sử dụng ngôn từ của cộng đồng.
 
Cái biển hiệu “Trạm thu giá” kia mắc một lỗi cần phải bàn. Đó là lỗi logic kết hợp.
 
Tổ hợp từ này có 3 thành tố có nghĩa: 1) trạm, 2) thu và 3) giá. Tiếng Việt ngàn xưa cho đến hôm nay sử dụng 3 từ này ra sao?
 
Theo Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) thì: 
TRẠM có 2 nghĩa: “1.[cũ] nhà dựng lên ở từng chặng trên dọc đường cái quan, dùng làm nơi vận chuyển công văn thời phong kiến. 2. nhà, nơi bố trí ở dọc đường giao thông để làm một nhiệm vụ nhất định nào đó”. Như vậy, trạm hiện dùng thuộc nghĩa thứ 2.
 
THU có 6 nghĩa: “1. nhận lấy, nhận về từ nhiều nguồn, nhiều nơi. 2. tập trung từ nhiều nơi về một chỗ. 3. đạt được, có được kết quả nào đó sau một quá trình hoạt động. 4. ghi lại âm thanh, hình ảnh nào đó bằng những phương tiện máy móc nhất định. 5. làm cho nhỏ lại hoặc gọn lại. 6. làm cho thân mình hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể gọn lại, choán ít chỗ hơn và thường khó nhận thấy hơn”. Ta dễ dàng nhận ra Thu trong trường hợp đang xét thuộc nghĩa 1.
 
GIÁ (mục II) có 2 nghĩa: “1. biểu hiện giá trị bằng tiền. 2. tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra, tiêu phí, mất đi [thường là nhiều] cho một việc làm nào đó”. Ta cũng thấy nghĩa 1 của từ Giá này là thích hợp với nội dung đang xét.
 
Kết hợp “trạm + thu + giá” rõ ràng là cọc cạch, không ổn. Bởi không ai “thu cái biểu hiện bằng tiền” mà phải thu cái gì mà người ta thấy là họ có quyền làm điều đó.
 
Trong khi đó, từ PHÍ (trong kết hợp “trạm + thu + phí”) lại hoàn toàn thích hợp. PHÍ [mục II) có nghĩa là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó”.
 
Tôi tin rằng, bất cứ một người dân nào đọc biển hiệu “TRẠM THU PHÍ” đều hiểu rõ yêu cầu cần phải trả một khoản tiền phải trả (với tư cách là người tham gia lưu thông trên đường).
 
Bộ Giao thông Vận tải giải thích “giá” ở đây là viết rút gọn tổ hợp từ “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Kết hợp này nghe cũng không ổn vì “phí dịch vụ” sẽ được cụ thể hoá bằng các mức giá dịch vụ khác nhau. Sao không nói là “thu phí” vừa đơn giản, vừa dễ hiểu vì nó hoàn toàn phù hợp với ngữ nghĩa ta vẫn sử dụng (trong Phí sẽ có Giá cụ thể).
 
Đã đến lúc chúng ta dừng lại không mất nhiều thời gian bàn luận về một chuyện vô bổ, làm rắc rối ngôn ngữ tiếng Việt. Muốn thế, Bộ Giao thông Vận tải phải có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến nhân dân để đổi lại biển hiệu sao cho phù hợp.
 
PGS TS PHẠM VĂN TÌNH

Tin cùng chuyên mục

Chung tay "xây nhà mới" cho người khuyết tật từ dự án Những bức chân dung từ lụa vụn

Chung tay "xây nhà mới" cho người khuyết tật từ dự án Những bức chân dung từ lụa vụn

(PNTĐ) - Mỗi người có thể gửi cho Vụn Art những bức chân dung ưng ý, mang tính cá nhân hóa dành tặng bản thân, hoặc gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Những người thợ là người khuyết tật sẽ tạo ra bức tranh chân dung đó từ vụn lụa Hà Đông. Số tiền bán tranh sẽ được huy động để cải thiện nơi làm việc cho những nghệ nhân đặc biệt này.
Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Sáng 9/5, Sở  Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH&TT) phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch) phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là hoạt động Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô  và các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng trong năm 2024.