Cận Tết, ngộ độc rượu gia tăng!

Chia sẻ

PNTĐ-Dù đã được cảnh báo thường xuyên nhưng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số người ngộ độc rượu vẫn tăng đáng kể.

 
Cận Tết, ngộ độc rượu gia tăng! - ảnh 1
Cả methanol và ethanol trong đồ uống đều không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

 
Mới đây nhất, trường hợp 3 bệnh nhân tại Quảng Trị, ngộ độc methanol do uống rượu với biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ… là một cảnh báo. 1 trong 3 bệnh nhân nói trên có hàm lượng methanol trong máu là 2.100mg/l, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.
 
Do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, bệnh viện không có loại thuốc ethanol đường uống và đường tiêm chuyên biệt dùng để thải độc methanol. Trong tình thế bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ bệnh viện đa khoa Quảng Trị phải tiến hành kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol; đồng thời nhanh chóng quyết định áp dụng thêm một trong các biện pháp hỗ trợ là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày bệnh nhân qua ống thông để xử lý. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân may mắn bình phục và được xuất viện.
 
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí, BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại là rượu ethanol (rượu chưng cất không an toàn), và methanol (rượu pha cồn công nghiệp). Đây là những loại hóa chất độc hại, chỉ cần uống từ 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên là gây mù lòa, 30ml là có thể gây tử vong. Không phải trường hợp nào cũng may mắn được cứu sống như các bệnh nhân tại Quảng Trị nói trên. 
 
Hiện nay có 3 biện pháp chính giải độc methanol, đó là sử dụng thuốc Fomepizole (một loại thuốc chuyên biệt dành cho người ngộ độc methanol), lọc máu cấp cứu và dùng ethanol bơm vào tĩnh mạch hoặc ethanol đường uống. Tuy nhiên, thuốc giải độc Fomepizole có giá thành từ 3.000 USD đến 4.000 USD, đồng thời không được Bộ Y tế hỗ trợ. Do đó trong điều kiện của các bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở vật chất còn hạn chế không thể chủ động sử dụng loại thuốc chuyên biệt này.
 
Đối với ethanol dùng để bơm tĩnh mạch, tuy rằng biện pháp này không đắt, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, bệnh viện khó có thể trữ một lượng lớn sẵn sàng cứu bệnh nhân. Mặt khác, hiện nay ethanol trên thị trường bị làm giả, các bác sĩ, bệnh viện phải rất vất vả trong việc tìm chọn nhà cung cấp ethanol uy tín. Bởi vậy, cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc methanol đó là người dân không sử dụng đồ uống có cồn quá đà. Dịp Tết nếu có nhâm nhi thì nên uống điều độ, cẩn trọng trong việc chọn đồ uống có nguồn gốc, tránh nguy cơ rượu giả, rượu trôi nổi, các loại cồn sát trùng không rõ nguồn gốc.
 
Liên quan đến tình trạng ngộ độc rượu gia tăng dịp lễ, Tết, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ thêm: Hiện nay, nhiều người còn cho rằng cứ uống rượu khoảng 1 thời gian nhất định thì có thể nghỉ hoặc uống bia cầm chừng rồi uống tiếp sẽ không bị ngộ độc. Về nguyên lý, gan có thải độc trong vòng 1h khoảng 1 đơn vị cồn (tương đương 15ml rượu vang, gần 2/3 lon bia 330ml). Nhưng theo thói quen của người dân, hầu hết mọi người uống cấp tập, thậm chí trong 1h có thể uống hàng chục lon bia và lượng cồn cao. Khi đó, gan không chuyển hóa chất và ethanol sẽ thành chất độc.
 
Ở mức độ dung nạp khác nhau, ethanol gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại - trực tràng, vú); rối loạn tâm thần (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai.
 
Nhận biết ngộ độc rượu, bia, BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin: Methanol hay ethanol khi ngộ độc lúc đầu đều khiến bệnh nhân bị hạ thân nhiệt, hạ huyết áp. Song, triệu chứng ở người bị ngộ độc methanol thường diễn tiến chậm (từ nửa ngày sau trở đi) do acidfomic gây ra nên người dân rất khó để nhận biết. Thường khi có dấu hiệu: mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp thậm chí hôn mê, có thể có nôn ọe… bệnh nhân mới để ý, nhưng lúc này đã muộn. Khi cơ thể cảm thấy bất thường, mệt sau khi uống rượu, bia người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, không tự uống rượu thêm để đảm bảo an toàn sức khỏe. 
 
Bên cạnh đó, BS Nguyên lưu ý cách sơ cứu cho người ngộ độc rượu: nếu bệnh nhân còn nói, còn đứng được thì ủ ấm cho bệnh nhân, cho ăn thực phẩm có đường, tinh bột, sử dụng các loại nước quả hoặc oresol để đảm bảo đủ dinh dưỡng; trường hợp bệnh nhân chậm chạp, nằm, bệnh nhân không nói được, lạnh, vã mồ hôi, có đờm dãi thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu; đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên để tránh tắc nghẽn đường thở.
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.