“Tiếng thở dài” tại giải “Cánh diều”

Chia sẻ

PNTĐ-Mùa giải năm nay, “Cánh Diều” có 14 phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải trong tổng số hơn 40 phim được phát hành trong năm 2018. Chưa kể, các phim “bom tấn” đã không tham dự tranh giải...

 
Những con số này phần nào cho thấy một không khí khá “ảm đạm” trước thềm Lễ trao giải.
 
Duy nhất 1 phim điện ảnh Nhà nước
 
Theo công bố của Hội Điện ảnh Việt Nam, danh sách các phim tham gia dự giải Cánh Diều 2018 có 14 phim truyện điện ảnh tranh giải. Trong đó, Thạch Thảo là phim hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân và Nơi ta không thuộc về là phim duy nhất thuộc điện ảnh Nhà nước. Đây là tác phẩm của đơn vị Điện ảnh Quân đội Nhân dân chưa chiếu nhưng vẫn tranh giải. Theo ban tổ chức, phim dự kiến có giấy phép phát hành trước ngày 12/4 nên đủ điều kiện tham gia. 
 
Hai năm liên tục là 2016 và 2017, Cánh Diều hoàn toàn vắng bóng phim điện ảnh Nhà nước. Lý do được các nhà chuyên môn lý giải là liên quan tới các vấn đề ở Hãng Phim truyện Việt Nam còn ngổn ngang và do xu hướng phát triển tất yếu của chủ trương xã hội hóa điện ảnh. 
 
Ở hạng mục phim truyền hình có 13 tác phẩm tranh giải, trong đó đáng chú ý nhất là: Quỳnh búp bê - bộ phim “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ năm qua. Ngoài ra, hạng mục này cũng xuất hiện một số phim gây chú ý như: Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu, Cả một đời ân oán...
 
Các hạng mục khác của giải Cánh diều năm nay gồm có: Phim tài liệu (61 phim), Phim khoa học (14 phim), Phim hoạt hình (14 phim), Phim ngắn (26 phim) và Giải Công trình điện ảnh (2 công trình).
 
Giới làm phim không mặn mà với “Cánh diều”?
 
Có thể thấy, các nhà làm phim dường như không quá mặn mà với giải thưởng khi năm nay số lượng phim tham gia vẫn rất khiêm tốn - 14 phim truyện điện ảnh trong số khoảng 40 bộ phim ra rạp năm 2018. Việc số ít các phim tham dự giải Cánh Diều lại giống như một tiếng thở dài về độ mặn mà của các nhà làm phim với giải thưởng điện ảnh được xem là hàng đầu hiện nay. 
 
Chất lượng các bộ phim tham dự giải cũng có khoảng cách lớn, trong đó chỉ có số ít tác phẩm được giới làm nghề đánh giá cao như: Song Lang, Tháng năm rực rỡ… Bên cạnh đó, Cánh Diều 2018 có sự tham gia của tác phẩm không được dư luận cũng như các nhà chuyên môn đánh giá cao như Trạng Quỳnh, Thạch thảo, 11 niềm hy vọng... Phần nhiều các bộ phim không gây ấn tượng cả về chất lượng và doanh thu.
 
 
“Tiếng thở dài” tại giải “Cánh diều” - ảnh 1
Bộ phim “Những tháng năm rực rỡ” tham gia hạng mục phim truyện

Nhiều người tiếc nuối khi Cánh Diều năm nay thiếu vắng các bộ phim “bom tấn” về doanh thu là: Cua lại vợ bầu (190 tỷ) và Hai Phượng (200 tỷ). Lý giải điều này, BTC cho biết việc tham gia giải Cánh diều là quyết định từ phía các nhà làm phim và đơn vị sản xuất. Đại diện Hội điện ảnh Việt Nam cho rằng, đây có thể là chiến lược của nhà sản xuất khi lựa chọn giải thưởng để tham gia. 
 
Vắng mặt các tác phẩm tốt, đáng xem rõ ràng khiến giải thưởng Cánh Diều bớt sức hấp dẫn và đây vẫn là điều gây tranh luận những năm qua về giải thưởng này. Có ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng, tăng sức hút cho giải thưởng Cánh diều cần phải thay đổi cách tổ chức và chấm giải. Thay vì phải “chờ” hay kêu gọi các nhà làm phim và nhà sản xuất tham dự thì BTC nên đánh giá một cách toàn diện các phim sản xuất trong năm. Từ đó, BTC chọn ra các đề cử cho từng hạng mục và bỏ phiếu cho tác phẩm xuất sắc, cá nhân xuất sắc trong năm.
 
Với Cánh Diều thì khác, danh sách đề cử gần như được giữ… bí mật tới gần ngày diễn ra lễ trao giải, và năm nào, số lượng các phim tham dự cũng không nhiều. 
 
Năm nay, BTC Cánh Diều “mở cửa” cho các phim remake (kịch bản được Việt hóa từ phim nước ngoài) được tranh giải tất cả hạng mục, trừ hạng mục Kịch bản xuất sắc. Với tình hình thực tế là số lượng phim remake đang tăng, kể cả mảng truyền hình, ban tổ chức đang cân nhắc mở giải “Phim remake thành công nhất” vào năm sau. Cùng với đó, theo điều lệ Cánh Diều, cá nhân đoạt giải phải là người Việt Nam, ví dụ như đạo diễn Ken Ochiai (phim Hồn papa da con gái) không thể tranh tài.
 
Các phim điện ảnh tham gia tranh giải sẽ trình chiếu miễn phí phục vụ khán giả từ ngày 8 đến ngày 10/4 tại Cinestar Hai Bà Trưng, BHD Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) và Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội). 
 
Dự kiến, lễ trao giải Cánh Diều 2018 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh vào tối 12/4.
 
 
Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.
Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.