Kiến lạc

Chia sẻ

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hòa

 
Khác hẳn lúc về quê, ông chú lễ phép, mau mồm là thế, giờ như ngậm hạt thị, gò lưng, dập quân cờ choanh choách. Thằng con chú chúi mũi vào trò chơi điện tử như thế giới xung quanh không tồn tại. Con em bé bỏng mải mê với búp bê cũ mèm, tóc bê bết. Chợt cảm giác ở đây mình thành người thừa, lại liên tưởng thế nào cô cũng vơ lá ở đó, liền níu quang: “Cho cháu đi với, cháu muốn xem rừng”. Cô ngoắt lại, thảng thốt: “Mày hâm à? Hà Nội làm gì có rừng?”. Quả chưa thấy sách vở nào, hay ai nói Hà Nội có rừng. Chả nhẽ tôi mơ?
 
Cơn mơ lúc hoàng hôn ngấp nghé, chực phủ kín không gian có con đường nhỏ gồ ghề, vắng hoe hoét, quanh co, hút dưới tán lá rậm rì, kết vòm như đường hầm. Càng vào sâu, đường hầm càng tối, không vì hoàng hôn càng lúc càng tím sẫm, mà bởi cây cối bạt ngàn. Tạch! Đèn pha xe máy xé một vệt bóng đen âm u, rọi mặt đá gập ghềnh. Chột dạ, tôi đập vai chú xe ôm, rối rít: “Chú đưa cháu đi đâu thế?”.
 
Chú xe ôm sau một cú xóc trời giáng, hào hển quát: “Yên để tao tập trung tay lái. Mẹ kiếp, đường thì xấu như đường miền ngược. Mà mày trên răng dưới cắt tút, tao dở hơi đâu mà bắt cóc? Chẳng qua tao đi tắt cho gần”. Con đường tắt như lạc tới một miền thăm thẳm. Cuối miền thăm thẳm, một xóm nhỏ heo hút như xóm núi, lập lòe đèn đom đóm lay lắt, nỉ non dàn đồng ca giun dế: “Đến rồi! Tổ dân phố 28 đấy. Cô chú mày tên gì thì vào mà hỏi, ở đây người ta biết nhau cả”. Chú xe ôm vừa nói, vừa vội quay xe, phóng như ma đuổi, bỏ lại tôi chơ vơ giữa bốn bề nhập nhọa. Hệt cư dân xóm núi, chỉ hỏi tên cô chú, tôi được một bà nạ dòng chân không bén đất, đi nhanh như cái bóng, đưa tôi tới tận cổng nhà cô, nếp nhà đơn sơ, khác xa với tưởng tượng của tôi, của cả họ tôi ở quê.
 
Kiến lạc - ảnh 1

 
Tối qua mơ đã đành, còn giờ đây, giữa xóm núi chả lẽ tôi chưa tỉnh. Hà Nội không rừng, nhưng chả nhẽ có phố núi. Tôi quay quắt, ban mai trải rực rỡ trên thảm cỏ tranh, ngoi ngóp, le ve vài khóm chuối còi cọc. Con chuồn ớt cánh lấp lóa, bình thản đậu trên giậu cúc tần lùm lòa, đồng lõa đám cỏ tranh trùm lợp, min mít, trừ mảnh sân rêu phong, bể nước bé tin hin, vuông đất nhỏ sát bể chen chúc đám rền đỏ, mùng tơi xanh, rau muống cạn, rau thơm, cây ớt trĩu quả.
 
Đang đi như trên mây, chợt giật thót khi cô buột hỏi: “Không đi à?”. Cô hỏi cứ như tối qua tôi chưa hề nói với cô tôi chưa phải thi. Tối qua, cô còn khuyên tôi nghỉ, thư giãn một hai ngày trước khi thi. Tôi cũng biết thế, nhưng không chắc mình thư thái khi cả cô cũng lạ, lam lũ, cũ kỹ, khác hẳn cô diện tưng bừng, xe máy vi vu, lượn vào tận sân nhà tôi ở quê, cho góc làng tôi sáng bừng lên. Khoanh tay, tựa cửa tôi xem cô sắm nắm, sờ xẩm như bà già trong căn bếp toen hoẻn, giữa chòm xóm như được người ta cố ý lưu giữ cho đời sau, nhớ về một thời nhà tranh vách đất, khói lam tỏa mái rạ, và đám trẻ thời 8x, 9x, các tiểu thư thời @, không cần dò dẫm vào tít vùng sâu vùng xa mới biết thế nào là bồ hóng, thứ chính hiệu từ khói đun rơm lá, bám dày khắp bếp nhà cô, trước mắt tôi đây.
 
Bần thần, cô ngưng sắm quang sọt, dỏng tai như tiếng ai sau hàng cúc tần. Chỉ tiếng gió lạt sạt, cô thở sườn sượt như thất vọng, chậm chạp sắm nắm như có ý chờ. Cô chờ ai khi họ hàng ở xa lắc, mặc cảm nghèo hèn, đưa dâu về nhà chồng, sang trọng, giữa phố, rồi chả bén mảng, trừ tôi lúc này. Mặc cảm là tự trói buộc, ngăn cách mình với thế giới văn minh. Tôi cố học, tiếp cận nền văn minh thì chả dại nghe mẹ, giấu cả nhà tìm nhà cô thay vì thuê nhà trọ như cả nhà dặn.
 
Cô như mất hồn, tôi buột cộc lốc: “Không!”. Cô thản nhiên như thể tôi vẫn lễ phép, kiểu ăn nói có thưa có gửi như ngày bé vẫn được cô uốn nắn, cả như thể trước cô, không là đứa cháu cô thương nhất, cách biệt, xa tít mù tắp, lâu lắm mới có dịp bên nhau. Cô tôi, cả chú lẫn hai đứa em sao rồi, chẳng ra lơ ngơ, cũng chẳng hẳn tinh khôn: “Không đi thì ở nhà, tao đi vơ lá đun”.
 
Vơ lá đun? Cụm từ dĩ vãng, người quê không nhắc, để lá khô về cội tầng, lớp, nâng bước chân người quê dưới bóng hàng cây, bập bềnh như đi lên đệm. Cô đã gánh quang sọt, lại đặt xuống, chống đòn gánh như cố nấn ná chờ. Cô chờ ai khi người nhà cô ở cả đây? Chú tình nguyện ngày xưa của cô, chú kỹ sư giao thông như cô khoe mỗi lần về quê, đang gò lưng, choanh choách đánh cờ với chú hàng xóm trên chõng. Thằng Long cởi trần chúi mũi vào trò chơi điện tử kêu kíp kíp đầu hè, cái Ngân thẽ thọt nựng con búp bê cũ mèm trong trò cho em ăn bột bằng cái thìa nhựa. Như chả có gì để làm, họ mê mải. Cô đi làm, nhưng vơ lá đâu phải một công việc. Dù vậy, cô vẫn tong tả gồng quang sọt, liền bị tôi níu lại.
 
Kiến lạc - ảnh 2

 
Như quên phắt có thằng cháu lẵng nhẵng, cô lầm lũi như bận toan tính, thỉnh thoảng choàng tỉnh, vồn vã khi cụng một ai đó lam lũ, cũ kỹ, đăm chiêu vẻ chờ đợi ngơ ngẩn y như cô. Mà cả chặng đường non cây số toàn người như thế, bất kể đàn ông, đàn bà, họ giống nhũng chú kiến lạc, gặp là chụm râu truyền thông tin. Thông tin ở đây chỉ duy một câu như điệp khúc:
 
“Có động tĩnh gì chưa?”. Câu trả lời cũng điệp khúc: “Chưa. Sao lâu thế không biết”. Có chú kiến như hết kiên nhẫn, vò đầu, rên rẩm: “Cứ như họ chết hết cả, mà không chết khéo họ bỏ sót cái xóm còm này rồi”. Phải rồi, kể cả chú, cả hai đứa con cô tuy không truyền tin hay cụng đầu thì cũng như kiến lạc. Cư dân kiến lạc mong ai đó rất cụ thể, như mong kẻ dẫn đường, lại như trẻ đói mong mẹ cho bú: “Họ là ai thế?”. Tôi tò mò. Cô nghe ngóng và chợt thở đánh sượt, gắt gỏng như tôi chính là nguyên nhân gây bức xúc: “Chủ đầu tư chứ ai. Nói từ tám hoánh rằng sắp lấy đất xây khu chung cư”. Tôi nín thít như tội đồ, thì lập tức hiện con đường rừng.
 
Vẫn hun hút, chỉ khác dưới ban mai mặt đường đá hiện rõ, hằn hai vệt bánh xe với chi chít những đốm nắng tròn xoe, nhảy múa, hiện rõ hai hàng xà cừ xum sê không dấu hiệu đốn tỉa. Và cũng hiện rõ là bạt ngàn, chen chúc cây, dây leo chằng chịt. Quả như tôi đoán, cô đặt gánh, lầm lũi nhặt lá xà cừ bên đường, mặt nguyên vẻ đăm chiêu. Lẳng lặng lên một gò cao, tôi dụi mắt, bao quát, hóa ra tứ phía nơi đây toàn rừng.
 
Rừng bạt ngàn thứ cây thẳng đứng, bé bằng cổ tay, le ve lá. Nhìn thật gần, dưới đám dây leo chằng chịt, chen chúc những thân cây mốc mác cũng hàng lối, phân lô hệt rừng trồng quê tôi, chỉ khác người ta trồng xà cừ, thông, hay keo tai tượng, còn ở đây thì lại là ổi. Chả hiểu ổi ở đây mang lại hiệu quả kinh tế gì mà người ta trồng lắm thế? Tôi nhìn đám quả non, lưa thưa, bé như quả táo dại, chợt nhớ một lần, có người vào làng tìm quả ổi non, bảo làm thuốc chữa đái đường, thì đinh ninh đây là những vườn cây thuốc Nam. Lang thang một hồi thì chả thấy gì hơn ngoài ổi với dây leo, tôi mon men nhặt lá cùng cô, và buột hỏi:
 
“Sao cô không đi làm mà lại đi nhặt lá?”. Cô nhìn tôi như nhìn đứa chả hiểu gì: “Sắp có bạc tỷ tội gì đi làm? Mày tưởng nghề sửa đường tàu nhàn lắm sao, cúi bới long bả vai dưới nắng chày chày, chả bõ rám má”. Cô sắp có bạc tỷ chứ không phải đã có như cô khoe với họ hàng ở quê.
 
Phải rồi, chính vì sắp cho nên cả cô, cả xóm cô còn nghèo, còn lam lũ khi cánh rừng thuốc này chưa cho thu hoạch. Ở quê, ổi to tướng, hái cả gánh mang đi chợ bán được hơn chục nghìn, còn ở đây ổi bé nhưng là ổi thuốc, một cân chắc vài chục nghìn, chắc vì thế nên mới thi nhau trồng.
 
Tôi hồ hởi: “Bạc tỉ từ thu hoạch ổi, thích nhỉ, thế mà cô không bật mí cho ở quê trồng với?”. Cô trợn mắt nhìn tôi như quái vật: “Mày điên à. Ổi này chỉ bán cho ma”. Tôi cãi: “Vậy thì người ta, cả cô nữa, trồng nhiều ổi thế để làm gì?”. Như hiểu ra, cô tôi chùng lại: “Ừ nhỉ, ở quê có bao giờ được người ta lấy đất đâu mà biết”. Lại còn thế nữa. bị mất đất thì lại gọi là được. Chợt rỉ rả như tâm sự, giọng cô đều đều:
 
“Thế mà ngày xưa cô tiếc không được thừa hưởng nhà mặt phố thay vì vào xóm dãn dân. Trời cũng có mắt, lão anh trường ngoài ấy có buôn bán còng lưng thì cũng còn lâu mới có bạc tỷ, còn nhà cô ý à nguyên đất đã tiền tỷ, chưa kể đền bù hoa màu. Người ta trồng ổi vì dễ trồng, vì chả đầu tư giống vốn, khi đền bù lại được tính cây lâu năm, tính theo số gốc, tiền đền bù bằng vạn rau màu. Đền bù cây, đền bù đất, tiền tỷ ở đấy cả, có tiền cô sẽ xây nhà, mua mỗi người một xe máy. Trăm mét đất trong nhà cô chỉ xây 40m2 ở, còn lại xây nhà cho sinh viên thuê, lấy đủ tiền chi tiêu thì tội gì đi làm”.
 
Hóa ra thế, cô tôi tính toán cho tương lai cặn kẽ, thảo nào bà tôi cứ bảo cô giảo hoạt, yêu chú ở làng nhưng nhất quyết lấy chú sinh viên tình nguyện người phố để thoát cảnh chân lấm tay bùn. Hóa ra, cô và người xóm trông đợi chủ đầu tư, những người đến lấy đất của mình. Chả biết xóm giãn dân của cô tôi sẽ chờ đợi đến bao giờ, và giàu có sung sướng đến đâu, chỉ biết ngay lúc này, vì chờ đợi, hy vọng, họ đã bê trễ đến lâm vào cảnh lam lũ, nghèo khổ, đến ngu ngơ như kiến lạc. Và cả tôi nữa, về giữa Thủ đô mà cảm giác như vào rừng, vào núi để cô nhìn tôi thành “đồ hâm”. Nắng mai ở giữa thành phố mà trong trẻo như nắng ở quê, vậy mà, trong cái trong trẻo, lòng tôi xót như bị xát muối khi nhìn giọt nắng đọng trên bờ môi cô tôi từ bao giờ khô nứt.
 
N.T.H 

Tin cùng chuyên mục

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.
Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.