Ngoại tình - Bi kịch với những đứa con

Chia sẻ

PNTĐ-Con gái tôi vẫn thường tâm sự với mẹ về bạn bè. Câu chuyện mà con tâm sự nhiều nhất vẫn là hoàn cảnh của các bạn trong lớp khi bố mẹ ly hôn...

 
Những đứa trẻ mới lớn ấy chơi với nhau, kể cho nhau nghe nỗi buồn mình đang gặp phải khi bố mẹ không cùng chung sống dưới một mái nhà. Người lớn có trăm ngàn lý do để ly hôn nhưng lý do ly hôn vì ngoại tình lại tạo nên bi kịch kinh khủng cho những đứa con. 
 
Cách đây không lâu, con gái tôi kể bạn con hôm nay đến lớp với tâm trạng buồn chán vì mẹ phát hiện ra bố ngoại tình. Cháu chia sẻ với con gái tôi về nỗi đau khổ của mẹ, không biết phải vượt qua sự thật phũ phàng ấy như thế nào. Bi kịch ấy dâng cao hơn khi mẹ cháu phát hiện ra chồng ngoại tình để lại hậu quả có con riêng. Mẹ cháu không chấp nhận đứa con riêng của chồng khiến gia đình rơi vào cảnh bấn loạn. Ngày nào đi học về, cháu cũng chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, mẹ lao vào cấu xé bố, gào thét về chuyện đứa con riêng. 
 
Ngoại tình - Bi kịch với những đứa con - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Tuần trước cháu đi học về chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, bảo sẽ ly hôn rồi đến sống với nhân tình và con riêng. Cháu lao vào bênh mẹ và có những lời lẽ bất kính với bố mình. Người bố không chấp nhận những lời nói hỗn láo của con gái đã thẳng tay tát con. Cháu bị tổn thương nặng nề sau cái tát đó, đã nói rằng bố cháu hãy chết đi, biến mất khỏi cuộc đời này. Hôm sau đến lớp, cháu nói với con gái tôi liệu có thể đến nhà tôi ở một thời gian không để tránh mặt bố. Nếu không đến nhà tôi, cháu không biết đi đâu, vì ở đây gia đình cháu không có họ hàng nào khác. 
 
Nhìn bạn tuyệt vọng, đau khổ, con gái gọi điện hỏi ý kiến tôi. Nghe xong chuyện, tôi gọi điện cho mẹ cô bé, chị đồng ý để con gái đến nhà tôi một vài ngày để tĩnh tâm lại. Chị nói, bản thân chị cũng đang bấn loạn không biết xử lý vấn đề gia đình và con cái thế nào. 
 
Hơn 1 tuần nay, cô bé ở nhà tôi, hai vợ chồng tôi cố gắng phân tích cho cháu hiểu hơn vấn đề của bố mẹ, động viên cháu vượt qua chuyện này. Cô bé đang cố gắng nhưng sự tổn thương từ bi kịch bố ngoại tình quá nặng nề. Mấy ngày đầu, nửa đêm, tôi bị đánh thức bởi tin nhắn từ phòng riêng của con gái. Con bảo không biết làm thế nào vì bạn không ngủ được cứ khóc mãi. Cô bé sợ làm phiền đến vợ chồng tôi nên bảo con gái tôi đừng nói với ai. Cả đêm, hai đứa trẻ khóc cùng nhau, sáng dậy mắt sưng húp lên. Những ngày sau, nỗ lực của vợ chồng tôi cũng có kết quả, cô bé dần bình tâm lại nhưng vẫn chưa muốn về nhà. 
 
Câu chuyện mà chúng tôi đang chứng kiến cũng như câu chuyện mà báo PNTĐ đưa ra thảo luận cho thấy, hậu quả từ bi kịch ngoại tình là rất lớn. Nó không chỉ là vấn đề của riêng hai vợ chồng, mà còn với những đứa con. Tôi nghĩ, cách giải quyết ly hôn hay tiếp tục tồn tại hôn nhân cũng phải tính đến sự tổn thương của các con gián tiếp phải gánh chịu khi bố hoặc mẹ ngoại tình.
 
Người gây lỗi không chỉ cần sự tha thứ của bạn đời, mà còn cần lòng vị tha của những đứa con nữa. Bố mẹ là tấm gương của con cái, khi gương bị mờ, những đứa con sẽ mất phương hướng, không có niềm tin vào bố mẹ. Thực tế chứng minh, cuộc sống của những đứa trẻ bị sụp đổ khi bố, mẹ ngoại tình. Điều gì sẽ xảy ra nếu như cô bé kia cứ tiếp tục chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, đánh nhau hàng ngày. Đạo đức có còn khi con thay vì yêu thương lại căm hận bố, đến mức chỉ mong cho bố... chết đi. 
 
Vì vậy, trong trường hợp mà báo PNTĐ đang thảo luận, tôi nghĩ người vợ cần có sự ứng xử thông minh tránh tổn thương cho bản thân cũng như gây tổn thương cho con cái. Dù có tha thứ hay không, chị cũng nên giúp con duy trì cái nhìn tích cực vào hạnh phúc gia đình. Nếu tha thứ, chị phải chấp nhận sự thật, đối diện với những vấn đề nảy sinh khi đứa con riêng của chồng tồn tại trong cuộc sống. Nếu chia tay, chị cũng đừng mang nặng nỗi oán hận để tránh gây thêm tổn thương cho con cái sau này.
 
 
Nguyễn Thị Mai Anh 
(Nam Từ Liêm, HN)
 
 Các ý kiến thảo luận gửi về Ban Hôn nhân gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc email baophunuthudo@gmail.com. Các tác giả có ý kiến thảo luận được đăng tải sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.