Chuyện báo hiếu cha mẹ cõi âm

Chia sẻ

PNTĐ-Mùa Vu Lan được xem là mùa hiếu hạnh, con cháu không những thể hiện lòng hiếu lễ đối với bố mẹ, ông bà còn sống mà còn là thể hiện lòng hiếu đối với những người đã khuất...

 
Hàng năm, mùa Vu Lan được xem là mùa hiếu hạnh, con cháu không những thể hiện lòng hiếu lễ đối với bố mẹ, ông bà còn sống mà còn là thể hiện lòng hiếu đối với những người đã khuất. Theo đó, chuyện báo hiếu cho người cõi âm ngày càng được một bộ phận con cháu đặc biệt chú trọng. 
 
Sống ở nhà dột, về cõi âm thành đại gia
 
Cạnh nhà tôi có một gia đình chuyên buôn bán hàng mã. Hàng năm cứ vào dịp Vu Lan, ông chủ cửa hàng vàng mã lại nhập về đầy ắp hàng, chất đống mấy tầng nhà. Thôi thì đủ kiểu dáng nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy tính bảng... không thiếu một thứ gì. Cứ gọi là người cõi trần dùng thứ gì thì cõi âm cũng có phiên bản giống hệt như thế. Ông chủ cửa hàng kể, đồ nhập về chủ yếu theo đơn đặt hàng phần nhiều. Cứ vào dịp Vu Lan, rằm tháng Bảy, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng nhà lầu, xe hơi, các đồ dùng tiện nghi trong nhà của các bậc con cháu mua về đốt xuống cõi âm báo hiếu cho bố mẹ, ông bà. 
 
Chuyện báo hiếu cha mẹ cõi âm - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
- Không ít bậc cha mẹ ngày còn sống ở nhà cấp 4 dột nát, nghèo khổ, thác xuống cõi âm thì ngay lập tức thành...đại gia, tỷ phú vì con cháu đốt đồ báo hiếu cơ man nào là nhà biệt thự, xe hơi, tiền vàng không thiếu một thứ gì. Nhà có mấy đứa con thì có bấy nhiêu biệt thự đốt xuống.
 
Có lần, tôi đi giao hàng cho một gia đình chở liền một lúc 4 biệt thự, 3 xe hơi, ti vi tủ lạnh, xe máy, tiền vàng... Đến nơi mới biết người được nhận đồ cõi âm là một bà cụ. Nghe hàng xóm nói, bà cụ ngày sống thì bị con cái bỏ rơi, sống tuổi già cô đơn một mình trong căn nhà cấp 4 dột nát. Vậy mà khi thác đi, mấy đứa con kéo về chia nhau đất đai rồi làm đám ma mẹ thật to. Anh con cả sau này về hưu xây nhà ở trên phần đất được thừa kế lại.
 
Hàng năm đếm ngày rằm tháng Bảy, mấy đứa em lại kéo về nhà anh trưởng nơi có đặt bàn thờ bố mẹ cúng lễ thật to, mua đồ hàng mã mang ra mộ đốt cả buổi mới hết. Người con nào cũng thể hiện lòng hiếu với mẹ bằng việc mua nhà biệt thự, xe hơi đốt xuống cõi âm báo hiếu mẹ. Bà cụ mất mấy năm nay, tính ra năm nào cũng nhận của con cháu chừng đó đồ đốt xuống thì thành đại gia, tỷ phú dưới đó rồi. Vì có tận hơn chục biệt thự, mấy cái xe hơi liền, đồ đạc khác không tính... - ông chủ cửa hàng vàng mã kể. 
 
Lại có ông bố sống góa vợ mấy năm trời, muốn đi bước nữa nhưng con cái nhất quyết phản đối. Họ lo sợ sau này không chỉ nặng gánh lo cho bố già mà còn phải lo cho mẹ kế, nếu không thì tài sản thừa kế cũng phải chia phần cho mẹ kế. Con cái ông ngăn cản bố đi bước nữa nhưng chẳng đứa nào đón ông về sống cùng. Một mình ông sống thui thủi ở căn nhà vắng tiếng người. Khi ông đau ốm cần sự trợ giúp, các con ông họp nhau lại bàn thuê giúp việc. Chúng chia nhau trách nhiệm với ông bằng cách góp tiền trả cho giúp việc hàng tháng. Thỉnh thoảng, chúng đảo về thăm ông một lúc rồi lại biền biệt cả tháng trời.
 
Ngày ông mất, người cuối cùng bên cạnh ông là cô giúp việc, vì con cháu ông chẳng đứa nào về kịp. Ông mất rồi, cứ mỗi dịp rằm tháng Bảy lễ Vu Lan, người làng lại thấy con cháu ông đi ô tô kéo nhau rồng rắn về. Trên xe đứa con nào cũng chất đầy vàng mã để mang ra mộ bố mẹ đốt. Những thứ đồ dùng tân tiến, công nghệ bằng hàng mã, chúng mua về chất đống đốt mấy tiếng đồng hồ mới hết.
 
Chuyện báo hiếu cha mẹ cõi âm - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Có lần, người họ hàng của ông bảo với mấy cháu đừng lãng phí tiền bạc mua đồ về đốt cho bố mẹ dưới cõi âm những thứ đồ ấy. Bởi khi còn sống họ còn không biết đó là cái gì thì đốt xuống dưới họ cũng chẳng biết dùng thế nào. Nhưng, con cháu ông bảo đó là cách họ báo hiếu cho bố mẹ ở cõi âm. Lòng hiếu của con cháu càng nhiều thì càng ít, biết bao nhiêu cho đủ. Người họ hàng thở dài bảo giá như ngày ông bà còn sống, chúng cũng thực hiện được lòng hiếu càng nhiều càng ít như đốt vàng mã báo hiếu cõi âm như bây giờ. 
 
Đa số người sống vẫn quan niệm trần sao âm vậy, nên chuyện đốt đồ bằng hàng mã xuống cho người âm vẫn tồn tại. Thậm chí ngày càng lớn hơn bởi các nơi sản xuất hàng mã biết nắm bắt tâm lý khách hàng rất tốt. Họ liên tục cải tiến mẫu mã, sản xuất ra nhiều mặt hàng mã đa dạng, phong phú, không thiếu một thứ gì cho người âm. Tâm lý người mua, hễ có mặt hàng gì là mua cái đó vì nghĩ nếu không mua cung tiến xuống cõi âm thì người thân của mình sẽ thiếu thốn, không phù hộ cho người sống. Vậy là người nọ nhìn người kia, ai cũng đua nhau mua để cung tiến xuống cho người thân mà không biết rằng điều đó không hề có cơ sở, chỉ gây lãng phí tiền bạc cho người sống. 
 
Không chỉ đốt đồ mã, về các nghĩa trang ở các làng quê hiện nay, ai cũng dễ dàng bắt gặp những "biệt phủ"của các dòng họ, người đã khuất. "Biệt phủ", lăng mộ càng lớn thì càng chứng tỏ lòng hiếu hạnh của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, bố mẹ càng nhiều. Những người đã khuất được con cháu xây "biệt phủ" không ít người khi còn sống lâm vào cảnh thiếu thốn, ăn uống, ốm đau bệnh tật không được con cháu chăm sóc đầy đủ, tận tình. Vậy nhưng khi họ khuất núi, con cháu lại đoàn kết kéo nhau về xây lăng một thật lớn. 
 
Báo hiếu theo... phong trào
 
Thời công nghệ, chuyện báo hiếu đôi khi còn được con cháu thực hiện theo kiểu... phong trào thay vì làm việc đó quanh năm, hay thực hiện khi người thân của mình còn sống trên cõi trần. 
Hàng năm cứ tới mùa Vu Lan, trên các trang mạng xã hội facebook, zalo lại đầy ắp các hình ảnh Vu Lan báo hiếu của những người con, đặc biệt là giới trẻ.
 
Những hình ảnh báo hiếu cho bố mẹ, ông bà đã khuất cũng theo đó được đăng tải trên mạng xã hội. Có những người con, cả năm không có thói quen đi chùa cầu an, cầu siêu cho người thân đã khuất nhưng cứ đến mùa vu lan lại chăm chỉ đến chùa check in, chụp ảnh đi lễ để thể hiện lòng hiếu của mình cho thiên hạ thấy lòng hiếu của mình cũng chẳng kém ai. 
 
Ngày nay, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều ngôi chùa tổ chức các khóa lễ Vu Lan báo hiếu. Trong số những người thành tâm đến khóa lễ để nguyện cầu cho người thân đã khuất của mình, và cầu an cho người thân đang sống sức khỏe thì có không ít người đến đây chỉ theo phong trào nhằm có những bức hình check in đẹp để đăng tải lên mạng xã hội. Bất cứ khóa lễ Vu Lan được tổ chức ở ngôi chùa nào cũng thu hút rất đông người đến tham gia.
 
Nếu để ý kỹ, không phải ai đến đây cũng đều thành tâm ngồi nghe sư thầy thuyết giảng về đạo hiếu từ đầu đến cuối. Có không ít người bỏ về nửa chừng, có người thắp hương rồi ra ngoài ngắm cảnh, chụp ảnh rồi về. Việc báo hiếu theo phong trào này đã vô tình làm giảm đi ý nghĩa của lòng hiếu thuận của con cái đối với bố mẹ, ông bà. 
 
Ngày lễ Vu Lan hàng năm được xem là dịp để con cháu nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, bố mẹ. Vào dịp này, những người con đều có những hoạt động để chứng tỏ lòng hiếu nghĩa của mình. Phổ biến nhất là hoạt động lên chùa cầu kinh nguyện cầu cho những người đã khuất được siêu thoát, và cầu bình an sức khỏe cho những người còn sống. Một bộ phận phật tử còn làm lễ cúng giường, lễ cầu siêu, lễ phóng sinh... để cầu mong cho cha mẹ được sống thọ trăm tuổi.
 
Tuy nhiên, ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ Vu Lan ngày nay đã vô tình bị biến tướng theo nhu cầu vật chất hóa. Một số con cháu cho rằng báo hiếu bố mẹ cõi âm thì cứ đốt thật nhiều đồ dùng, tiền bạc bằng hàng mã, mất tiền cho thầy cúng để làm lễ cầu siêu tại gia cho người thân đã khuất. Những khóa lễ tốn kém mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, lãng phí tiền bạc diễn ra không ít, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của chủ nhân không ít.
 
 
Thảo Đinh

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.