Tranh cãi quanh dự luật cấm đẻ thuê ở Ấn Độ

Chia sẻ

PNTĐ-Nếu Quốc hội Ấn Độ thông qua dự luật Quản lý đẻ thuê, các trường hợp thuê phụ nữ Ấn Độ đẻ con như siêu sao điện ảnh Bollywood Shah Rukh Khan sẽ là bất hợp pháp.

 
Tranh cãi quanh dự luật cấm đẻ thuê ở Ấn Độ - ảnh 1
Phụ nữ Ấn Độ đẻ thuê tại một ngôi nhà tạm ở thành phố Anand

 
Dự luật mới này chỉ cho phép các cặp vợ chồng Ấn Độ kết hôn ít nhất 5 năm mà không có con mới được tính đến việc nhờ đẻ thuê. Các bà mẹ đẻ thuê phải là họ hàng gần của người nhờ đẻ thuê. 
 
Tuy nhiên, quan trọng hơn, dự luật cấm mọi hình thức đẻ thuê thương mại và quy định mọi phụ nữ đồng ý mang thai hộ phải làm vì lý do nhân đạo, các cặp đôi muốn nhờ người khác đẻ thuê phải chứng minh mình vô sinh.
 
Trở lại với trường hợp của diễn viên Khan, người đã công khai về việc thuê đẻ con trai Abram. Năm 2013, khi Abram chào đời, Khan đã có hai con với vợ là Gauri Khan. Anh không thuộc trường hợp được thuê đẻ thuê nếu chiểu theo dự luật. Vợ chồng Khan rõ ràng là có khả năng sinh con. Vì thế, việc đẻ thuê của diễn viên Khan trong tương lai sẽ bị coi là phạm pháp.
 
Thêm nữa, cậu bé Abram đã bị sinh non, cho thấy quá trình sinh nở của bà mẹ đẻ thuê không thuận lợi như một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đảm bảo với khách hàng. Mặc dù dự luật sẽ không có tác dụng hồi tố nhưng cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trường hợp của diễn viên Khan: Tại sao cặp vợ chồng đã có con lại cần người đẻ hộ một người con nữa? Đó có phải là giao dịch kinh doanh đơn thuần? Xã hội có chấp nhận đẻ thuê không khi nhiều phụ nữ mang thai hộ nghèo hơn khách hàng? Những câu hỏi này rất quan trọng cho thấy cần phải quản lý nghiêm việc đẻ thuê thương mại ở Ấn Độ. 
 
Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ năm 2012 ước tính ngành để thuê Ấn Độ có giá trị 2 tỷ USD. Sở dĩ có con số khủng này là vì quy định của chính phủ về đẻ thuê còn khá lỏng lẻo. Từ năm 2002 tới nay, các hướng dẫn do Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ đưa ra vẫn cho phép thuê phụ nữ sinh con và trả tiền cho họ. 
 
Tinh thần của dự luật đẻ thuê mới dường như theo khung của Đạo luật Cấy ghép bộ phận cơ thể con người năm 1994. Theo đó chỉ cho phép người hiến nội tạng, dù sống hay đã chết, hiến bộ phận vì lý do nhân đạo. Người hiến sống có thể nhận tiền phẫu thuật và chi phí y tế, nhưng họ phải hiến vì lý do nhân đạo.  Một nghiên cứu vào năm 2016 ở Ấn Độ cũng cho thấy chi phi chữa bệnh cho phụ nữ thấp hơn 28% so với nam giới.
 
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc năm 2017 về bất bình đẳng giới, Ấn Độ xếp thứ 125/159 quốc gia. Ngoài ra, theo phân tích dữ liệu từ nhiều cơ sở nghiên cứu và y học Ấn Độ năm 2018, phụ nữ chiếm 74% người hiến thận còn sống và 61% người hiến gan còn sống. Tuy nhiên, phụ nữ chỉ chiếm 19% số người nhận thận và 24% số người nhận gan. Một bác sĩ phẫu thuật gan nói: “Trong gia đình Ấn Độ, phụ nữ không được hỏi ý kiến mà bị yêu cầu hiến tạng”. Điều này lý giải vì sao, trước đây, nhiều phụ nữ ở Ấn Độ gặp áp lực từ xã hội, gia đình để buộc phải đẻ thuê cho người khác. Họ gần như không có “quyền” nói lời từ chối.
 
Tuy nhiên, tới đây, nếu tinh thần chỉ được đẻ thuê vì mục đích nhân đạo và người đẻ thuê chỉ nhận chi phí y tế được đưa vào dự luật, rất có thể tình trạng liên tục ép phụ nữ đẻ thuê sẽ giảm bớt.
 
Theo Tiến sĩ Puneet Bedi, bác sĩ phụ khoa ở Dlhi: “Rất ít người thực sự cần thuê người khác đẻ, chỉ có phụ nữ không có tử cung hoặc bị ung thư, vô sinh mới cần. Ngay cả trong một số trường hợp vô sinh cũng không cần có người đẻ hộ. Đừng biến việc đẻ thuê trở nên phổ biến, giống như là ra cửa hàng trên phố và hỏi thuê dịch vụ vậy”.
 
Theo ông Bedi, có những người trong ngành đẻ thuê kiếm được tiền tỷ và thường quảng cáo rầm rộ về cơ sở đẻ thuê. Các bác sĩ làm trong ngành này còn xuất hiện trên tivi để khẳng định đẻ thuê là một quyền. Tuy nhiên, đó không phải là quyền. Không ai có quyền dùng cơ thể người khác để sinh con. Vì thế, ông Bedi ủng hộ việc siết chặt đẻ thuê. 
 
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến lo lắng, nếu việc cấm đẻ thuê được “luật hóa”, có nguy cơ hình thành chợ đen “đẻ thuê” tương tự như chợ đen buôn bán nội tạng và mại dâm. Và vì thế, Ấn Độ sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn ngăn chặn tình trạng đẻ thuê vì mục đích thương mại.
 
Dương Thùy (Theo SCMP) 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9