Đạo đức xuống cấp sẽ nảy sinh thảm án gia đình

Chia sẻ

PNTĐ-Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) về tình trạng thảm án gia đình xảy ra trong thời gian vừa qua.

 
Vụ án anh trai thảm sát cả gia đình em ruột diễn ra ở Đan Phượng (Hà Nội) một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thảm án gia đình gia tăng, có tính chất nguy hiểm, tàn độc. Nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng xã hội nhức nhối này? Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) về vấn đề này.
 
Đạo đức xuống cấp sẽ nảy sinh thảm án gia đình - ảnh 1
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học

 
Ở góc độ nghiên cứu tội phạm học, ông nhận xét thế nào về hiện tượng thảm án gia đình bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai đã và đang xảy ra trong xã hội?
 
Tình trạng người thân trong gia đình xung đột lợi ích, đặc biệt là tài sản thừa kế và phát sinh thành bạo lực diễn ra ngày một nhiều. Bản chất những tranh chấp về đất đai dưới góc độ nghiên cứu tội phạm học cho rằng đó là những tình huống bất lợi. Cùng tranh chấp, nhà này không xảy ra tình trạng đâm chém nhau nhưng nhà kia thì lại xảy ra giết người. Nguyên nhân dẫn đến những thảm án gia đình thời gian qua chính là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Khi văn hóa, đạo đức xuống cấp, nó sẽ phát sinh việc dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống. Nó cũng lý giải cho hiện tượng bạo lực đang gia tăng trong xã hội. 
 
Có ý kiến cho rằng, gia đình và xã hội đang có sự lệch lạc về thang giá trị sống nên mới xuất hiện tình trạng bạo lực nhức nhối vừa qua. Ông lý giải về điều này thế nào? 
 
Đời sống hiện nay có sự lệch lạc về định hướng, lệch lạc về thang giá trị sống. Trước đây, người ta tôn thờ những tấm gương hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng, nhưng bây giờ xã hội lại ngưỡng mộ những người có tiền, có quyền. Đạo đức xuống cấp, nhân cách lệch lạc chính là thủ phạm gây ra những vụ án đau lòng như vừa rồi. Nhưng vì sao có sự lệch lạc đó?
 
Trước hết là lối sống thực dụng, người ta quá coi trọng giá trị vật chất, coi đồng tiền có vị trí cao nhất, chi phối các giá trị khác. Kèm theo đó là lối sống hưởng thụ xa hoa, chạy theo vật chất, coi lợi ích cá nhân là tối thượng. Khi đó, người ta sống trở nên ích kỷ, vô cảm, không biết đấu tranh với cái xấu, không mảy may xúc động trước những cái tốt đẹp. Nếu không liên quan đến mình thì không thấy cái gì hay ho cả. 
 
Trong gia đình, các thành viên thiếu sự quan tâm đến nhau. Người ta chạy theo danh lợi, tiền bạc, lạnh nhạt với nhau. Giống như những người ngoài xã hội, họ cũng lấy đồng tiền làm thước đo. Đối tượng Đông (thủ phạm gây án tại Đan Phượng) cũng là một người như thế. Nếu Đông coi trọng những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt thì sẽ không bao giờ hành xử như vậy.
 
Vì Đông quá đề cao cái tôi cá nhân, xem lợi ích cá nhân là tối thượng. Hắn cho rằng mình bị xâm hại lợi ích thông qua mảnh đất. Cái tôi gia trưởng khiến đối tượng có sự nôn nóng, cho rằng mình là bề trên mà nói bên dưới không nghe. Sự căm hận dâng lên khi Đông nghĩ mình bị rẻ rúng, lợi ích của mình bị xâm hại. Cái tôi cá nhân quá lớn bên trong một con người cục cằn, nóng nảy, thô lỗ đã dẫn đến những hành động phạm pháp. 
 
Kết cấu gia đình lỏng lẻo cũng là một nguyên nhân khiến bạo lực nảy sinh, là gốc gác của tội phạm thảm sát gia đình? Điều này có đúng không, thưa ông?
 
Hiện tượng BLGĐ gia tăng, tỷ lệ các cuộc ly hôn diễn ra trong những năm gần đây cho thấy thực trạng kết cấu gia đình Việt hiện đại đang lỏng lẻo. Điều đó thể hiện qua việc các thành viên trong gia đình mải bươn chải, mải chạy theo danh lợi, hứng thú cá nhân. Những yếu tố tiêu cực từ xã hội tác động khiến cho các thành viên sống vì mình, ích kỷ, vô cảm với người thân. Ngoài ra, gia đình còn chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ.
 
Trước đây, các gia đình thường sum vầy sau một ngày làm việc trở về nhà, mọi người trao đổi chuyện này, chuyện kia. Nhưng bây giờ, sự hấp dẫn của công nghệ đã kéo mọi người ra xa nhau.
 
Ai cũng dán mắt vào điện thoại, Facebook, Zalo. Vợ chồng đêm nằm bên nhau nhưng mỗi người một điện thoại, không có nhu cầu tâm sự, chia sẻ với nhau, mà lại tương tác với những người bạn trên mạng xã hội. Mỗi ngày, bố mẹ mải mê kiếm tiền, mải chạy theo danh lợi, lừa lọc, thời gian dành cho gia đình ít đi, sự quan tâm tới con cái không còn. Nguy cơ mất con ngay trong chính nhà mình mà không biết.
 
Bản thân con cái cũng lớn lên trong hoàn cảnh chịu sự tác động của môi trường mạng. Khi mỗi đứa con một phòng riêng, tham gia vào nhóm xã hội tiêu cực nào đó bố mẹ không thể nào biết được nếu như không có sự quan tâm sâu sát. Những yếu tố trên đều là gốc gác của tội phạm. 
 
Ngoài các nguyên nhân trên, theo ông còn có nguyên nào khác khiến bạo lực gia đình, bạo lực xã hội gia tăng?
 
Thứ nhất, người dân thiếu kiến thức pháp luật, chưa có kỹ năng xử lý các tranh chấp trong cuộc sống, nhất là tranh chấp đất đai. Họ không biết trình báo ở đâu, như thế nào?
 
Thứ hai, về mặt chính quyền, các thiết chế chính trị bây giờ, các tổ chức đoàn thể dân cử như: tổ sân phố, ban hòa giải, an ninh thôn bản, an ninh cơ sở… chưa làm hết trách nhiệm của mình, thờ ơ, bỏ mặc, hoặc giải quyết qua quýt. Nó không thật sự hiệu quả nên việc phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để ngăn chặn, có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc về mặt tư tưởng. Do đó, mâu thuẫn tiếp tục dồn nén từ ngày này qua tháng khác và không được tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở.
 
Thứ ba, có nhiều người làm đơn ra các cấp chính quyền nhưng lại không được giải quyết rốt ráo. Khi đưa ra tòa, các vụ tranh chấp lại không được giải quyết công bằng càng làm tăng độ nén của xung đột. Mâu thuẫn tiếp tục bị nén lại, cuối cùng bung ra chấn động xã hội.
 
Do đó, vai trò của tổ chức cơ sở, chính quyền địa phương rất quan trọng. 
 
Chúng ta cần có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề bạo lực nhức nhối này?
 
Phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, nâng cao thực chất hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống dân cư, xây dựng các thôn xóm, làng bản an toàn.
 
Thực hiện các hương ước lệ làng, dòng họ tự quản tiến bộ, đưa nếp sống văn minh vào. Bạo lực phải được ngăn chặn từ trong trứng nước. Nếu như chúng ta làm tốt từ trong mỗi gia đình, từ cấp cơ sở thì sẽ ngăn chặn được tội phạm. Ngành Công an phải làm tốt vai trò của mình phát hiện được yếu tố tội phạm để có biện pháp phòng ngừa. Khi người dân xảy ra xô xát bạo lực thì phải có biện pháp răn đe ngay, ban hòa giải giúp gia đình tìm tiếng nói chung.
 
Các đoàn thể từ cấp cơ sở đều làm tốt công tác giáo dục hội viên của mình, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng gia đình… Chúng ta cần phải nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác hòa giải, làm công tác xét xử trong các vụ án hình sự để tháo ngay các ngòi nổ tranh chấp từ trong các gia đình.
 
Tăng cường hiểu quả công tác điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi BLGĐ…
  
Cảm ơn ông!
 
 
Thu Hà (thực hiện) 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.