Sướng, khổ với con nuôi

Chia sẻ

PNTĐ-Có người nhận con nuôi để có niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ, nhưng có người nhận con nuôi chỉ nhằm mục đích có chỗ nương tựa tuổi già.

 
Chuyện sướng, khổ với con nuôi theo đó xuất hiện trong một bộ phận gia đình. 
 
Sướng, khổ với con nuôi - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
1. Từ dạo cậu con trai du học ở Anh rồi được một công ty bên đó mời ở lại làm việc, lại lấy được cô vợ người Anh gốc Việt, mua được nhà, có cuộc sống ổn định bên đó, ông Hoàng bà Phương đi đâu cũng lộ rõ sự hãnh diện. Không hãnh diện sao được, vì năm nào ông bà cũng sang Anh du lịch thăm con cháu một lần, chụp ảnh về khoe khắp họ hàng. Mấy năm trước, vợ chồng con trai còn về nước xây cho ông bà căn nhà mới, đầy đủ tiện nghi, thuê giúp việc chăm sóc ông bà hàng ngày, chu cấp tiền sinh hoạt cho bố mẹ thoải mái. Ông bà gặp ai cũng bảo số của họ được nhờ phước của con nuôi. 
 
Hai vợ chồng bà sống cảnh hiếm muộn hơn 10 năm mới nhận Tuấn về làm con nuôi. Bấy giờ, Tuấn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở nhà văn hóa phường. Bữa đó, ông Hoàng đi tập thể dục về nghe tiếng trẻ con khóc oe oe trong chiếc túi vải trước cổng nhà văn hóa liền tiến đến xem sao thì phát hiện một bé trai bị bỏ rơi. Ông liền báo chính quyền rồi về bàn với vợ xin nhận đứa trẻ ấy làm con nuôi. Vì ông cho rằng mình có duyên với đứa con này nên mới phát hiện ra nó đầu tiên. Sau khi làm các thủ tục theo sự hướng dẫn của chính quyền, ông bà chính thức trở thành bố mẹ nuôi của Tuấn. Từ nhỏ đến lớn, ông bà luôn xem Tuấn như con ruột của mình nhưng lại không hề giấu diếm về gốc gác của con. Vì thế, Tuấn lớn lên biết rõ mình là con nuôi của bố mẹ chứ không phải là con đẻ. Nhưng, anh rất trân trọng tình cảm yêu thương, dưỡng dục của bố mẹ nuôi. 
 
Khoảng thời gian học đại học, Tuấn sa ngã khi bị một nhóm bạn xấu lôi kéo. Đó là khoảng thời gian, vợ chồng ông Hoàng khốn đốn với đứa con nuôi. Tuấn nghiện ma túy, bỏ dở học hành, thường xuyên trộm đồ của bố mẹ đi cầm cố hoặc bán đi để lấy tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. Thấy vợ chồng ông khốn khổ vì Tuấn quá, họ hàng khuyên ông bà nên từ bỏ đứa con nuôi này đi cho đỡ khổ. Vì suy cho cùng chẳng máu mủ của mình thì phải khổ với nó làm gì. Vợ chồng ông không đồng ý, tìm cách kéo con về cuộc sống bình thường. Để tách con ra khỏi môi trường sống bị bạn bè xấu rủ rê, vợ chồng ông Hoàng bán nhà, bán đất tổ tiên để lại, về vùng ngoại thành sống. Đó là khoảng thời gian ông bà vật lộn để sống cùng đứa con nghiện ngập.
 
Không ít lần, họ còn bị Tuấn đánh đập trong cơn đói thuốc. Họ hàng biết chuyện một lần nữa hết lời khuyên ông bỏ đi đứa con nuôi bất trị ấy. Nhưng, ông Hoàng bảo không thể nói bỏ là bỏ đi được. Đứa con này ông bà đã nhận nuôi thì nay dù nó hư hỏng nên cũng phải có trách nhiệm với nó đến cùng. Mọi sự nỗ lực của họ cuối cùng cũng thành công khi kéo Tuấn ra khỏi ma túy, trở lại học hành. Cảm kích trước tấm lòng bố mẹ nuôi, Tuấn quyết học hành nghiêm túc. Tuấn thông minh nên học rất giỏi, tốt nghiệp đại học xong thi được học bổng du học ở Anh. Ngày Tuấn đi du học rồi lấy vợ định cư bên đó, ai cũng bảo vợ chồng ông Hoàng coi như mất trắng tất cả với đứa con nuôi này. Cứ ngỡ nhận con nuôi để có người phụng dưỡng, nhờ cậy tuổi già, ai ngờ tán gia bại sản vì nó, để rồi kết quả cuối cùng trở thành dã tràng xe cát biển đông.
 
Nhưng, Tuấn đã không quên công ơn dưỡng dục của bố mẹ nuôi và trở về báo hiếu khiến ai nhìn vào cũng ghen tỵ. Khoảng thời gian hơn hai năm, cả hai vợ chồng ông Hoàng bị đột quỵ, nếu không có Tuấn kịp thời về nước đưa bố mẹ sang Anh chữa trị tận tình thì họ đã không thể bình phục trở lại. Dù sống xa bố mẹ nhưng Tuấn luôn theo dõi cuộc sống của họ hàng ngày thông qua người giúp việc. Hễ vợ chồng có thời gian là sắp xếp về nước thăm bố mẹ. Ông bà có sức khỏe thì sang Anh thăm con cháu ít lâu rồi về. 
 
2. Chuyện nhận con nuôi của vợ chồng anh Thuận chị Ngân ban đầu chỉ nhằm mục đích “lấy khước” để có lộc sinh được con. Anh chị lấy nhau về hiếm muộn đã lâu, mọi người khuyên nên nhận con nuôi để “lấy khước” có con đẻ. Anh chị tìm đến một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi xin nhận con nuôi. Nhận con nuôi được khoảng hơn 3 năm thì anh chị có tin vui thật. Sau đó, chị sinh được con trai như mong ước. Tuy nhiên, đứa con nuôi bị ra rìa kể từ khi anh chị có con đẻ.
 
Sướng, khổ với con nuôi - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
 Bình, con nuôi của anh chị là một đứa trẻ hiểu rõ thân phận nên sống rất cam chịu trông gia đình bố mẹ nuôi. Người ngoài nói, Bình là đứa con “dẫn phước” nên bố mẹ nuôi mới có con đẻ. Nhưng, gia đình bố mẹ nuôi lại dần quên mất điều đó. Mải vui mừng với đứa cháu đích tôn, họ quên mất việc quan tâm, chăm sóc Bình. Hai đứa trẻ sống trong cùng một nhà nhưng thân phận luôn được người thân rạch ròi phân định. Một đứa là con đẻ nên như ông vua con trong nhà, còn một đứa là con nuôi phải sống cảnh thua thiệt.
 
Nhiều lần, Bình bị bố mẹ đánh đòn oan vì đứa em láu cá đổ lỗi khi làm hư hỏng thứ gì đó trong nhà. Ông bà nội ngoại hễ tức giận gì đó cũng mang Bình ra trút giận. Họ không tiếc lời đay nghiến đứa cháu không cùng máu mủ. Bình bị tổn thương và trở thành đứa trẻ sống bất trị từ lúc nào không hay. Không ít lần, Bình bị bố mẹ dọa đuổi ra khỏi nhà nếu tiếp tục hư hỏng. Bình bỏ đi lang thang bên ngoài, bố mẹ nuôi cũng không thèm đi tìm về. Họ cho rằng Bình là con nuôi nên nếu nó bỏ đi cũng... nhẹ nợ. Nhưng, Bình bỏ đi một thời gian thì bị lực lượng chức năng dẫn về trả lại gia đình. Bố mẹ nuôi Bình bị nhắc nhở việc bỏ bê nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
 
Bấy giờ, Bình nghe bố mẹ nuôi bảo đó là đứa con nuôi nên họ không muốn nhận lại nữa. Tuy nhiên, họ tiếp tục bị chính quyền nhắc nhở về nghĩa vụ làm cha mẹ đối với đứa con nuôi, không phải lúc muốn thì nhận về nuôi, lúc không cần thì chối bỏ trách nhiệm, điều đó là vi phạm pháp luật. Họ phải có trách nhiệm với Bình cho đến khi con trưởng thành. Bình trở thành “của nợ”, là “cái gai” trong gia đình bố mẹ nuôi kể từ ngày đó. Cậu sống trong nỗi ám ảnh, uất hận đối với bố mẹ nuôi và người thân của họ. Không được ăn học tử tế, Bình lớn lên trở thành dân xã hội.
 
Thỉnh thoảng, Bình lại kéo đàn em về nhà bố mẹ nuôi quậy phá một trận để trả đũa lại những năm tháng sống cơ cực trong ngôi nhà không có tình thương dành cho mình. Cứ mỗi lần quay về khuấy đảo cuộc sống bố mẹ nuôi, Bình lại uất hận nói với họ "tại sao ngày xưa ông bà không để tôi sống ở trung tâm nhân đạo mà lại nhận tôi về, rồi đẩy cuộc đời tôi vào vực thẳm. Cuộc đời tôi khốn nạn là do gia đình các người mang lại...". Có người mắng chửi Bình là loại con nuôi vô ơn bạc nghĩa, có người lại bảo đó là cái giá bố mẹ nuôi Bình phải nhận vì nuôi phải "dòng giống không ra gì". Những cũng có người chỉ ra nguyên thật sự tại sao Bình lại trở thành kẻ hư hỏng chính là bố mẹ nuôi đã không làm hết trách nhiệm của mình đối với con. 
 
3. Con nuôi không giống như con đẻ, dù yêu thương cỡ nào thì cũng không chung dòng máu với mình, nhận con nuôi nhằm mục đích "lấy lộc sinh con", hay để sau này bản thân mình có người chăm sóc tuổi già... là tâm lý của một bộ phận cha mẹ nuôi. Để rồi, họ đã vô tình làm tổn thương tình cảm của những đứa con nuôi bởi sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Việc đầu tư giáo dục cho con nuôi theo đó có phần hạn chế.
 
Về phía những con nuôi, khi biết được thân phận của mình đã nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, bỏ đi tìm cha mẹ ruột, hay phá phách tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ nuôi. Những quan niệm, nhận thức còn hạn chế, sai lầm trong vấn đề nhận con nuôi, và cách nuôi dưỡng con nuôi của một số gia đình hiện nay đã kéo theo nhưng câu chuyện buồn về vấn đề con nuôi trên mọi khía cạnh: quyền lợi và trách nhiệm của con nuôi trong gia đình, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với đứa trẻ mà mình lựa chọn gắn bó.
 
Dù không chung máu mủ ruột thịt nhưng khi cha mẹ nuôi và con nuôi lựa chọn sống với nhau dưới một mái nhà. Nghĩa là, họ đã là một gia đình. Muốn sống hạnh phúc, những người trong một nhà đều phải thực hiện vai trò, nghĩa vụ của mình không chỉ theo đúng đạo lý gia đình mà còn phải theo pháp luật. Bố mẹ phải có trách nhiệm với con nuôi dù con ngoan hay hư hỏng, thay vì cho rằng ngoan thì nuôi, hư hỏng thì bỏ mặc. Trong một gia đình, con nuôi được đối xử công bằng, được bảo vệ quyền lợi của mình về lý lẫn về tình. Cùng với đó, con nuôi phải sống hiếu nghĩa với bố mẹ nuôi, không nên cho rằng vì không cùng giọt máu nên không có tình cảm, bởi công sinh không bằng công dưỡng.
 
 
Bình Duy

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.