Tự tin tìm hạnh phúc mới

Chia sẻ

PNTĐ-Ly hôn không phải là tội lỗi, mà là rời bỏ bất hạnh để tìm hạnh phúc; phụ nữ qua một lần đò vẫn có thể tự tin bởi giá trị bản thân không hề mất...

 
Một lần đò đổ vỡ không có nghĩa là không có quyền tìm kiếm hạnh phúc hoàn hảo hơn… đó là những suy nghĩ của không ít phụ nữ sau ly hôn, qua định kiến xã hội tìm lại cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và con cái.
 
 
Tự tin tìm hạnh phúc mới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bến đục đừng neo
 
Nhìn vào hạnh phúc hiện tại của chị Thu không ai nghĩ trước đó chị đã từng ly hôn, ôm con nhỏ rời khỏi nhà chồng trong cảnh công việc không ổn định, tài sản chẳng là bao. Chị Thu chủ động ly hôn người chồng nghiện ma túy. Người thân của chị bấy giờ đều nghĩ, với hoàn cảnh một lần đò, từng làm vợ của một người nghiện thì từ nay về sau chị chỉ an phận sống cảnh đơn thân nuôi con. Họ không khuyến khích chị đi bước nữa, bởi sợ chị lại tiếp tục bất hạnh khi sống trong cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại”, có con chung, con riêng.
 
Nhưng, chị Thu đã khiến cho nhiều người phải thay đổi định kiến về phụ nữ qua một lần đò. Sau khi ly hôn, chị gửi con lại cho ông bà ngoại một thời gian để tìm việc làm ổn định. Chị đi xuất khẩu lao động ba năm, tích lũy được một số vốn, quay về mở một cửa hàng bán đồ Nhật nội địa. Giá cả phải chăng, hàng có chất lượng, bán hàng uy tín nên cửa hàng của chị lúc nào cũng đông khách, cho thu nhập khá. Dần dần, chị tích lũy vốn nhiều hơn mở thêm cửa hàng thứ hai, thứ ba.
 
Giờ chị đã là một bà chủ với chuỗi cửa hàng Nhật nội địa rất đông khách. Dù ly hôn nhưng chị Thu chưa bao giờ có mặc cảm đã qua một lần đò khi nghĩ đến hạnh phúc mới. Chị vẫn tin tưởng vào hạnh phúc gia đình, không hề nản chí khi một lần thất bại hôn nhân. Đối với chị, đó là một lần đi nhầm đường, giờ chị sẽ tìm hiểu kỹ để đi đúng đường hơn. Rất nhiều người đàn ông tìm đến với chị, trong đó có không ít người đã từng ly hôn, vợ mất tư cách không được tốt, chị thẳng thắn từ chối. Họ bảo chị không biết thân biết phận, với hoàn cảnh qua một lần đò thì có gì mà mơ mộng những mối tốt hơn họ. Rằng, dù chị có làm ra kinh tế nhưng vẫn là phụ nữ đã ly hôn, không còn danh giá như những cô gái chưa kết hôn lần nào, để mà đòi hỏi những người đàn ông có điều kiện tốt.
 
Chị Thu phản bác lại bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn “tuyển chồng” của mình. Đó là một người đàn ông tốt, lấy chị trên cơ sở yêu thương và trân trọng chị. Người đàn ông đó nhất định còn phải có tấm lòng yêu thương con riêng của vợ nữa. Nếu người nào không có đủ những tiêu chuẩn đó, chị nhất định từ chối. Chính sự tự tin vào bản thân ấy đã khiến chị tìm được một người đàn ông tốt thật sự. Đó là một người đàn ông chưa một lần bước cuộc sống hôn nhân, nhưng lại không hề coi nặng hoàn cảnh một lần đò của chị. Anh đến với chị bằng tình yêu thật sự, yêu thương con riêng của vợ như con đẻ của mình. 
 
- Phụ nữ sau ly hôn phải biết trân trọng bản thân thì người khác mới nhìn ra giá trị của mình. Chị em phải hiểu rằng trong hôn nhân, nếu thất bại không có nghĩa là mình không có quyền được lựa chọn hạnh phúc tốt hơn. Đừng vì định kiến xã hội đối với phụ nữ ly hôn mà neo bến đục – chị Thu nói. 
 
Phụ nữ một lần đò vẫn có giá như… gái chưa chồng?
 
Cuộc hôn nhân hơn 8 năm đổ vỡ khiến chị Hoài suy sụp một thời gian. Ban đầu, chị luôn nghĩ cuộc đời của mình từ nay về sau không còn những ngày tháng tươi đẹp. Thay vào đó, chị sẽ phải sống cảnh “gái một lần đò”. Hạnh phúc hôn nhân sẽ không bao giờ có lại nữa. Nhưng rồi, chính tình yêu của người đàn ông đó đã khiến chị thay đổi suy nghĩ. 
 
Tự tin tìm hạnh phúc mới - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Sau khi ly hôn, chị Hoài và con trai chuyển về bên ngoại sống. Chị vốn là một phiên dịch giỏi đang làm việc trong một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ở đó, chị được tiếp xúc với các đồng nghiệp chủ yếu là người nước ngoài. Trong đó có một nam đồng nghiệp người Úc. Khi thấy chị Hoài sống khép mình, tự ti trong các mối quan hệ vì mặc cảm ly hôn, anh đã tìm mọi cách để khuyên nhủ chị.
 
Một lần đi công tác, anh kể cho chị nghe về những người phụ nữ sau ly hôn ở đất nước của anh tự tin tìm lại hạnh phúc như thế nào. Những người phụ nữ đó vẫn có thể kết hôn với những người đàn ông chưa kết hôn lần nào. Họ thậm chí còn khiến chồng và người thân của chồng trân trọng, nâng niu. Đứa con riêng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng không có lỗi nên nó dĩ nhiên xứng đáng được yêu thương, thay vì trở thành vật cản trong hạnh phúc mới của mẹ. Bởi một người đàn ông tốt sẽ biết trân trọng và yêu thương vợ lẫn con riêng.
 
Nếu người đàn ông vẫn còn “nâng lên đặt xuống”, cân nhắc thiệt hơn đứa con riêng khi quyết định kết hôn với người phụ nữ một lần đò thì đó không phải là người đàn ông tốt. Phụ nữ không nên nhắm mắt đưa chân chấp nhận lấy họ. Chị không có lỗi khi bị người chồng tồi tệ ham phú quý phản bội, ruồng bỏ. Vì thế, chị không cần phải sống mặc cảm vì lỗi thất bại hôn nhân đó.
 
Anh đã yêu chị từ những sự động viên chia sẻ đó. Tình yêu trong chị cũng nảy nở dần với anh. Họ làm đám cưới rình rang trong nước và ở Úc. Nhiều người bảo, vì chị lấy đàn ông tây nên hôn nhân mới hạnh phúc. Nhưng, chị thì lại cho rằng, phụ nữ ly hôn vẫn có giá như… gái chưa chồng vì tất cả đều bình đẳng trong việc tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc. Nếu cả phụ nữ và đàn ông đều gạt bỏ định kiến “một lần đò” thì sẽ xóa đi những khó khăn, cản trở trong cuộc sống.
 
Đặc biệt, người phụ nữ gạt bỏ được định kiến, họ sẽ có thái độ sống tích cực hơn, từ đó làm chủ cuộc sống của mình. Khó khăn của người phụ nữ một lần đò là những đứa con riêng khi họ tái hôn, nhưng đó không phải là tất cả. 
 
Dũng cảm bỏ bến đục tìm bến trong
 
Lâu nay, quan niệm xã hội vẫn gắn liền phụ nữ với hạnh phúc gia đình. Một người phụ nữ hoàn hảo, tốt, giỏi giang chỉ được đánh giá cao khi họ có một gia đình hạnh phúc. Dù người phụ nữ giỏi thế nào nhưng không giữ được gia đình thì là người phụ nữ thất bại. Định kiến ấy đã vô tình gắn “tội” cho người phụ nữ khi ly hôn, bất chấp việc ly hôn đó xuất phát từ yếu tố lỗi của người chồng. Một người chồng ngoại tình về bạo hành vợ con, người vợ không chịu nổi liền chủ động ly hôn để thoát khỏi cuộc sống bất hạnh. Nhưng trong mắt của bộ phận xã hội, người vợ có “tội” phá vỡ hôn nhân, không giữ cho các con một gia đình đầy đủ bố mẹ. phải sống cảnh chia ly. 
 
Ly hôn, bước ra khỏi cuộc sống hôn nhân bất hạnh, lẽ ra người phụ nữ được tự do tìm hạnh phúc mới thì họ lại tiếp tục bị trói chặt trong định kiến “gái một lần đò”. Những người đàn ông “qua một lần đò” vẫn rất “có giá”, tự tin tìm đến các mối quan hệ tình cảm khác. Xã hội vẫn dành cho người đàn ông “qua một lần đò” đặc ân có thể cưới được vợ vẫn còn là “gái tân”. Thậm chí, nếu lựa chọn tái hôn với những phụ nữ cùng hoàn cảnh, đàn ông vẫn có thể đưa ra điều kiện chọn vợ không có con riêng, hoặc nếu có con riêng thì để lại cho nhà nội, nhà ngoại nuôi, không được đưa con riêng về sống cùng. Trong khi đó, phụ nữ dù có điều kiện tốt sau ly hôn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn lúc tái hôn. Đó là lý do khiến cho nhiều phụ nữ chấp nhận hi sinh hạnh phúc cá nhân, luẩn quẩn trong cuộc hôn nhân bất hạnh vì con, vì sợ định kiến ly hôn. 
 
Khi hôn nhân không hạnh phúc, ly hôn là giải pháp để tháo gỡ, mở ra cánh cửa hạnh phúc khác cho cả vợ và chồng. Bởi những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng, không chỉ gây khổ những người vợ, người chồng, mà còn mang lại cuộc sống tiêu cực cho các con. Một gia đình đầy đủ không có nghĩa là gia đình hạnh phúc nếu như nó chỉ có vỏ mà không có ruột. Người phụ nữ không có lỗi khi quyết định ly hôn để thoát khỏi bất hạnh, thoát khỏi bạo lực gia đình, để rồi phải chịu định kiến nặng nề của xã hội. 
 
Trên hết, phụ nữ “một lần đò” cần có niềm tin ở bản thân, cần nhận thức được giá trị của mình. Họ có quyền rời bỏ bất hạnh để tìm đến cuộc sống hạnh phúc. Nếu tái hôn, họ hãy vì hạnh phúc thật sự của mình, thay vì nhắm mắt đưa chân vào cuộc hôn nhân “vơ bèo vạt tép” vì mặc cảm tự ti. 
 
 
Trần Thành

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.