Nghiêm trị mang thai hộ vì mục đích thương mại

Chia sẻ

Vụ án mang thai hộ vì mục đích thương mại đầu tiên vừa được xét xử tại Hà Nội. Các bị cáo đã bị xét xử nghiêm minh theo pháp luật.

Nghiêm trị mang thai hộ vì mục đích thương mại - ảnh 1
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án mang thai hộ

 Khi mang thai hộ bị biến tướng
 
Cáo trạng cho thấy diễn biến quá trình thực hiện việc mang thai hộ như sau: Năm 2018, Cai GuoLin và Cai GuoFang (người Trung Quốc) được chủ một bệnh viện tư nhân tại Trung Quốc giao nhiệm vụ sang Việt Nam tìm người mang thai hộ. Cai GuoLin được một bác sĩ người Trung Quốc giới thiệu đến một phòng khám ở phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội gặp Hoàng Thị Thu Trang (là y tá, phiên dịch của phòng khám này). Trang đã đưa Cai GuoLin đến gặp Triệu Thị Hằng. Hằng đã giới thiệu Ninh Thị T (SN 1988, Long Biên, HN) cho Trang và Cai GuoLin để thực hiện việc mang thai hộ. Sau khi cấy phôi ở Campuchia, T đã được Cai GuoFang đón về Trung Quốc dưỡng thai. Đầu tháng 11/2018, Hằng lại giới thiệu Nguyễn Thị Ngọc và một số phụ nữ khác cho Trang để đưa sang Campuchia thực hiện việc mang thai hộ. Ngày 11-13/12/2018, cả nhóm cùng nhiều phụ nữ khác bay vào TP HCM chờ sang Campuchia để cấy phôi. Trong quá trình chờ đợi, do lo sợ bị bán sang Trung Quốc, một phụ nữ trước đó đồng ý mang thai hộ đã gọi điện báo cho gia đình. Sự việc được trình báo công an ngay sau đó. Cả 5 bị cáo đều bị truy tố về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Cai GuoLin và Cai GuoFang, mỗi bị cáo 36 tháng tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Triệu Thị Hằng, Hoàng Thị Thu Trang bị tòa tuyên phạt 20 tháng tù, Nguyễn Thị Ngọc bị tuyên phạt 15 tháng tù. 
 
Vụ án khép lại nhưng đã để lại nỗi lo ngại về một quy định vốn rất nhân văn của Luật Hôn nhân và Gia đình bị biến tướng. Trước đây, khi đưa quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào luật, các nhà soạn thảo đã xuất phát từ thực tế tỷ lệ vô sinh của nước ta khá cao (từ 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn). Trong khi chúng ta có đủ điều kiện kỹ thuật ở 21 cơ sở, bệnh viện để hỗ trợ sinh sản theo phương pháp khoa học, qua đó đem lại niềm vui làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp cũng lo ngại việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ làm nảy sinh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại. Nếu điều đó xảy ra sẽ có nhiều hệ lụy cho xã hội. 
 
Hệ lụy
 
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được thông qua, có quy định về hai hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cấm vì mục đích thương mại. Xét về ý nghĩa xã hội, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là nhân văn để giúp các cặp vợ chồng có vấn đề về sức khỏe có con theo mong muốn, đảm bảo quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ. Mang thai hộ còn được xem là một thành tựu của y học biến ước mơ có con, làm mẹ của nhiều phụ nữ không thể làm mẹ trở thành hiện thực. Như vậy, dù luật cho phép phụ nữ mang thai hộ nhưng chỉ giới hạn trong một số đối tượng cụ thể, kèm theo đó là những chế tài chặt chẽ, chứ không phải luật cho phép phụ nữ có thể “tự do” mang thai hộ cho người khác. Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân đã tuyên truyền sai lệch về quy định này, dụ dỗ họ thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại. Có không ít phụ nữ do khó khăn kinh tế và thiếu hiểu biết đã đồng ý mang thai hộ, mà không biết mình phải đối diện với nhiều nguy cơ: vi phạm pháp luật, ảnh hưởng sức khỏe khi mang thai, nguy hiểm tính mạng khi có tai biến sản khoa trong quá trình sinh đẻ…
 
Chúng ta cần phải hiểu việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ biến người mang thai hộ có nguy cơ trở thành “công cụ sản xuất” và biến những đứa trẻ sinh ra theo cách này thành một món hàng, vô tình tiếp tay cho nạn buôn bán trẻ em. Nếu phụ nữ thực hiện việc mang thai hộ trong nhiều lần liên tiếp chỉ vì lợi nhuận sẽ bị đẩy vào nguy cơ bị bóc lột sinh đẻ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hộ bất hợp pháp và đứa trẻ sinh ra còn phải đối diện với rủi ro khi người nhờ mang thai hộ không muốn nhận lại con vì lý do tật nguyền, hoặc không muốn nuôi con nữa… 
 
Do đó, bên cạnh việc pháp luật nghiêm trị hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ hơn về quy định mang thai hộ và những nguy cơ khi thực hiện mang thai hộ vì lợi nhuận có thể dẫn tới những hệ lụy cho chính mình. 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.