Làm thế nào để tố cáo “người thứ ba” phá hoại hạnh phúc gia đình?

Chia sẻ

Khi chồng ngoại tình, đa số người vợ đều cho rằng lỗi thuộc về người thứ ba, do đó chỉ tập trung loại bỏ tình địch. Tuy nhiên, khi hôn nhân có yếu tố ngoại tình, người bị xử lý trước pháp luật không chỉ là người thứ ba.

Làm thế nào để tố cáo “người thứ ba”  phá hoại hạnh phúc gia đình? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Chúng tôi đã kết hôn được 15 năm, có hai con. Từ trước đến nay, chồng tôi là người đàn ông yêu vợ thương con. Chỉ hai năm trở lại đây, kể từ ngày anh ấy thăng tiến trong công việc, làm ra nhiều tiền hơn thì sinh tính đèo bòng. Tôi nghĩ chồng trăng hoa kiểu “qua đường” vì anh ấy vẫn chu toàn đối với vợ con. Nhưng gần đây, anh “nặng tình” với một phụ nữ khác đến mức có con riêng với cô ta còn về nhà đòi ly hôn tôi. Giờ tôi muốn tố cáo người thứ ba đã phá hoại hạnh phúc gia đình, nhưng không biết phải làm như thế nào. Xin Quý báo cho biết, tôi cần phải làm gì để tố cáo người phụ nữ kia ra pháp luật, và việc này được pháp luật xử lý thế nào?

Hoàng Thị M.A (Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:

Khi chồng ngoại tình, đa số người vợ đều cho rằng lỗi thuộc về người thứ ba, do đó chỉ tập trung loại bỏ tình địch. Tuy nhiên, khi hôn nhân có yếu tố ngoại tình, người bị xử lý trước pháp luật không chỉ là người thứ ba, mà còn bao gồm cả những người chồng, người vợ có hành vi quan hệ ngoài hôn nhân.
Với vấn đề bạn hỏi, có thể vận dụng pháp luật để giải quyết. Cụ thể, để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có quy định cấm các hành vi sau đây: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ…

Chiếu theo quy định trên, không chỉ có người thứ ba bị tố cáo mà chồng bạn cũng bị xử lý vì đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, bạn có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Đối với hành vi ngoại tình của chồng bạn và người phụ nữ kia có hai hình thức truy cứu trách nhiệm. Cụ thể, tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân, một vợ, một chồng sẽ bị: (1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.

Về xử lý hình sự: Điều 182, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.