Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19

Chia sẻ

Ngày 6/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19, trong bối cảnh số các ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch này vẫn không ngừng gia tăng từng giờ, từng ngày, tại nhiều nơi trên thế giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: Getty Images)Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: Getty Images)

Trong một thông điệp phát đi cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ: “Chúng ta đang ở thời điểm cần đến sự khôi phục các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19… Quan điểm này cũng đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc làm rõ trong các cuộc họp báo khác nhau mà ông tham dự trong vài tuần trở lại đây”.

Theo quan điểm của ông Dujarric thì đại dịch COVID-19 đã cho thấy tính cần thiết của việc giải quyết vấn đề thông qua cách tiếp cận được cấu trúc trên cơ sở đa phương và tất cả các nước bị tác động bởi COVID-19 đều có một vai trò để thể hiện. “Điều vô cùng quan trọng là hệ thống đa phương đó được sử dụng để chia sẻ càng nhiều thông tin và kinh nghiệm đã được đúc rút ra càng tốt, cũng như cùng phối hợp trong ứng phó”- ông Dujarric nói.

Trong thời gian gần đây, vai trò kết nối toàn cầu đã được Liên hợp quốc xem như một công cụ quan trọng để chống lại sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Ngày 25/3, ông Guterres đã phát động kế hoạch “ứng phó nhân đạo toàn cầu” trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 tại các nước dễ bị tổn thương nhất. Mới đây, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng lên tiếng đề nghị các nền kinh tế trong nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” để đương đầu với đại dịch và tỏ rõ sự gắn kết giữa các nước này cùng các nước đang phát triển, gồm cả các nước đang xảy ra xung đột.

WHO sẽ ban hành hướng dẫn về sử dụng khẩu trang trong phòng, chống COVID-19

Đeo khẩu trang đúng cách là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả. (Ảnh: phauganda.org)Đeo khẩu trang đúng cách là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả. (Ảnh: phauganda.org)

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này đang đánh giá rộng rãi về việc sử dụng khẩu trang y tế và khẩu trang thường trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và sẽ ban hành hướng dẫn để hỗ trợ các nước trên thế giới đưa ra quyết định liên quan tới vấn đề này.

“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi nhận thức được rằng, các cá nhân và chính phủ mong muốn làm mọi điều có thể để bảo vệ bản thân và những người khác. Chúng tôi cũng vậy” – ông Ghebreyesus nói.

Theo sự lý giải của người đứng đầu WHO thì tổ chức này đã khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế đối với những người ốm và đang chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Quan trọng hơn cả là khẩu trang cần được sử dụng như một phần trong gói các biện pháp toàn diện, gồm giữ khoảng cách, rửa tay và không tiếp xúc lên mặt.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, khẩu trang y tế phải được ưu tiên cho những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. “Chúng ta biết được rằng khẩu trang y tế có thể giúp bảo vệ các nhân viên y tế. Tuy nhiên, khẩu trang y tế lại đang bị thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu” – Tổng Giám đốc WHO cho biết. Theo ông Ghebreyesus thì việc đưa khẩu trang y tế vào sử dụng rộng rãi sẽ khiến tình trạng thiếu hụt này trở nên nghiêm trọng hơn.

Công bố 29 biểu tượng về COVID-19

 Ảnh: OCHAẢnh: OCHA

Cũng trong ngày 6/4, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc đã công bố 29 biểu tượng nhân đạo đặc biệt để thúc đẩy sự thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng về đại dịch COVID-19.

Thông báo của OCHA nêu rõ: “Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo hay y tế nào, thì việc cung cấp các thông tin hợp lý, dễ hiểu đối với khiến hàng triệu người lại đóng một vai trò thiết yếu”.

Theo OCHA thì những biểu tượng mới được công bố sẽ giúp truyền đạt về những thực tế cũng như các hành động cần thiết để ngăn chặn, ứng phó với virus, đồng thời hướng dẫn chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Các biểu tượng này bao quát nhiều khái niệm đang được áp dụng như phong tỏa, giãn cách xã hội, COVID-19 và virus Corona, ngăn ngừa sự lây nhiễm, xét nghiệm…Với ngôn ngữ hình ảnh dễ phổ biến và dễ tiếp cận, các biểu tượng giúp các nhân viên nhân đạo chia sẻ những thông tin phức tạp trong việc ứng phó với một tình huống khẩn cấp một cách kịp thời và hấp dẫn. Các biểu tượng này cũng sẽ giúp tăng cường sự phối hợp trong phản ứng nhân đạo và thúc đẩy giải pháp, gồm cách thức tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của virus trong các trại tị nạn đông người cùng các địa điểm khác mà ở đó, các biện pháp về giãn cách xã hội và rửa tay là không thể tiếp cận đối với nhiều người.

OCHA cho biết, các biểu tượng này sẽ được sử dụng trên các sản phẩm thông tin được phát triển bởi và phục vụ cho cộng đồng, gồm bản đồ, bản tin, đồ họa thông tin và các websites. Việc cung cấp thông tin tốt hơn và rõ ràng hơn sẽ khiến con người đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, từ đó có thể giúp ứng phó hiệu quả hơn trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Tiếp tục những con số báo động

Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Getty Images )Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Getty Images )

Theo số liệu do trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng ngày 7/4, đại dịch COVID-19 đã lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 73.102 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên phạm vi toàn cầu là 1.346.003 trường hợp trong đó có 74.654 ca tử vong. Ba nước gồm Mỹ, Tây Ban Nha và Italy tiếp tục nằm trong top đầu bảng thống kê về số ca nhiễm COVID-19 (lần lượt là 367.004; 136.675 và 132.547 trường hợp).

* Cũng theo worldometers.info, số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ tính đến 8 giờ sáng 7/4 (theo giờ Việt Nam) là 10.871 trường hợp. Chỉ trong 1 tuần qua, số ca tử vong ở nước này đã tăng bình quân từ 500 ca lên hơn 1.000 ca/ngày. Tình trạng này dự kiến sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi Nhà Trắng hôm 31/3 đã dự báo, số ca tử vong do virus SARS-cov-2 ở Mỹ có thể lên tới khoảng từ 100.000 đến 240.000 người. Ngày 5/4, Tổng thống Mỹ D.Trump cảnh báo nước Mỹ đang bước vào một tuần khó khăn nhất với nhiều người sẽ tiếp tục bị COVID-19 cướp đi mạng sống. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn tỏ ra lạc quan khi tuyên bố rằng, đây cũng là thời điểm nhiều thứ sẽ bắt đầu thay đổi để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

* Ngày 6/4 (theo giờ địa phương), tình trạng sức khoẻ của Thủ tướng Anh Boris Johnson trở nên xấu đi trong nhiều giờ liền và được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện St.Thomas. Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab sẽ tạm thời đảm nhận nhiệm vụ của Thủ tướng trong khi ông Boris Johnson phải nhập viện.

Với 51.608 ca nhiễm COVID-19 và 5.373 ca tử vong (số liệu do worldometers.info cập nhật vào 8 giờ sáng 7/4), Anh đang là một trong những nước chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Chính phủ Anh ngày 6/4 thừa nhận không có mẫu nào trong hơn 17 triệu 500 nghìn bộ kit xét nghiệm kháng thể đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà nước này đặt hàng đạt đủ độ chính xác cần thiết để áp dụng đại trà.

* Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 6/4 đã xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với virus SARS-cov-2, và đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17/3, qua đó làm dấy lên những hy vọng về việc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia Nam Âu này sẽ giảm nhẹ nhờ lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc được thực thi từ ngày 9/3. 

* Theo số liệu do worldometers.info vừa công bố, hiện Nhật Bản đang ghi nhận 3.654 ca nhiễm và 85 ca tử vong vì COVID-19. Trong một biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, hãng thông tấn NHK cho biết, trong ngày hôm nay (7/4), Thủ tướng Abe Shinzo sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 quận gồm: Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Các biện pháp này dự kiến sẽ kéo dài trong 1 tháng.

* Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 6/4 cho biết, 51 quốc gia châu Phi đã ghi nhận gần 9.200 ca mắc và 414 ca tử vong do COVID-19, trong đó những quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất là Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Morocco và Cameroon.

Đến nay, nhiều quốc gia châu Phi đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Tại những khu vực mà các chiến dịch thông tin đạt hiệu quả, người dân đang thực thi và ủng hộ các biện pháp phong tỏa một cách rộng rãi cho dù tình cảnh kinh tế đang đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn khó./.

Theo dangcongsan.vn

Theo http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/lien-hop-quoc-keu-goi-hop-tac-quoc-te-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-552210.html

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9