Bạo hành con riêng, pháp luật sẽ trừng trị nghiêm minh

Chia sẻ

Liên tục các vụ bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây đa số đều là cảnh éo le “mẹ ghẻ - con chồng”, và đặc biệt là có sự tiếp tay từ chính người cha, mẹ của đứa trẻ…

Những “bố dượng”, “mẹ ghẻ” ác tâm

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa giải cứu thành công cháu bé 6 tuổi bị cha đẻ và vợ sắp cưới của cha bạo hành, giam giữ trong nhà nhiều giờ liền. Theo đó, khoảng 8 giờ sáng ngày 5/9, bà Lê Thị Hương (78 tuổi, trú tại khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, TX Từ Sơn) nghe thấy tiếng gào thét, cầu cứu của cháu nội là Đặng Ngọc A, 6 tuổi tại nhà con trai là Đặng Trung Kiên, 47 tuổi. Thấy tiếng kêu của cháu, bà Hương gọi cửa nhưng Kiên không mở. Ngay sau đó, bà Hương báo cho công an Thị xã Từ Sơn cùng chính quyền đến nhà giải cứu cháu A.

Sau nhiều giờ thuyết phục không thành, khoảng hơn 18h cùng ngày, lực lượng công an đã đột nhập vào nhà Kiên và phát hiện “vợ sắp cưới” của Kiên tên N (trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đang giữ cháu bé Ngọc A trên giường. Ngay lập tức, tổ công tác khống chế N và giải cứu thành công cháu Ngọc A, đồng thời, nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo kết luận của bác sỹ, cơ thể cháu Ngọc A có nhiều vết bầm tím, trong đó tập trung ở vùng lưng, cánh tay phải gãy 1/3 xương giữa.

Trước đó, không ít những vụ bạo lực đối với con riêng của vợ/chồng diễn ra gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, đầu năm 2019, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận một vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên địa bàn phường Trung Văn. Nạn nhân là cháu Trần Ngọc L (14 tuổi) đã bị mẹ kế đánh đập dẫn đến thương tích ở vùng đầu và mặt. Trao đổi với báo Phụ nữ Thủ đô, chị Phạm Thị Ngọc Q – mẹ cháu bé cho biết, vợ chồng chị đã ly hôn. Hai năm trước, chồng chị đón hai con gái (cháu lớn hiện 18 tuổi, cháu bé hiện 14 tuổi) lên Hà Nội chung sống với bố và mẹ kế. Tuy nhiên, mẹ kế không chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu chu đáo, thậm chí còn mắng chửi, ném quần áo của các cháu vào thùng rác. Vì vậy, chị gái L bỏ ra ngoài thuê trọ ở, còn L vẫn ở với bố và dì, đến ngày 12/11 vừa rồi thì bị bạo hành. Kết quả khám của cháu cho thấy, cháu L có một vết rạn ở đầu, chẩn đoán chấn động não do va đập.

Ngày 27/3/2018, cháu Nguyễn Lê H (SN 2004, trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh) cũng bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành gây tổn thương cơ thể. Cho rằng con trai mải chơi bóng nên đi học muộn, mẹ kế của H là Phạm Thị Tâm dùng gậy gỗ và cây chổi bằng tre đánh đập cháu H dẫn đến thương tích, ảnh hưởng sức khỏe cháu bé. Theo lời kể của cháu H, trước khi xảy ra vụ việc trên, mẹ kế đã nhiều lần đánh đập cháu để “dạy dỗ”. Sự việc chỉ bị đưa ra truy tố khi ông ngoại cháu bé làm đơn tố cáo hành vi bạo hành trẻ em này ra trước cơ quan công quyền. Bố đẻ và mẹ kế của cháu H đã bị TAND huyện Đông Anh (Hà Nội) tuyên phạt 6 tháng tù và 18 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích và Hủy hoại tài sản.

Đừng để “người mới” có cơ hội làm tổn thương con trẻ

Mặc dù các đối tượng bạo hành trẻ em đã được pháp luật trừng trị thích đáng với đúng tội danh truy tố nhưng những tổn thương về tinh thần và sức khỏe của các cháu sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đa số các vụ bạo hành con riêng của cha dượng/mẹ kế đều cho thấy, cha/mẹ kế chưa sẵn sàng đón nhận, coi những đứa con chồng hay con riêng của vợ như chính máu mủ của mình; còn bố/mẹ đẻ lại không có sự quyết đoán, thậm chí “tiếp tay” cho hành vi bạo hành con mình. Trong nhiều trường hợp khi mối quan hệ hôn nhân với “người mới” không được êm ả, họ sẵn sàng trút giận lên con mình bằng những trận đòn roi không thương tiếc.

Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, giảng viên khoa Tâm lý, đại học Tân Trào, trước biến cố gia đình xảy ra, trẻ thường bị ảnh hưởng tâm lý theo hướng tiêu cực như chống đối, lầm lì, ít nói, thu mình, cộc cằn, thô lỗ, ghét bỏ người mới… Do đó, trước khi tính đến việc đi bước nữa, cha/mẹ cần giúp con chuẩn bị tâm lý để đối diện với “người mới”. Sau đó, cha/mẹ cần thỏa thuận, thống nhất với nhau về nguyên tắc chăm sóc, nuôi dạy “con anh, con tôi, con chúng ta”, không phân biệt khi sống chung một mái nhà, không được phép hành hạ, đánh đập hay có những hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ.

Nhiều người vẫn thường cho rằng, con không nghe lời thì sử dụng phương pháp đòn roi, tức là đánh đập, quát mắng để “dạy dỗ”. Tuy nhiên, thực tế, việc dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ về lâu dài, trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý rất lớn như sợ hãi (hoặc tê liệt) trước bạo lực; mất sự phản kháng; mất khả năng tự bảo vệ mình và người khác; khó phân biệt đúng - sai, thiện - ác… Mặt khác, trẻ có xu hướng phản ứng tiêu cực như bất hợp tác, chống đối, bắt chước các hành vi bạo lực ở người lớn khi chơi với trẻ khác… “Với bất cứ đứa trẻ nào, dù là người xa lạ hay thân quen nếu người lớn yêu thương trẻ, trẻ sẽ yêu thương lại và dễ nghe lời dạy bảo hơn. Ở góc độ làm người, dù đứa trẻ không phải là con ruột thì người lớn cũng cần có sự bao bọc che chở, yêu thương, giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” – chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể tư vấn.

Bạo hành con riêng, pháp luật sẽ trừng trị nghiêm minh - ảnh 3

Ngoài ra, về mặt luật pháp, Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình, không phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

Bất cứ hành vi đánh đập, bạo hành nào cũng đều vi phạm pháp luật. Các hành vi bạo hành trẻ được quy định cụ thể tại Điều 8, Nghị định 71/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ; Luật Trẻ em năm 2016 như xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy dỗ trẻ, làm trẻ tổn thương, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần… Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi, người bạo hành có thể bị khởi tố hình sự nếu vết thương thực thể vượt quá 11%.

Ly hôn là điều không mong muốn của bất cứ cặp vợ chồng nào, nhưng khi bắt buộc phải ly hôn, người lớn cần tính đến các yếu tố đặt con trẻ là ưu tiên hàng đầu như đảm bảo cho con cái sự đáp ứng tương đối đầy đủ về mặt tinh thần và vật chất. Khi kết hôn và chung sống với người mới, bố/mẹ của trẻ hãy xem xét khả năng tối ưu khi trẻ sống cùng, tránh trường hợp xung đột xảy ra.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.