Dư âm “Tết buồn” vì bị bạo hành

Chia sẻ

PNTĐ-Xuân mới đã sang, nhưng dư âm về một cái “Tết buồn” vì bị chồng bạo hành với nhiều chị em vẫn còn đọng lại.

 
Dư âm “Tết buồn” vì bị bạo hành - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Bị chồng đánh vì mải kiếm tiền lo tết
 
Cửa hàng cắt tóc gội đầu của chị Kim Thoa (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) những ngày giáp Tết khách chật cứng. Người ta xếp hàng chờ gội đầu, sấy tóc, làm móng, duỗi tóc… Vừa làm, chị Thoa vừa liếc nhìn đồng hồ. Vẫn còn hơn chục khách, toàn là khách quen. Trong khi số người mới đến chị đành từ chối vì không còn thời gian. Đang làm thì điện thoại réo vang, chị thợ phụ cầm máy trả lời. Tiếng anh Dũng chồng chị Thoa quát to: “Về ngay làm cơm Tất niên cúng cụ không thì tao cho một trận”.
 
Lát sau, đứa con trai chị hớt hải đạp xe ra gọi: “Mẹ về ngay, bố giận lắm rồi, đang đập phá đồ đạc ở nhà”. Chị Thoa biến sắc mặt, vội cáo lỗi với khách rồi theo con trai về nhà. Khi về nhà chị Thoa bị chồng túm tóc vừa đánh vừa chửi. Chị Thoa van vỉ: “Anh ơi, cả năm em chỉ trông vào ngày Tết để trả tiền học cho con, tiền thuê cửa hàng, tiền nợ nần cờ bạc của anh… Em không làm cố thì lấy đâu ra. Em đã có lời nói trước với cả nhà rồi mà. Cơm Tất niên chiều nay em sẽ làm. Anh tha cho em đi”. Chỉ đến khi công an được mọi người gọi đến can thiệp, chị Thoa mới được giải thoát.
 
Cùng hoàn cảnh với chị Thoa, ngày Tết chị Vân ở Thường Tín, Hà Nội vẫn chở rau lên chợ Thượng Đình bán để kiếm thêm chút tiền. Nhưng về đến nhà, chị lại bị chồng đánh. Vừa đói vừa mệt lại bị chồng ra đòn quá tay, chị Vân đã ngất lịm. Chị Mai hàng xóm là bạn buôn cùng nghe tin chạy sang xoa bóp, lay gọi mãi mới tỉnh. Mọi người trách mắng chồng chị, anh ta còn lè nhè cãi: “Thứ đồ vợ hư, ngày Tết không biết về lo cho chồng con. Không dạy để làm gì”.

Chồng thua bạc, vợ ăn đòn
 
Chị Hằng quê ở Kim Bài, Thanh Oai lên Thanh Xuân thuê cửa hàng bán bún cua kể chưa năm nào chị được ăn một cái Tết bình yên. Năm nay cũng không ngoại lệ, chồng chị mê xóc đĩa, tá lả. Chỉ đến khi cạn tiền, anh mới gọi chị về mở tủ lấy tiền cho anh đi tiếp. Để có tiền nuôi gia đình, vừa hết Tết, chị Hằng đã lại tất tả lên thành phố mở quán bán hàng, trong lòng vẫn nặng nề những cái Tết với đòn roi của chồng.
 
Chị Thu (Hà Đông) lại có nỗi khổ riêng. Chồng chị là công chức nhà nước, vốn lắm bạn nhiều bè nên ngày Tết, phải tiếp khách uống rượu, đi đâu cũng thù tạc. Người ta uống say thì nằm nghỉ. Chồng chị uống say thì bao nhiêu nỗi ấm ức từ thuở nào đều lôi ra trút lên đầu vợ con. Tết đã hết, chị mới dám thở phào: “Ăn Tết mà khổ như vậy thì thà chẳng có tết còn hơn”, chị Thu chép miệng thở dài.
 
Theo thạc sĩ Đinh Đoàn (chuyên gia tư vấn tâm lý): Những chị em bị chồng bạo hành ngày Tết vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Bởi trong những gia đình có người chồng ham cờ bạc, vô trách nhiệm, nhưng người vợ lại không dám đấu tranh để thay đổi tình trạng này, chỉ cam chịu, nhẫn nhịn, cố gồng mình lên chịu đựng. Bạo lực có tính chất hệ thống, nếu không đẩy lùi được, nó sẽ leo thang ngày một cao. Những chị em cố gắng kiếm tiền để trả nợ cho chồng đánh bạc, để cung phụng một “đám người ăn không ngồi rồi” vừa thúc đẩy bạo lực tái diễn, vừa tự làm khổ mình. Để không còn những dư âm Tết buồn như thế, bên cạnh việc truyền thông, giáo dục, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền, cơ quan pháp luật, các cấp hội phụ nữ… Đặc biệt, mỗi chị em cũng phải biết tự cứu lấy mình. Giải pháp im lặng, cam chịu không phải cách tốt nhất để khắc phục bất bình đẳng giới và bạo lực.

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.