Giá như anh chị đừng vô tâm

Hương Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm nay, nghe mẹ tâm sự về vợ chồng anh trai, trong lòng Mai cũng đồng cảm nhưng để giữ hòa khí gia đình, cô vội gạt đi: “Thôi mẹ đừng suy nghĩ vậy nó nặng nề ra. Sau này nhà có việc, con tin anh chị cũng sẽ chung tay gánh vác. Lần này có thể anh chị thấy chưa cần thiết phải tham gia thôi mẹ”.

Mai dặn tiếp mẹ: “Mẹ nhớ nhé, phải vui vẻ lên. Mẹ đừng trách cứ gì vợ chồng anh chị kẻo tội. Bố mẹ còn sống lâu dài với anh chị, sau này cũng một tay anh chị chăm sóc. Con lấy chồng rồi, cũng khó mà qua lại nhà thường xuyên được”.

Mẹ Mai gật đầu nói: “Là mẹ hơi buồn mẹ nói riêng với con vậy thôi chứ bố mẹ nào trách anh chị con câu nào đâu. Bố mẹ vẫn yêu quý anh chị chứ chẳng dám đòi hỏi gì”.

Giá như anh chị đừng vô tâm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bố mẹ Mai chỉ sinh được 2 con. Sau khi anh trai Mai kết hôn thì đưa vợ, chị Lý về ở cùng bố mẹ. Còn Mai đi lấy chồng ở cùng nhà chồng. Không chung nhà nhưng có việc gì, mẹ lại tìm Mai để tâm sự, nhất là về cách ứng xử của anh trai và chị dâu.

Trên đường về hôm đó, Mai nhớ lại lời kể của mẹ. Quả thực, Mai xót mẹ, xót bố và phần nào cũng trách chị dâu, anh trai hơi vô tâm. Mà đây không phải là lần đầu tiên anh chị ứng xử như vậy. 10 năm ở chung, bố mẹ Mai đã giúp đỡ anh chị rất nhiều, từ kinh tế khi anh chị còn khó khăn đến trông nom các cháu. Nhưng, Mai có cảm giác anh chị chỉ quen nhận sự quan tâm mà chưa nghĩ cho bố mẹ.

Bố Mai ngày trước là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đất nước hòa bình, ông trở ra Bắc và từ đó không được gặp lại đồng đội. Năm nay, bước vào tuổi ngoài 80, ông có nguyện vọng được vào Nam một chuyến để tìm lại mọi người. Với ông, có thể đó sẽ là chuyến hội ngộ cuối cùng với đồng đội vì sức khỏe của ông mỗi ngày một yếu đi trông thấy.

Giá như anh chị đừng vô tâm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hiểu nguyện vọng của bố, Mai sắp đặt chuyến đi vào Nam cho ông. Mai mua vé máy bay, thuê khách sạn, chuẩn bị cả quà cáp cho bố. Mai cũng liên lạc với các đồng đội của bố để báo tin, nhờ mọi người chăm sóc bố thay cô trong thời gian ông ở miền Nam. Chỉ có ngày ông ra sân bay và lúc ông về lại Hà Nội là Mai không thể đi cùng ông được do có hai cuộc họp quan trọng. Mai chỉ nhờ anh chị hỗ trợ đưa bố ra sân bay và giúp ông làm thủ tục trước khi lên máy bay thay cho Mai vì ông già rồi, lại ít có điều kiện tiếp xúc ngoài xã hội.

Ấy thế nhưng, trước mặt bố mẹ, anh trai và chị dâu Mai nói lạnh te: “Ôi trời, ông đi bộ đội được, đạn bom còn không sợ thì sợ gì bị lạc trong thời bình. Đường ở mồm, không biết gì thì ông hỏi nhân viên sân bay họ sẽ hướng dẫn, Một người đi mà mấy người tiễn, chẳng cần thiết”. Nghe xong, bố Mai cũng gật đầu: “Không sao, bố tự lo được, các con cứ lo việc của mình đi”. Bố nói vậy thôi chứ Mai biết tính bố không bao giờ muốn phiền hà con cháu.

Nhưng với Mai, việc đưa bố ra sân bay không chỉ nhằm “canh cho bố khỏi lạc” mà còn thể hiện tình cảm, sự quan tâm của các con với bố. Anh trai Mai kinh doanh tự do, chị dâu bán hàng tạp hóa ở nhà, đâu có bị bí bách thời gian mà không thể bỏ ra đôi tiếng đi cùng bố. Nhưng anh chị đã coi đó là việc nhỏ thì Mai cũng không thể bắt ép anh chị được.

Rồi mẹ Mai còn kể, cho tới tận ngày bố Mai lên đường, chị dâu chẳng hỏi thăm bố câu nào. Từ lúc bố sắp xếp đồ đạc, rồi phải mua thêm đồ nọ, thức kia, anh chị Mai cũng mặc kệ, coi như chẳng phải chuyện của mình. Sớm hôm ông lên đường, cũng chỉ có mình hai ông bà lọ mọ dạy, rồi bà tiễn ông ra xe taxi mà Mai đã đặt sẵn cho bố còn anh chị thì vẫn đóng cửa ngủ im lìm.

Hai anh chị lấy lý do, taxi đã đón tận nhà rồi, anh chị có dậy sớm cũng chẳng biết làm gì. 10 ngày bố Mai ở miền Nam, ngày nào cô cũng gọi điện hỏi xem sức khỏe bố ra sao, có cần gì để các con hỗ trợ nhưng anh chị Mai chẳng ỏ ê gì. Nếu bố Mai không chủ động gọi điện ra thì anh chị cũng coi như bố chưa hề vắng nhà.

Mai không đồng tình với cách ứng xử vô tâm của anh chị nhưng cô không thể đổ thêm dầu vào lửa. Cô cũng không muốn bố mẹ mình và vợ chồng anh trai bất hòa. Mai tự nói với mình anh chị bản chất tốt tính, tử tế, chỉ là không sâu sắc và vô tâm thôi.

Giá như anh chị đừng vô tâm - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mai lại nhớ năm ngoái, mẹ Mai phải nằm trong bệnh viện 10 ngày. Mai xin nghỉ phép 3 ngày chăm mẹ, sau đó phải đi làm trở lại vì việc nhiều không cho phép cô nghỉ dài ngày. Nhưng chị dâu thì than thở đóng cửa hàng là mất nguồn thu nên vào viện với mẹ chồng ít phút chị đã mắt trước mắt sau xin phép về bán hàng.

Mấy ngày cuối, mẹ Mai khỏe hơn, chị thuê luôn grab mua đồ ăn bên ngoài rồi mang vào viện cho bà thay mình. Chị giải thích với Mai: “Mẹ nằm viện đã có bác sĩ lo, mà có khi còn an toàn hơn ở nhà. Chị vào viện chỉ làm vướng chân bác sĩ”. Tới khi mẹ Mai được ra viện, anh chị mừng lắm, coi như mẹ đã khỏe như người bình thường. Có lần buổi trưa đi họp gần nhà ngoại, Mai tranh thủ ghé về thăm thì thấy bố đang lọ mọ nấu cháo cho mẹ. Thì ra chị dâu cho rằng mẹ đã khỏe nên nấu một nồi cơm cho cả nhà ăn liền 2 bữa. Thức ăn chị để ở tủ, dặn bố mẹ buổi trưa tự mang ra ăn.

Tuy nhiên, khi thấy mẹ chị xanh xao, đi lại vẫn còn run trệu trạo ăn cơm với tôm rang cứng ngắc, bố chị không đành lòng lại lọ mọ nấu cháo thịt cho bà. Mai thương mẹ nên lựa lời nhờ anh chị quan tâm tới mẹ giúp Mai thì chị dâu vẫn vô tư bảo: “Được rồi, chị chả thấy bà kêu ca gì. Nếu bà cần ăn gì thì bà cứ báo, chị sẽ đặt về ngay cho bà. Giờ cái gì chả sẵn, đâu cần thiết phải tự tay nấu đâu. Trong khi đó, nghỉ một buổi là chị mất hết khách”.

Mai đã đi lấy chồng nên hiểu mình không có điều kiện chăm sóc mẹ thường xuyên. Mỗi lần về nhà ngoại, Mai hạn chế kiểu xét nét, chê bôi, đòi hỏi anh chị phải làm thế này, thế kia cho bố mẹ. Tuy nhiên, cô vẫn luôn ao ước giá anh chị biết quan tâm tới bố mẹ nhiều hơn. Đôi khi chỉ một câu hỏi thăm, một chút quà, tấm bánh mà anh chị mua cho bố mẹ theo đúng khẩu vị của ông bà, là một buổi chị dâu dám đóng cửa hàng để vào viện vừa chăm sóc vừa trò chuyện động viên mẹ chồng, là một món canh bổ dưỡng anh chị tự tay nấu... cũng đủ để bố mẹ Mai xúc động.

Các con có thể thoải mái nói lời nhờ bố mẹ hỗ trợ mình, nhưng bố mẹ thì ít khi nói lời nhờ vả các con...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.