Hạnh phúc ngoài dự tính

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.

Vợ chồng ba người con trai của ông bà, mỗi nhà đều sinh 2 cháu gái. Mỗi lần con dâu sinh nở là một lần bà Xuân hy vọng, mong mỏi, là một lần ông Sơn khấp khởi được ra oai với họ hàng. Nhưng 6 lần đón cháu đều là các cháu gái, ông trời cứ như trêu ngươi hai ông bà. “Một mụn đích tôn cũng không có”, hai ông bà thở than với nhau.

Cũng đã nhiều lần bà Xuân đánh tiếng với các con dâu về việc sinh tiếp. “Xã hội bây giờ cũng cởi mở, không còn đánh giá người sinh con thứ 3. Khoa học lại ngày càng hiện đại, ta có thể chọn được giới tính của con như ý”, bà bảo vậy.

Như để muốn các con dâu hiểu cho nỗi lòng của ông bà, bà Xuân còn trao thưởng mảnh đất ở nội thành đang lên giá vùn vụt cho nàng dâu nào hoàn thành nhiệm vụ ông bà giao trước tiên. Nhưng đáp lại mong mỏi của bố mẹ chồng, cả ba nàng dâu đều khéo léo chối từ, với lý do chính là muốn dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Chị dâu cả thì thêm cái lý do là tuổi đã nhiều, giờ mà sinh nở thì rất vất vả, ảnh hưởng cả mẹ lẫn con. Cô con dâu thứ hai, đang đà thăng tiến công việc, là người từ chối quyết liệt nhất. “Mẹ thấy đấy, hai đứa nhà con đều khó nuôi. Vất vả lắm chúng nó mới lớn, vợ chồng con mới có thời gian lao vào công việc, cố cày cuốc để nay mai lo cho chúng nó bằng bạn bằng bè. Giờ mà đẻ nữa thì ai cáng đáng với chồng con, lo cho hai đứa?”.

Hạnh phúc ngoài dự tính - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thấy dâu thứ nói về vấn đề kinh tế, bà Xuân lại lôi miếng đất ra… dụ. Nhưng con dâu của bà thẳng thừng: “Đất đó là của bố mẹ, chúng con từ lâu đã không màng đến. Lúc nào chúng con cũng nghĩ nếu bố mẹ thương thì cho đều cả ba anh em, còn không mỗi nhà tự lo ăn mặc, đủ là được chẳng cần thừa”.

Nàng dâu út, vẫn còn trong diện tuổi ăn được đẻ được, tất nhiên là bị mẹ chồng réo nhiều nhất. Nhưng cô có nhận thức rất sâu sắc và triệt để về bình đẳng giới. Đã vậy, cô con dâu này ban đầu ý định chỉ sinh một con, có đứa nữa là do vỡ kế hoạch.

Nghe mẹ chồng năn nỉ, ỉ ôi, với bản tính của mình, cô chối khéo: “Nhà con thì gái hay trai cũng không quan trọng mẹ ạ, các cháu ngoan là được. Với cả, thế hệ chúng nó sau này sẽ khác hẳn mình. Chắc gì chúng nó đã chịu ở với mình, mà có thể đi tây, đi tàu, bốn bể là nhà đấy ạ”. Biết dâu út muốn nói khéo rằng không quan tâm đến việc nay mai ông bà cho gì, bà Xuân đành lặng thinh.

Nàng nào cũng có cái lý của mình, chẳng kéo được ai về cùng phe, bà Xuân buồn lắm. Ngay cả dâu cả là thân thiết nhất, ở lâu nhất với bà, trước giờ mẹ con hay nhỏ to, tâm sự với nhau, mà cũng từ chối bà thẳng thừng. “Nó bây giờ là nhàn nhất. 2 đứa em dâu nó còn mải phấn đấu, còn thông cảm được. Chứ nó bây giờ đi làm nhàn hạ, cho vui là chính, chủ yếu chồng nó kiếm tiền. Thế mà bảo đẻ thêm đứa nữa cũng chối đây đẩy!”.

Nỗi khổ tâm không có cháu trai cứ dày vò hai ông bà, khiến cho hai người dù ở trong nhà cao, cửa rộng, con cháu ngoan ngoãn mà vẫn cứ thấy như mình bất hạnh. Bởi thế cho nên, khu phố nơi ông bà ở cứ truyền nhau câu chuyện dở khóc dở cười. Gần như tuần nào cũng phải mấy buổi chiều, bà Xuân lại ra sân phía sau nhà mình. Đó là sân của nhà người hàng xóm – thay vì có 6 đứa cháu gái như nhà bà thì họ lại có 6 đứa cháu trai. Cả 6 đứa tụ tập đá bóng, đuổi bắt nhau rất sôi động, khiến bà Xuân xem mà thầm… ước.

Mà cũng chẳng cần nhủ thầm, bà nói luôn với hàng xóm: “Ước gì tôi có thằng cháu trai giống như bà”. Bà hàng xóm nghe xong chỉ biết cười: “Còn tôi thì lại ước có đứa cháu gái như cái Bông (cháu gái bà Xuân), sao nó xinh xắn mà ngoan, học giỏi thế! Hôm nó đi diễn văn nghệ về, trang điểm một tí vào mà nhìn xinh ơi là xinh!”.

Hạnh phúc ngoài dự tính - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bà Xuân đương nhiên chỉ xem đó là câu nói lấy lệ của hàng xóm, chứ với bà, làm gì có chuyện nhà có con trai lại đi khen với ngưỡng mộ nhà chỉ có con gái. Biết bố mẹ còn đau đáu một thằng cháu đích tôn, nên gia đình các anh con trai luôn cố hết sức quan tâm bố mẹ.

Nhà bà Xuân, để mà nói là nhất thì hơi quá chứ nhì là chắc chắn về khoản con cái tụ tập đông đủ về thăm bố mẹ hàng tuần. Mỗi lần như thế, ngôi nhà nhộn nhịp, rộn ràng tiếng cười nói của các thành viên. Nhất là mấy cô cháu ngoại, rất tình cảm hỏi thăm ông bà. Tất nhiên, các con cố làm bố mẹ vui thì cứ làm, còn với ông Sơn bà Xuân, nỗi buồn vẫn cứ thăm thẳm, khó mà ngày một ngày hai quên đi được.

Thời gian cứ trôi đi, ông Sơn bà Xuân đã bước vào tuổi 70, 80. Sự minh mẫn, nhanh nhẹn vơi dần, thay vào đó là những bệnh tuổi già ngày một ập đến. Lo lắng cho bố mẹ, ba anh em bàn nhau về nhà thường xuyên hơn, thậm chí cắt cử các con thay nhau đến ở với ông bà, hỏi han trò chuyện rồi thi thoảng chở ông bà đi chơi, đi dạo… Và cũng chính từ đây, khoảng cách giữa ông bà nội và các cháu gái mới được dần dần xích lại.

Lũ trẻ mỗi lần tụ tập là mang theo bao nhiêu đồ ăn, rồi rủ ông bà đi cà phê. Các cháu gái thường thân với bà hơn, nên bà Xuân rất hay được các cô cháu gen Z đưa đi gội đầu, làm đẹp, rồi mua quần áo. Không muốn đi thì các cháu cũng bắt đi bằng được, đi vài lần là từ chán thành thích ngay. Mà với các cụ già, được đi đây đi đó sẽ giúp tinh thần khuây khỏa sau quãng thời gian chỉ ở trong nhà, làm bạn với 4 bức tường.

Còn ông Sơn, hôm rồi dày đặc lịch: Nào là ra phường lấy lương hưu, rồi đi lấy thuốc định kỳ ở bệnh viện, đi thăm ông bạn đồng nghiệp năm xưa mới ra viện… Tình thế căng quá, ông không thạo đi xe ôm, mà đi taxi thì say xe. Thế là cô cháu nội lớn nhất, đang học đại học, biết chuyện xung phong làm tài xế cho ông nội. Nguyên mấy ngày, hai ông cháu lòng vòng khắp thành phố, đi chỗ này chỗ kia. Xong việc về tới nhà, khi cô cháu gái còn mải cất xe thì bà Xuân đã thấy ông Sơn vào nhà, rơm rớm nước mắt.

Bà tưởng ông đi gặp bạn về nên xúc động, nhưng không phải. “Tôi mừng bà ạ. Vì các con mình dạy dỗ các cháu ngoan quá. Chúng nó không nề hà ông bà già, chơi với mình, giúp đỡ mình là thế, mà mình vẫn còn ngoan cố đòi hỏi một đứa cháu trai”.

Lời ông Sơn khiến bà Xuân nhận ra, bao lâu nay, hai ông bà thật hạnh phúc. Một hạnh phúc không giống như hai ông bà ao ước, một hạnh phúc ngoài dự tính, nhưng đã có hạnh phúc, thì còn gì mong mỏi hơn nữa?!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.