Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi mới về nhà chồng, có những cô dâu vẫn “vô lo vô nghĩ” vì bếp nhà đã có mẹ chồng lo. Ngày Tết, cũng một tay mẹ chồng quán xuyến, bày biện. Nhưng rồi biến cố ập tới mang mẹ chồng đi xa, các cô dâu nhận thêm trọng trách mới, đảm đang lo Tết cho nhà mình và cho cả nhà chồng.

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng - ảnh 1
Nàng dâu Trần Ngọc Thúy bên bố mẹ chồng ngày Tết khi “bếp nhà còn có mẹ chồng” và mâm cơm mồng 1 Tết chị Thúy tự nấu khi mẹ không còn. Ảnh: NVCC

Lo Tết cùng những ký ức về mẹ chồng
Nàng dâu Trần Ngọc Thúy, sinh năm 1992, hiện đang sống cùng gia đình chồng ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Là con út trong gia đình có 2 chị em gái, khi còn ở nhà với mẹ, Thúy ít khi phải vào bếp. Cô tự nhận mình không được khéo léo, đảm đang cho lắm. Sau khi kết hôn vào năm 2018, Thúy lại tiếp tục được bố mẹ chồng “chiều” nên gần 2 năm sau cũng chẳng phải lo việc nội trợ, bếp núc. Mẹ chồng Thúy thường dậy từ sớm đi chợ, cơm nước hàng ngày đều do bà nấu. Yên tâm vì đã có mẹ quán xuyến nhà cửa từ A tới Z nên vợ chồng Thúy chỉ có mỗi việc là... gửi tiền sinh hoạt phí hàng tháng cho mẹ. 

Thúy đặc biệt nhớ tới những cái Tết của cả nhà dưới sự lo toan của mẹ lúc nào cũng đủ đầy. Từ Tất niên tới hết 3 ngày Tết, ngày nào mẹ cũng làm cơm cúng với những món ăn truyền thống như xôi gấc, bánh chưng, canh bóng thả, canh măng, thịt nấu đông...  rồi cẩn thận bày biện đẹp mắt, thành kính dâng lên các bậc tổ tiên. Hương vị các món ăn đó luôn tròn vị mà không bị lai tạp. 

Thế rồi, sau 2 cái Tết, mẹ chồng Thúy đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Từ nàng dâu vô lo vô nghĩ, Thúy có thêm trọng trách thay mẹ giữ lửa của gia đình. Thúy còn nhớ cái Tết năm đầu tiên vắng mẹ chồng, cô vô cùng bỡ ngỡ. Thúy lên mạng, học từ cách thổi xôi và nấu các món cỗ. Mẻ xôi gấc đầu tiên bị nát, bố chồng và chồng đều động viên. Chồng cô gợi ý năm sau đặt mua xôi ở ngoài hàng cho đỡ công thổi nhưng Thúy nhớ lúc mẹ chồng còn sống, bà luôn tự tay nấu nên cô cũng muốn làm giống như bà.

Thúy chia sẻ: “Khi vắng mẹ rồi, em mới thấy tiếc là mình còn chưa kịp học hỏi gì nghiêm túc từ mẹ. Sau đó, việc chuẩn bị Tết của em đều là mày mò và nhớ lại những ký ức về mẹ”.

Đến Tết sau, Thúy đã bắt đầu thành thạo hơn. Cô biết cách liệt kê các phần việc để chuẩn bị dần. Bánh kẹo, đồ trang trí, Thúy mua từ sớm cho khỏi cập rập và có nhiều thời gian để lựa chọn. Từ 28 Tết, Thúy mua các đồ thực phẩm tươi sống, xào măng, ngâm bóng để ngày Tất niên chỉ việc nấu cho nhanh. Vì không còn có thể vô tư chỉ biết đưa tiền cho mẹ như trước, bây giờ, Thúy phải cân nhắc xem chi tiêu như thế nào để không bị quá tay. Thúy dự tính dành tổng 10 triệu cho Tết và thường lựa chọn nơi nào bán giá rẻ hơn để mua như đặt qua các sàn thương mại điện tử, khi có chương trình khuyến mãi... 

Sắp tới, Thúy lại bước vào cái Tết nữa vắng mẹ chồng. Cô tâm sự: Từ ngày không có mẹ, cô thấy mình bận rộn hơn nhưng cũng trưởng thành, chín chắn hơn. Những bữa cơm ngày Tết của Thúy ngày một ngon hơn và còn được bày biện rất đẹp mắt như thể vẫn đang có bàn tay hỗ trợ của mẹ chồng. Thúy nhớ lại ngày xưa mẹ chồng cô đặc biệt chăm chút ban thờ gia tiên dịp Tết nên cô cũng theo mẹ, luôn quan tâm tới ban thờ ngày Tết được ấm cúng. 

Thúy chia sẻ: “Ngày Tết, mỗi khi quây quần bên nhau, cả nhà mình vẫn luôn nhớ tới mẹ. Mình luôn tự nhủ là mẹ đi rồi nhưng con đã có thể tiếp bước của mẹ chăm lo cho gia đình chu đáo”.
 
Thiếu mẹ, cả nhà cùng lo Tết
Với nàng dâu Thảo Lê ở Đông Anh, Hà Nội, từ ngày mẹ chồng cô qua đời, từng thành viên trong gia đình đã có ý thức cùng tham gia lo Tết. Ngày trước, khi mẹ là nội tướng, Tết chủ yếu do mẹ sắm sửa, lo toan. Các con thích gì thì mua thêm cho vui thôi chứ trong nhà chẳng thiếu gì. Tết với Thảo Lê là những ngày dài được ngủ nướng, đi chơi thỏa thích. Thậm chí có năm, ăn xong bữa cơm Tất niên là hai vợ chồng đi du lịch ở Singapore tới ngày mẹ làm cơm hóa vàng mới lại về. 

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng - ảnh 2

Cái Tết đầu tiên thiếu mẹ, Lê mới hớt hải hỏi bố chồng: “Bây giờ con phải làm những gì?”, “Bình thường mẹ sắm Tết thế nào, nấu cỗ ra sao?”, “Khẩu vị ăn Tết của nhà mình thế nào?”. Lúc đó, bố chồng Lê mới nói: “Vắng mẹ rồi thì bố trao lại bếp ngày Tết cho con. Con xem nấu món gì phù hợp thì nấu. Còn lại, bố sẽ lo mua đào, quất, chồng con thì dọn dẹp nhà cửa”. Thế là Thảo Lê bắt đầu nghiên cứu lên thực đơn đủ cho 1 tuần nghỉ Tết. Trong đó, Lê học theo mẹ chồng, vẫn giữ những món ăn cổ truyền đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, gà luộc, xào hạnh nhân... nhưng cũng thêm vào đó một số món mới như súp gà, sa lát, thịt nướng, bò kho... để đảm bảo đổi món cho cả nhà. Các công việc khác trong nhà nhờ có bố chồng và chồng lo cho nên Thảo Lê không bị quá tải mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi.

 “Trước đây do mẹ chồng mình quá đảm đang, bà thường tự nhận làm hết mọi việc vì sợ các con đi làm đã mệt rồi. Cũng vì như vậy nên đôi khi mình thấy Tết đến nhà mình một cách rất đương nhiên mà không biết đó là kết quả tâm sức của mẹ chồng. Bây giờ, mẹ mất đi rồi, mình mới hiểu chuẩn bị được Tết chu đáo cho cả gia đình thật không đơn giản. Nhiều lúc, mình thấy hơi ân hận khi có năm còn đi chơi xa, để bố mẹ ở nhà một mình ngày Tết”.

Từ khi Tết vắng mẹ Thảo Lê đã trở thành một nàng dâu có trách nhiệm và chín chắn của gia đình chồng. Chồng cô cũng biết cùng cô vun vén cho tổ ấm. Mẹ vắng nhà dịp Tết nhưng đã để lại cho cả nhà những bài học yêu thương...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.