Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.

Chị ngồi lặng đi khi nghe người thân kể lại, những ngày cuối đời, biết được mình không qua khỏi, ông toàn nói về chị, bảo thương đứa con gái nghèo và tuyệt nhiên không một lần trách cứ chị. Thậm chí có lúc, ông còn trách bản thân mình nghèo và bất lực chẳng giúp đỡ, bảo bọc cho đứa con gái mà mình yêu thương để nó có cuộc sống sung sướng.

“Có khóc thương thì cha cũng không sống lại được đâu con. Con ở lại chơi với mẹ ít ngày rồi về trong đó, kẻo tội mấy cha con nó lầm lũi với nhau. Nhà vắng đàn bà hôm nào là rối ren hôm đó, con ạ!”. Nói xong, mẹ chị lại tiếc nuối: “Giá như mấy đứa cháu lớn hơn chút rồi vợ chồng, con cái về sớm hơn để cha con gặp được con cháu lần cuối thì ông ấy đi cũng nhẹ lòng hơn, chẳng có gì phải tiếc nuối cả”.

Nghe mẹ nói vậy, lòng chị như xát muối. Mười năm trời lấy chồng tận Cà Mau, chị chưa một lần đưa chồng con về thăm quê giới thiệu gia đình, họ hàng, làng xóm. Lần nào có người vào Nam, cha mẹ chị cũng tìm cách để gửi ít quà bánh cho con cháu và không quên nhắn nhủ là đưa cháu về thăm nhà cho ông bà biết mặt, kẻo mai này về chín suối mà không thấy mặt cháu. Mỗi lần gọi điện về thăm cha mẹ, chị cũng ậm ừ khất lần với cha mẹ rằng bây giờ các cháu còn nhỏ, tàu xe đi xa chẳng tiện, đợi lúc nào cháu lớn hơn thì chị sẽ đưa con về thăm ông bà.

Nhưng rồi, đứa thứ nhất chưa kịp lớn thì đứa thứ hai rồi thứ ba lại tiếp tục ra đời. Cứ thế, 10 năm lấy chồng, chị cứ quanh quẩn với cảnh sinh con, nuôi con nhỏ. Lời hứa về thăm nhà, thăm cha mẹ cứ thất hẹn hết lần này đến lần khác. Và, ước nguyện được gặp con cháu của cha chị theo đó cũng chẳng thể thực hiện được.

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nói là vậy, nhưng trong thâm tâm chị biết nếu vợ chồng chị cố gắng hết sức thì họ cũng có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, cứ mỗi lần chị đề cập đến chuyện ra Bắc thăm ông bà ngoại là chồng chị lại tìm cớ gạt đi với muôn vàn lý do… chính đáng.

Từ trong sâu thẳm chị biết, những lý do đó dù chính đáng mấy đi chăng nữa thì cũng không phải là nguyên nhân chính để chị không ra Bắc thăm cha mẹ được. Chủ yếu là do tính keo kiệt, ích kỷ của chồng chị. Anh sợ đường xa đi về tốn kém tiền tàu xe, rồi tiền quà cáp cho người lớn, trẻ nhỏ trong nhà vợ. Tính sơ sơ, mỗi lần đi về như thế cũng phải ngót ngét hết 10 triệu đồng là ít nhất, nhiều thì còn tốn kém hơn thế nữa. Số tiền đó, anh nhẩm tính có thể sửa lại nhà, mua thêm đôi bò giống để chăn nuôi cải thiện kinh tế…

Hay tính xa hơn là để dành tiền cho các con sau này còn lên Sài Gòn học đại học. Chung quy lại cũng vì kinh tế khó khăn, nhà lại đông con nên chị chẳng thể đòi hỏi gì chồng cả.

Nhà chị nghèo, có mấy anh em nhưng chị là con gái duy nhất. Học xong cấp 3, chị theo bạn bè vào Nam làm công nhân may rồi quen và yêu anh, chàng trai đất Mũi hiền lành, nói năng lúc nào cũng ngọt như “mía lùi”. Ngày đó, chị viết thư về nói với cha mẹ rằng chị yêu anh là vì cả hai cùng hoàn cảnh. Gia đình anh chẳng khá giả nhưng được cái anh chịu khó. Cha mẹ chị bảo họ chẳng coi trọng chuyện giàu nghèo khi gả con gái, chỉ mong con tìm được người thật lòng yêu thương, làm chỗ dựa cho con gái mình suốt đời là được.

Điều duy nhất họ phân vân về anh một chút đó là quê anh quá xa với quê chị. Được mụn con gái lấy chồng về tận Cà Mau, cha mẹ muốn vào chơi thăm con, thăm cháu cũng khó khăn. Hay, con cháu mỗi lần về thăm cha mẹ, ông bà cũng vất vả. Họ bảo với chị, người cùng quê vào Nam làm công nhân không ít, sao chị không chọn để tiện lợi cho việc về quê thăm cha mẹ sau này hơn. Nói tóm lại, họ không muốn gả con xa vì sợ… mất con gái luôn.

Bấy giờ, chị phải năm lần bảy lượt thuyết phục cha mẹ rằng khoảng cách không quan trọng, đường xá tuy có xa xôi thật nhưng phương tiện nhiều, đi lại dễ dàng. Chuyện về thăm cha mẹ sẽ không quá khó khăn như họ nghĩ. Nhưng cái chính là chị yêu anh, cái duyên số nó gắn kết nên chị trước sau bảo vệ tình yêu của mình. Thương con nhưng thấy chị quyết tâm lấy anh nên cha mẹ chị cũng không cản nữa.

Ngày cưới, nhà trai xin được tổ chức rước dâu từ nhà trọ gần công ty của chị xuống Cà Mau thay vì rước dâu từ Bắc vào. Cha mẹ chị lúc đó ốm đau, tiền xe đắt đỏ nên ủy thác cho con trai cả vào Nam lo việc gả chồng cho em gái.

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cưới xong, chị bàn với chồng xin nghỉ phép ít ngày về quê ra mắt bố mẹ và họ hàng nội ngoại thì anh thoái thác, bảo cưới xong còn phải lo nhiều thứ để trả nợ cho đám cưới. Rồi thì, công việc của vợ chồng ở nhà máy bận rộn, nghỉ ngày nào là mất tiền ngày đó. Nhà máy vào vụ, một người xin nghỉ dài ngày đã khó huống chi là hai người. Thế là, vợ chồng chị xin khất với cha mẹ dịp sau sẽ về.

Cứ ngỡ, anh chỉ từ chối về quê lần đó, ai ngờ sau này, mỗi lần chị nói đến chuyện ra Bắc thăm bố mẹ là anh lại tiếp tục tìm cớ để hoãn lại. Chị tìm hiểu nguyên nhân thì nhận ra tất cả đều do tính keo kiệt của anh mà ra. Để không phải về nhà ngoại, anh bày ra đủ mọi cái khó khăn để chị không thể về quê được. Với khả năng kinh tế bây giờ của anh chị, nếu cố gắng hết sức, họ vẫn có thể hai năm một lần về thăm cha mẹ được.

Thế nhưng, mỗi lần nhắc đến chuyện đó là anh lại đặt ra con số tính toán chi phí từng ly từng tý để rồi lại “vẽ” ra những nỗi khó khăn lớn khiến chị chẳng thể nào về được. Sau đó, anh nghĩ cách để vợ con “thăm nhà ngoại” qua ứng dụng gọi hình ảnh của zalo. Cứ thế, sau này mỗi lần nói tới chuyện về quê là anh lại bảo rằng cha mẹ, con cái, ông bà và các cháu ngày nào cũng gặp nhau trên điện thoại, nhìn thấy nhau, nói chuyện biết hết mọi chuyện về nhau rồi thì việc về quê không còn cần thiết nữa. Bao giờ kinh tế khá giả, cả nhà về cũng chưa muộn.

Chị nhận thấy, càng chung sống với nhau lâu chừng nào thì tính keo kiệt của anh càng kinh khủng hơn. Mỗi lần có người ở quê vào thăm con cháu ở trong Nam, cha mẹ chị lại gửi quà cho vợ chồng con gái và cháu ngoại. Nhận được quà, anh rất hồ hởi. Đến ngày họ về lại Bắc, chị nhắc chồng mua quà gửi về cho cha mẹ, nhưng mỗi lần nhìn gói quà anh mua cho nhà vợ mà lòng chị lại thầm xót xa. Bao nhiêu năm nay, kinh tế gia đình do anh quản lý nên chị có muốn mua quà gửi thêm hay lén lút giấu cho cha mẹ thêm đồng nào cũng không thể.

Ngày được tin cha ốm nặng khó có thể qua khỏi, chị van nài anh cùng mình đưa các các con về quê cho ông thấy mặt con cháu, nhưng anh vẫn điệp khúc cũ bảo rằng ông bà tuổi già ốm đau suốt là chuyện thường chứ chẳng có việc gì đâu. Cho đến khi nhận được tin cha mất, anh bảo chị về một mình để anh ở lại trông các con, lo cho chúng đi học. Vả lại, đường xa, con nhỏ, chẳng tiện để cả nhà cùng về hết.

Chị không muốn thuyết phục chồng thêm, một mình khăn gói về quê trong nỗi đau đớn tột cùng. Ở quê, mọi người không thể để cha chị trong nhà quá lâu để chờ đến khi chị về được. Nỗi ân hận chẳng gặp, nói với cha một câu cuối cùng cứ trào dâng trong lòng chị mãi không thôi.

Lo công việc cho cha xong, mẹ chị cứ giục con gái về Nam để lo cho chồng con. Chị ôm chặt mẹ nước mắt lã chã, nghẹn lời: “Mẹ, con ở lại với mẹ ít lâu nữa, lỡ mai này mẹ giống cha, con lại về không kịp thì sao?”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.