Kết hợp thực hiện “5K” + “5T” để phòng chống dịch hiệu quả

Chia sẻ

Đến nay, dù đã sang đợt giãn cách thứ 4 nhưng tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội còn ẩn chứa nhiều nguy cơ xuất hiện thêm bất cứ ổ dịch mới nào ngoài 6 ổ dịch phức tạp hiện tại. Bởi vậy, cùng với sự quyết liệt của chính quyền, rất cần sự chung tay của người dân trong tuân thủ nguyên tắc “5K” và thông điệp “5T” để dịch sớm được kiểm soát.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung. Ảnh: Thế LongLực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung. Ảnh: Thế Long

Người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức trong phòng dịch

Ngày 23/8, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 đầu tiên do sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng. Tới 18h ngày 6/9, tổng số ca mắc tại ổ dịch này đã lên đến 488 người (cao nhất trong số các ổ dịch của thành phố), hơn 1.200 người dân phải di dời tới khu vực cách ly an toàn… khiến công tác phòng, chống dịch của lực lượng chức năng vô cùng vất vả.

Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự lơ là, ý thức phòng dịch chủ quan của người dân và cả trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, ngay sau khi phát hiện ca Covid-19, phường Thanh Xuân Trung đã nhanh chóng tiến hành phong tỏa khu vực dân cư liên quan. Tuy nhiên, ngày 25/8, khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đi kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu vực phong tỏa (tại ngõ 328 Nguyễn Trãi), thời điểm kiểm tra vẫn thấy việc phòng dịch còn lỏng lẻo, chưa bố trí 3 lớp, ý thức người dân chưa tốt, vẫn đi lại trong khu vực phong tỏa… khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn.

Tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), chỉ vì một trường hợp lái xe “luồng xanh” (từ TP. Hồ Chí Minh ra) dù được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng khai báo thiếu trung thực, không thông tin với cơ quan chức năng về việc đã đến ngõ 24 Kim Đồng. Đến khi qua xét nghiệm sàng lọc khu dân cư, phát hiện các trường hợp dương tính khác trong cộng đồng, lái xe này mới thừa nhận. Hệ quả là phường Giáp Bát đã phải mở rộng phạm vi phong tỏa gần 500 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, kéo theo 45 người dân liên quan ổ dịch ngõ 24 phố Kim Đồng lây nhiễm Covid-19.

Tương tự, ổ dịch tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) đã ghi nhận 19 ca Covid-19 từ ngày 28/8 đến nay. Nguồn lây của ổ dịch này được xác định là do một trường hợp quê gốc tại xã Tân Lập nhưng sinh sống ở quận Đống Đa (Hà Nội). Đáng nói, theo ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, ban đầu trường hợp này còn có biểu hiện giấu dịch, chỉ khi lực lượng công an vào cuộc mới chịu khai ra lịch sử dịch tễ. Một số trường hợp mới nhiễm Covid-19 liên quan tới ca mắc “chỉ điểm” tại đây cũng có ý thức phòng, chống dịch Covid-19 rất kém, làm ảnh hưởng tới công tác kiểm soát, khoanh vùng, truy vết dập dịch của chính quyền địa phương.

Cá nhân an toàn thì cộng đồng mới an toàn

Thực tế cho thấy, chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội về công tác phòng dịch thời gian qua đã đi đúng hướng. Bên cạnh sự nỗ lực, kiên quyết của lực lượng “tuyến đầu” cũng như chính quyền cơ sở, điều quan trọng là người dân phải nghiêm túc triển khai thực hiện, tuân thủ nghiêm khuyến cáo “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế).

Mới đây, trong bối cảnh giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BYT về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, bên cạnh tuân thủ “5K”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5T”: Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid-19 tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã. Theo đó, với những khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để phòng dịch, người dân cần tuân thủ quy định giãn cách, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã với xã, thực hiện nghiêm 5K khi phải ra khỏi nhà.

Với quyết tâm “hạ nhiệt vùng đỏ” (vùng có dịch) và bảo vệ “vùng xanh”, chính quyền cơ sở các cấp đang huy động tổng thể các lực lượng, căng mình thực hiện nhiều nhiệm vụ: Xét nghiệm sàng lọc để rà soát, bóc tách F0; Đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin; Tăng cường bố trí chốt trực tại các đường ngõ nhỏ, nội bộ trong khu dân cư; Tăng cường kiểm soát, xử phạt trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng…

Dưới góc độ y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho biết, trước sự xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây truyền nhanh, có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí làm giảm hiệu quả của biện pháp điều trị và vắc-xin, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tự bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của bản thân là hết sức quan trọng.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).