Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân

Chia sẻ

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong việc góp ý hoàn thiện Báo cáo chính trị, từ ngày 1/6 đến 30/6/2020, Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị để bạn đọc tiện theo dõi và tham gia góp ý kiến xây dựng văn kiện.

Mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc xin gửi về Báo Phụ nữ Thủ đô trước ngày 30/6/2020, theo địa chỉ: Số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội hoặc E-mail: baophunuthudo@gmail.com.

TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, GƯƠNG MẪU; PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG NGÀN NĂM VĂN HIẾN, ANH HÙNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI; XÂY DỰNG THỦ ĐÔ GIÀU ĐẸP, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI
(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội)
-------

Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức Đảng trực thuộc và hơn 10% số đảng viên của cả nước, có truyền thống đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh. Đại hội đại biểu lần thứ XVII là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội được tiến hành vào thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố; quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày một khởi sắc.Bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày một khởi sắc. 

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XVI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (NHIỆM KỲ 2015-2020)

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XVI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố được thực hiện trong bối cảnh có nhiều cơ hội, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh thương mại, đầu tư gia tăng. Thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên cấp độ toàn cầu, tác động toàn diện đến các mặt của đời sống xã hội Thủ đô. Bên cạnh đó, với vai trò trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, một đô thị đặc biệt, Thủ đô Hà Nội còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn khác như: Là mục tiêu trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động; dân số đông và gia tăng cơ học nhanh; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ và theo kịp yêu cầu phát triển. Nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển Thủ đô ngày càng lớn, tính chất nhạy cảm, phức tạp, nhiều vấn đề đột xuất, phát sinh, trong khi những vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách, nhất là cơ chế đặc thù về quy hoạch, xây dựng, đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị... chậm được tháo gỡ.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự phối hợp, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong nước và bạn bè quốc tế; với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, tạo được những chuyển biến tích cực mới, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

1. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện.

1.1. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước

Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%); năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước.

Ngành dịch vụ tăng trung bình 7,12%, đóng góp 63,48% trong tổng giá trị tăng thêm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,91%/năm; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 10 nghìn website/ứng dụng được chấp thuận hoạt động, doanh thu chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu bình quân đạt 12,1%/năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015, bằng 8,6% cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011-2015 (5,25%). Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu còn dưới 2% tổng dư nợ.

Ngành Công nghiệp tăng trung bình 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tăng 8,4%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học,… Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề được khuyến khích phát triển với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 305 làng nghề được công nhận, thu hút hàng chục nghìn lao động làm việc.

Ngành Xây dựng tăng trưởng vượt trội với tốc độ trung bình 11,65%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,49%), tỷ trọng trong GRDP tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,78% năm 2020, góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô.

Ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 52,4% năm 2015 lên khoảng 54,2% năm 2020; ngành trồng trọt giảm tương ứng từ 47,6% xuống 45,8%. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, tập trung, bền vững và an toàn thực phẩm được chú trọng; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư hiệu quả. Đã có 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

1.2. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,65 lần cả nước, bình quân 5 năm tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4-5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,9%) và cả nước (5,8%). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9. Phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai quyết liệt; đã có khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Tỷ trọng trong GRDP theo giá cơ bản khu vực dịch vụ giảm từ mức 64,98% năm 2015 xuống 63,48% năm 2020; công nghiệp và xây dựng tăng từ 20,79% lên 23,23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 2,54% xuống còn 2,09%; thuế sản phẩm giảm từ 11,79% xuống 11,2%.

Các yếu tố của kinh tế thị trường, các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ… Công tác quản lý tài sản công, quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả hơn. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước từng bước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước được nâng lên. Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, tiếp tục phát huy vai trò là một động lực quan trọng, đóng góp ước trên 22% trong GRDP, tăng hơn 1,2 điểm % so với năm 2015, giải quyết khoảng 83% tổng số lao động xã hội. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế 5 năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015; bình quân trên 26 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hằng năm với số vốn khoảng 14,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2025. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã phát triển khá, tiếp tục ngày càng đa dạng, năm 2019, thành phố có 1.942 hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động hiệu quả khoảng 65%. Kinh tế hộ tiếp tục phát triển, đóng góp lớn trong tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong xã hội, tác động tích cực đến hiệu quả chung của nền kinh tế. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng lao động năm 2020 khoảng 12,8%, giảm 6,92 điểm % so với năm 2015.

1.3. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Hệ số ICOR trung bình đạt 4,5. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách trên 2.200 dự án, vốn đăng ký trên 1,1 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin..., được tập trung đẩy mạnh; cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 36,07% và 9,91%).

Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 12,8% vốn đầu tư phát triển, 10,4% tổng thu ngân sách và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.188,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa và các khoản thu bền vững từ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng (năm 2020 chiếm 88,8% tổng thu trên địa bàn, năm 2015 là 62,6%). Điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 58% năm 2015 xuống khoảng 51% năm 2020. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 44,9% năm 2020; cơ cấu đầu tư chuyển dần theo hướng thực hiện xã hội hóa đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn. Có 15/55 dự án, công trình trọng điểm dự kiến hoàn thành theo kế hoạch góp phần phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị.

2. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực

Triển khai Chương trình 06-CTr/TU, trong đó xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là khâu đột phá. Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.

Triển khai và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86% (đã phê duyệt 31/33 quy hoạch chung, 26/35 quy hoạch phân khu). Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát hơn thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: Hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch; quản lý khu phố cổ, phố cũ; quy chế quản lý công trình cao tầng. Công tác quản lý quy hoạch được chú trọng, ngày càng chặt chẽ hơn, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, nhất là đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách như: Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng phần mặt đất; Vành đai 3 phần mặt đất đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32; cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương - khách sạn Thắng Lợi; cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đoạn Km0 - Km19+900; 05 công trình cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm (Cổ Linh - đầu cầu Vĩnh Tuy; Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; nút giao trung tâm quận Long Biên; Bắc Hồng; An Dương - Thanh Niên); kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,… Diện tích đất dành cho giao thông tăng lên, năm 2019 đạt 9,75% và hết năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị (năm 2015 là 8,65%); tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, năm 2019 đạt 17,03%, năm 2020 ước đạt 20,05% (năm 2015 là 14,4%).

Về phát triển đô thị, thành phố chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô như: Ciputra, An Khánh, Mỹ Đình, Mỗ Lao, Vincity Sportia, Royal City, Vinhomes River Side, Vincity Ocean Park, Garmuda, Vinhomes Times City, Vinhomes Greenbay,… Từng bước phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án bắt đầu triển khai như: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh. Tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thấp. Triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung tại Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45ha, khi hoàn thành dự kiến cung cấp thêm 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở. Chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Từng bước thực hiện cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở thành phố với tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 25,3 triệu mét vuông (trong đó: Nhà ở xã hội 3,5 triệu mét vuông, nhà ở phục vụ tái định cư 0,84 triệu mét vuông, nhà ở thương mại 20,96 triệu mét vuông); đến hết năm 2019 diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09m2/người, dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch cải tạo 22 khu chung cư cũ theo kế hoạch. Chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh theo quy hoạch. Tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới (từ các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng). Diện tích đô thị ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, dân số đô thị ngày một tăng lên; đến năm 2019 tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin cần thiết trong thực hiện các quy định về quy hoạch, đất đai và cấp phép xây dựng tại khu vực đô thị. Thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Trật tự, kỷ cương xây dựng từng bước được lập lại, số công trình vi phạm giảm mạnh từ 13,5% năm 2015 xuống còn 3,07% năm 2019; tỷ lệ công trình có giấy phép xây dựng, không vi phạm trật tự xây dựng tăng từ 86,5% năm 2015 lên 96,93%.

Triển khai đồng bộ chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, ngầm hóa đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, tuyến đường mới tỷ lệ ngầm hóa đạt 100%. Đã tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh trước 2 năm; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường các hồ; đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%.

Trật tự, an toàn giao thông được duy trì, tăng cường tuyên truyền và thực hiện các chế tài nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tai nạn giao thông giảm qua các năm và trên cả ba tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương), hạn chế và giảm các điểm ùn tắc giao thông kéo dài.

Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp nước sạch cho người dân khu vực ven đô, nông thôn; tập trung phát triển đồng bộ các nguồn, mạng truyền dẫn, phân phối nước sạch cả đô thị và nông thôn. Phát huy tối đa công suất các nhà máy nước đã đi vào hoạt động, đảm bảo đủ nước sạch cung cấp cho nhân dân, nhất là những khu vực thường thiếu nước vào mùa hè. Tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đạt khoảng 1.520.000m3/ngày-đêm, dự kiến đến hết năm 2020 đạt 1.700.000m3/ngày-đêm, (năm 2015 đạt 920.000m3/ngày-đêm). Xây dựng phương án vận hành tối ưu mạng lưới cấp nước để điều tiết nước cho các khu vực. Đến cuối năm 2019, 100% hộ dân ở khu vực đô thị và 75% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%) vượt chỉ tiêu đề ra.

3. Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật

Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Đã xây dựng và triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư hằng năm trên 8 nghìn tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống các trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông được quan tâm đầu tư xây dựng thành trường học đạt chuẩn quốc gia, đến nay đã có 318/384 xã (tỷ lệ 82,8%) đạt và cơ bản đạt tiêu chí trường học chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% các xã có kết nối internet.

Dự kiến giai đoạn 2016-2020 có thêm 9 huyện và 170 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước hạn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2020, ước có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa đạt 99,21%, làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi hơn 40 nghìn héc ta sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cho hiệu quả cao: Trồng cây ăn quả tại Đan Phượng, Hoài Đức,... đạt 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như ở Chương Mỹ, Ba Vì... Vùng trồng hoa, cây cảnh tại Mê Linh, Đông Anh,... đạt 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Bước đầu đã xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016. Cơ cấu thu nhập chuyển biến tích cực; tỷ trọng hộ có thu nhập ổn định từ sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt kết quả tích cực như: Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt 85%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 75%; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

4. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực

Thực hiện bài bản, quyết liệt, sáng tạo Chương trình 04-CTr/TU, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở được nâng lên; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích (trong đó 431 di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2016-2020), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều di sản văn hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư (tăng 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng so với năm 2016). Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô được chăm lo, phát huy. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc, với nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc; phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục mở rộng, phát triển. Giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, có uy tín, chất lượng cao được tổ chức thường niên tại Thủ đô.

Chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “thành phố sáng tạo” của UNESCO - Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội,…) được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao, trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật.

Công tác quản lý báo chí, xuất bản, truyền thông được tăng cường, hoàn thành quy hoạch báo chí; hoạt động quảng cáo được chấn chỉnh, thực hiện theo luật pháp. Chú trọng đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là trên không gian mạng.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm chỉ đạo, với nhiều giải pháp, mô hình thiết thực. Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, nếp sống thanh lịch, văn minh được tăng cường. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Ban hành và thực hiện hai Quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức, viên chức và ở nơi công cộng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh, thanh lịch trong nhân dân Thủ đô có chuyển biến.

5. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư, đạt kết quả quan trọng

Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Hoạt động quản lý giáo dục, dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, thí điểm đào tạo chương trình song bằng quốc tế cho học sinh phổ thông. Triển khai cơ chế giao quyền tự chủ gắn với xây dựng trường chất lượng cao ở các cấp học. Thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại; hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực trình độ, kỹ năng cao và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2% năm 2020; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và quốc tế; khuyến khích và hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.

6. Phát triển khoa học và công nghệ được chú trọng đẩy mạnh

Chú trọng khai thác, phát huy tiềm lực, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Cải tiến quy trình, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước; sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ thành phố.

Nâng cao hiệu lực, đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang chủ yếu đặt hàng tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Giai đoạn 2016-2020, triển khai thực hiện 345 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn.

Quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ. Phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo làn sóng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) từ tháng 1-2017. Hoàn thành dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với trang thiết bị, công nghệ hiện đại của thành phố tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tích cực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ. Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ; giai đoạn 2016-2020 cấp 60 giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, gấp 2 lần giai đoạn 2010-2015. Công tác thẩm định, đánh giá công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến được quan tâm thực hiện. Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để nâng cao năng lực hấp thu, đổi mới công nghệ. Triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội. Quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học công nghệ.

Triển khai tích cực Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiết lập Sàn giao dịch công nghệ thành phố, tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành: Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội (Techmart) hằng năm, Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội.

Nâng cao hiệu lực về quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tạo dựng thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.

Công tác liên kết, hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực. Quan hệ phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn được mở rộng, thiết thực và hiệu quả.

7. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Chất lượng khám, điều trị bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực. Đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; nâng cao y đức và thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Thủ đô. Triển khai mô hình nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường trên diện rộng; thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến bộ rõ rệt. Các chỉ tiêu về tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đều giảm qua từng năm. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc và trợ giúp kịp thời. Nhận thức của xã hội về bất bình đẳng giới được nâng lên.

Thể dục, thể thao được đẩy mạnh, đóng góp nổi bật vào phong trào chung của cả nước. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế. Thể thao quần chúng được quan tâm, đầu tư phát triển, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng. Luyện tập thể dục và tham gia hoạt động thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe đã và đang phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong nhân dân. Thực hiện hiệu quả Chương trình sữa học đường lớn nhất cả nước về quy mô và giá trị; kế hoạch hành động nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên Hà Nội được triển khai rộng rãi, thiết thực.

Lĩnh vực lao động, việc làm của Thủ đô có bước phát triển. Công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được đẩy mạnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Nhiều sàn giao dịch việc làm truyền thống và trực tuyến cùng hệ thống đăng ký hồ sơ tuyển dụng, đào tạo được hình thành, hoạt động hiệu quả. Quản lý nhà nước về lao động, việc làm chặt chẽ hơn; an toàn lao động được chú trọng. Công tác quản lý lao động người nước ngoài được tăng cường. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 2,21%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hằng năm đạt 70,2%, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 48%.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân Thủ đô được nâng lên. Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm triển khai. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành chương trình xây nhà cho người có công và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 2 năm. Đến cuối kỳ, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm. Các vấn đề gây nguy hiểm, bức xúc trong xã hội được tập trung giải quyết như: Cấm kinh doanh các chất kích thích, gây nghiện (shisa, bóng cười, cỏ,…) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí (quán bar, karaoke, vũ trường,…) gắn với kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đấu tranh triệt phá nạn tín dụng đen, các hoạt động kiểu xã hội đen (đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi,...), tổ chức môi giới mại dâm. Công tác tuyên truyền, phòng chống tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực được đẩy mạnh. Mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không có tệ nạn xã hội được nhân rộng. Chất lượng quản lý, giáo dục, chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội được nâng lên. Các câu lạc bộ sau cai, đội tình nguyện xã hội tại các xã, phường, thị trấn được duy trì và hoạt động hiệu quả.

8. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện chủ động, tích cực

Về quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, đã hoàn thành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, khoáng sản, đất; hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; lập bản đồ trữ lượng khoáng sản và khoanh vùng cấm khai thác. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác cát trên các tuyến sông; triển khai các giải pháp bảo vệ an toàn cho các tuyến đê và xử lý nghiêm các vi phạm. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, chiếu sáng. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất xanh, sạch; từng bước chuyển đổi, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Hoàn thành lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai; thực hiện tốt hơn công tác giao đất, cho thuê đất, đặc biệt ban hành và chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nổi bật như: Cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%; cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 94,39%; cấp GCN cho người mua nhà tái định cư đạt 98%; cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%; cấp GCN cho các tổ chức đạt 94,67%; cấp GCN cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đạt 25,53%.

Nghị quyết 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường được tích cực triển khai. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường với hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Thực hiện có kết quả việc hạn chế đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong; các chương trình phân loại, thu gom rác thải nhựa.

Đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động đánh giá ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải, nước thải, không khí và các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm. Nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Xây dựng Trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường, hệ thống hiển thị thông tin đại chúng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại, các nhà máy xử lý nước thải; hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp và làng nghề. Đã xây dựng, triển khai tích cực một số đề án về bảo vệ môi trường. Triển khai lập quy hoạch chi tiết, mở rộng các nghĩa trang tập trung, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ.

Đổi mới công tác duy trì vệ sinh môi trường theo hướng tăng cường cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí. Triển khai các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn rác nơi công cộng, không để rác tồn đọng trong ngày; lắp đặt khoảng 6.300 thùng rác trên các tuyến đường, phố khu vực nội thành và đưa vào sử dụng trên 100 nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn xã hội hóa; tiếp tục lắp đặt thêm khoảng 400 nhà. Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ. Xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, quyết liệt thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị. Vận hành hiệu quả Trạm bơm Yên Sở, 28 trạm bơm cục bộ, các nhà máy, trạm xử lý nước thải. Hoàn thành nhiều chỉ tiêu về môi trường. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường. Rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án xử lý, khắc phục các “điểm đen” và các khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường....

Xem chi tiết toàn văn dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.