Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Huyện Ba Vì: Đời sống của người dân tộc thiểu số ấm no và hạnh phúc hơn
(PNTĐ) - Sau hơn 15 năm(từ 1/8/2008) thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, và thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia gia phát triển Kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số (MTQG), diện mạo huyện Ba Vì đã có nhiều đổi thay đáng kể trên mọi lĩnh vực, nhất là các xã miền núi, đời sống của người dân tộc thiểu số đã có những bước đổi khác, ấm no và hạnh phúc hơn.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô về kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội
Phóng viên: Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ba Vì đã đạt được trong thời gian qua trong thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi?
Ông Đỗ Mạnh Hưng: Trước khi sáp nhập, Ba Vì là một huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tây. Diện tích tự nhiên là 428km², dân số trên 27,5 vạn người, phân bố trên 32 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 31 xã, trong đó dân số nông thôn chiếm 90% và lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). Điều kiện tự nhiên của Ba Vì tương đối phong phú và đa dạng tạo nên một hệ sinh thái khá giàu có về tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ngày 1/8/2008, cũng như một số huyện khác của tỉnh Hà Tây, huyện Ba Vì sáp nhập vào Hà Nội. Tuy nhiên trước đó, ngày 10/7/2008, toàn bộ diện tích tự nhiên là 454,08ha và dân số 2.701 người của xã Tân Đức, thuộc huyện Ba Vì được sáp nhập vào thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ.
Ba Vì có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Sau 15 năm sáp nhập địa giới hành chính về với Thủ đô Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2023). Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Thành phố, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, huyện Ba Vì đã vươn mình lên tầm cao mới với một diện mạo mới.
Kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì ngày càng phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi sát nhập; văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Huyện luôn đạt được kết quả phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.
Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi và phát triển nhanh chóng theo hướng đồng bộ theo các quy hoạch đã được duyệt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 03-CTr/HU ngày 30/9/2020 của Huyện ủy Ba Vì và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XXIII.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha.
Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã miền núi và các địa phương
Phóng viên: Được biết, các xã miền núi của huyện Ba Vì đã được quan tâm đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế… được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, mang lại diện mạo mới cho cả vùng. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể?
Ông Đỗ Mạnh Hưng: Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao. Kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.
Các tuyến đường giao thông trục chính của huyện đã và đang được đầu tư góp phần phát triển du lịch, tăng cường lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các xã trên địa bàn huyện và giữa huyện với các địa phương khác (Quốc lộ 32; đường tránh Quốc lộ 32; đường nối Quốc lộ 32 - Yên Kỳ - Hồ Suối Hai; các tuyến đường tỉnh: 411, 411C, 412, 414, 414B, 414C, đường Tản Lĩnh - Yên Bài, đường đê Minh Khánh; đường từ TL414 đi Ao Vua, đường Ba Vành - Suối Mơ; đường vào các khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Spa resort,…; các tuyến đường huyện, liên xã, trục xã,…).
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Năm 2022, vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực trên chiếm 52% tổng nguồn vốn đầu tư công.
Sau 15 năm sáp nhập Thủ đô, huyện đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong tất cả các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người; trong đó xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008 (21,6 triệu đồng).
Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định, giảm nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại từ các chương trình đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã miền núi và các địa phương còn lại của huyện Ba Vì.
Lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao
Phóng viên: Thời gian qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi của huyện Ba Vì được Thành phố rất quan tâm và đẩy mạnh thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), kết quả này được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hưng: Huyện Ba Vì có khoảng 28 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở 7 xã miền núi, chiếm tỷ lệ 37,1%. Trong đó xã Ba Vì là xã có chiếm tỷ lệ cao nhất với 93,4% là đồng bào dân tộc Dao. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, diện mạo vùng DTTS 7 xã miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Năm 2011, 7 xã miền núi có 2.693 hộ nghèo chiếm 13,15 %. Đến năm 2023 trên địa bàn 7 xã miền núi có 177 hộ nghèo, tỷ lệ giảm còn 0.69%. Theo quyết định 447/QĐ-UBDT, ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc Trung ương giai đoạn 2013 - 2015, huyện Ba Vì có 1 xã và 13 thôn đặc biệt khó khăn.
Qua quá trình đầu tư, phát triển đến năm 2022, 7 xã (Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại) đều thuộc khu vực I; Không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn (Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ khu vực miền núi huyện Ba Vì ).
Những năm qua, huyện Ba Vì luôn quan tâm thực hiện các chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là chính sách đối với người có uy tín góp phần phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân; cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Thành phố, huyện Ba Vì coi trọng.
Huyện đang xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao phong phú, đậm đà bản sắc truyền thống. Ngoài việc tổ chức các lễ hội, sưu tầm, bảo quản hiện vật, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn được quan tâm khôi phục và phát triển như: Trang phục, nhạc cụ, các phong tục, tập quán tốt đẹp, làng nghề truyền thống và tiếng nói đặc biệt là của đồng bào Mường, Dao.
Đó là việc phục dựng lại lễ hội Tản Viên Sơn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản, củng cố lại các đội cồng chiêng, tết nhảy, múa chuông, múa rùa, bắn nỏ, hát ru … Nhiều nét văn hóa của dân tộc thiểu số bị mai một đang từng bước được khôi phục, lưu truyền như: Tiếng nói, trang phục, hát sắc bùa, múa Mường cổ, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường, lễ cấp sắc của người Dao.
Cùng với việc gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các xã tiêu biểu trong việc tích cực tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống trên địa bàn là: Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại và Ba Vì…
Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã được quan tâm, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp
Phóng viên: Với những kết quả đáng mừng trên, xin ông cho biết trong công tác phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS còn có những khó khăn gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Ông Đỗ Mạnh Hưng: Kinh tế vùng đồng bào DTTS ở huyện Ba Vì còn chưa khai thác hết được lợi thế về tiềm năng của vùng rừng núi. Chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống của nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện; tỷ lệ hộ có nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ người dân tham gia nước sạch khu vực miền núi còn thấp.
Chưa có quy hoạch tương xứng với tiềm năng phát triển tổng thể của các xã vùng DTTS miền núi. Việc triển khai chương trình mục tiêu đối với các nội dung danh mục dự án thuộc vốn sự nghiệp còn chậm.
Nguyên nhân của những hạn chế trên, về khách quan do địa bàn miền núi rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, kinh phí dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng và phục vụ các sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội khó khăn.
Về chủ quan, nhận thức về công tác dân tộc của một số cấp ủy Đảng, chính quyền các xã miền núi còn chưa đầy đủ. Một số hộ đồng bào chưa tích cực lao động sản xuất, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhận thức còn thấp.
Vì vậy, thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững: Phấn đấu tốc độ đạt tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 10 - 12%/năm. Đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành thương mại, dịch vụ - du lịch, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị, UBND các xã miền núi chủ động đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu do Thành phố, huyện giao về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục đề xuất, điều chỉnh bổ sung các nội dung theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023-2025 với các nội dung phù hợp trên địa bàn nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi trên địa bàn huyện.
Trân trọng cảm ơn ông!