Thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới

HOÀNG LAN - HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, những năm qua, cùng với các cấp Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm trong thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng môi trường sống an toàn, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện, phát huy vai trò trong xã hội.

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 1
Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 2

CLB “Nam giới tiên phong” được thành lập tại 2 xã Ngọc Hoà và Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do Hội LHPN huyện Chương Mỹ thực hiện với mục tiêu xây dựng cộng đồng giúp phụ nữ và trẻ em gái được đảm bảo về sự an toàn, quyền lợi và nhân phẩm. CLB hướng tới kết quả hơn 1.000 hội viên Hội Phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, được chăm sóc sức khỏe sinh sản và có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới; hơn 700 nam hội viên Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tại 2 xã được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và gần 1.000 phụ huynh nhận diện được những định kiến giới cứng nhắc, thực hành công bằng giới đối với con trai và con gái của họ…

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 3
Nam giới tham gia sinh hoạt tại CLB “Nam giới tiên phong”, xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ

Với những kết quả đạt được trong thúc đẩy bình đẳng giới, đến nay, tại xã Ngọc Hoà đã có 1 CLB "Nam giới tiên phong", 4 CLB "Nam giới hiện đại" dành cho thanh niên chưa vợ và 5 CLB Phụ nữ sinh hoạt tại 5 thôn. Các CLB đều duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần tập trung tuyên truyền nam giới là người tiên phong, vận động xóa bỏ bất bình đẳng giới. Chia sẻ về hoạt động của CLB "Nam giới tiên phong" xã Ngọc Hoà, bà Đặng Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Hoà nhấn mạnh: Các thành viên sau khi tham gia CLB đều vui vẻ, sống tích cực, quan tâm đến gia đình nhiều hơn. Các anh chồng đã thay đổi nhận thức rằng nam giới cần đồng hành với vợ để cùng nhau vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, binh đẳng, không bạo lực.

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 4

Tại xã Ngọc Hoà hiện đã có 1 CLB "Nam giới tiên phong", 4 CLB "Nam giới hiện đại" và 5 CLB Phụ nữ sinh hoạt tại 5 thôn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Còn tại xã Nam Phương Tiến, CLB "Nam giới tiên phong" đến nay có 130 thành viên, duy trì hoạt động hàng quý, hàng tuần đã làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới của nhiều nam giới trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ nhiệm CLB "Nam giới tiên phong" xã Nam Phương Tiến cho biết: “Bất bình đẳng giới là sự vi phạm các quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, nam giới hãy lắng nghe và quan sát để hiểu những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi họ thực hiện ước mơ hay tiềm năng của mình. Hãy để phụ nữ có quyền được quyết định về sức khỏe, đời sống tình dục và sinh sản; được quyền quyết định việc lập gia đình và thời điểm kết hôn theo mong muốn...”.

Để các CLB hoạt động hiệu quả, các thành viên trong Ban chủ nhiệm đã thành lập nhóm zalo kết nối nhiều nam giới ở địa phương cùng tham gia, xây dựng các tiểu phẩm về phòng chống bạo lực, mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới rồi đăng tải trên nhóm zalo, facebook, mạng xã hội…, từ đó lan toả thông điệp về bình đẳng giới đến với cộng đồng.

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 5

Tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, CLB "Nam giới tham gia phòng chống bạo lực gia đình" do Hội LHPN xã Yên Viên vận hành cũng là điểm sáng trong thực hiện bình đẳng giới ngay từ trong gia đình. Để thu hút nam giới tham gia, CLB tổ chức nhiều hoạt động phong phú như bóng đá, bóng chuyền, khiêu vũ… và tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Viên cho biết: “Với tinh thần gương mẫu, nòng cốt, các cán bộ chi, tổ phụ nữ đã vận đồng chồng, con trai tham gia CLB. Đến nay, CLB đã có thu hút đông đảo thành viên là nam giới tham gia, với nhiều lứa tuổi, ngành nghề…, sinh hoạt định kỳ theo quý. Nhiều nam giới đã trở thành nhân tố nòng cốt trong tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ”.

Đến nay, tại huyện Gia Lâm, nhiều mô hình như "CLB Gia đình nói không với bạo lực", "Nam giới tiên phong", "Nam giới đồng hành"... đã được nhân rộng tại các xã trên địa bàn. CLB còn mời báo cáo viên nói chuyện về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng tránh xâm hại trẻ em...

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 6
Tại huyện Gia Lâm, nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới đã được nhân rộng tại các xã trên địa bàn

Tại huyện Đông Anh, xuất phát từ nhu cầu về môi trường sống an toàn, bình đẳng của nữ lao động nhập cư trên địa bàn huyện, Hội LHPN huyện Đông Anh đã huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình "Nhà trọ an toàn". Huyện Hội thành lập một mạng lưới tình nguyện viên là những lao động nhập cư gồm cả nam và nữ có nhiệm vụ hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin về địa chỉ nhà trọ cho những chị em có nhu cầu, tiếp nhận các thông tin phản ánh về các vụ việc bạo lực, xâm hại, bất bình đẳng giới (nếu có). Hội Phụ nữ các cơ sở đã chủ động kết nối, hỗ trợ nữ lao động nhập cư tìm kiếm việc làm, tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như mua thẻ BHYT, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của chị em trong gia đình và ngoài xã hội. Các hoạt động trên đã góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng đại diện của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới.

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 7

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các mô hình, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới các hoạt động truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ cán bộ hội, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới.

Từ năm 2019, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Plan International Việt Nam triển khai hiệu quả Dự án "Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em" tại 6 đơn vị quận huyện gồm Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa, Đông Anh. Các hoạt động như hội thảo, khảo sát đánh giá nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em gái khi tham gia vào các hoạt động nơi công cộng; lắp đặt sân chơi, trao tủ sách pháp luật, tập huấn, truyền thông với quy mô sân khấu hóa ngoài trời, tổ chức cuộc thi trực tuyến với các mô hình video, clip, tiểu phẩm… truyền thống và trên các nền tảng số đã tăng cường hơn nữa năng lực của các cán bộ thực thi công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời gửi đến cộng đồng thông điệp: Phụ nữ và nam giới đều bình đẳng trong tham gia và quyết định mọi công việc trong gia đình và xã hội; Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 8
Các mô hình như “Thành phố an toàn và thân thiện cho phụ nữ, trẻ em”, “Làng quê an toàn” được triển khai trên địa bàn Thành phố là sự thể hiện rõ nét về một môi trường sống an toàn, bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em gái.

Mô hình “Thành phố an toàn và thân thiện cho phụ nữ, trẻ em”, mô hình “Làng quê an toàn” được triển khai tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố là sự thể hiện rõ nét về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, được có các cơ hội bình đẳng như nam giới... qua đó thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội. Điều đáng nói là các mô hình đã huy động sự tham gia chủ động và cụ thể của nam giới nhằm đảm bảo tính bền vững, thành công của mô hình.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022- 2025” được UBND TP Hà Nội giao cho Hội LHPN Hà Nội chủ trì triển khai, nhằm thực hiện Nội dung 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, Hội LHPN Thành phố đã tập trung tổ chức hướng dẫn, triển khai mô hình điểm; cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thực hiện Đề án.

Đơn cử như tại huyện Ba Vì, theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì, Huyện Hội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng khai thác ưu thế của mạng xã hội, đồng thời lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội để tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ các chính sách pháp luật của Nhà nước... tới các hội viên, phụ nữ. Trong năm 2024, Hội LHPN huyện Ba Vì đã thành lập thí điểm thêm mô hình “Phụ nữ hội nhập an toàn trên không gian mạng” vừa phát huy hiệu quả tuyên truyền vừa giúp cán bộ, hội viên có kiến thức, kỹ năng ứng phó với các vấn đề trên không gian mạng xã hội. Hội cũng duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng với 02 nhóm phụ nữ nòng cốt (xã Ba Trại), 01 CLB Phòng chống mua bán người (xã Châu Sơn), 04 CLB "Phụ nữ với pháp luật", 03 CLB trợ giúp pháp lý; 15 tủ sách phụ nữ với pháp luật và bình đẳng giới; tham mưu duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 91 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 07 nhà tạm lánh...  qua đó góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 9
Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 10

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ là một xu thế chung tất yếu của thời đại. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin qua internet của hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, Hội LHPN Hà Nội đã đầu tư kinh phí nâng cấp website https://phunuthudo.com.vn/,  thường xuyên cập nhật tin bài, văn bản, thư viện ảnh, video… làm nguồn tư liệu sau này, thu hút hơn sự quan tâm của hội viên, phụ nữ.

Không những thế, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, học hỏi các cách làm mới, công nghệ mới để đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng công tác Hội, tạo sự thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng. Những phóng sự chuyên đề, phóng sự tổng kết, hoạt động tập huấn chuyên đề, sự kiện được truyền thông, công chiếu, livestream trực tiếp trên fanpage của Hội LHPN thành phố Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô và của các cấp Hội cơ sở…

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 11
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, điển hình làm theo lời Bác theo hình thức lập trường quay ảo và livestream trên trang Fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội và báo Phụ nữ Thủ đô. Việc chuyển đổi số này vừa đảm bảo hiệu quả tuyên truyền vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Nắm bắt được xu hướng phổ biến mới là các video ngắn, thời lượng chỉ từ vài giây cho tới vài phút cung cấp thông tin nhanh chóng và ngắn gọn, Hội LHPN Hà Nội đã áp dụng để sản xuất ra các video highlight (là một video ngắn về một sự kiện, hoạt động nào đó, được chọn góc quay, căn chỉnh kỹ càng trước khi bấm máy) và TVC (viết tắt từ cụm từ Television Video Commercials, là một loại hình quảng cáo truyền hình với độ dài từ vài giây đến vài phút nhằm truyền tải một nội dung hoặc giới thiệu một sản phẩm thương mại hay một chương trình sự kiện sắp diễn ra và công chiếu rộng rãi trên các màn hình). Các video highlight đang giúp Hội bắt kịp xu thế, nâng cao chất lượng, thẩm mỹ, đổi mới phong cách truyền thông sau các sự kiện, hoạt động của tổ chức.

 
Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 12
THội LHPN Hà Nội truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 tại Hà Nội

Theo bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội: Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về bình đẳng giới; Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước: Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", mô hình "5 có, 3 sạch"; Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh Lịch”…; Kịp thời phát hiện, lên tiếng, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em...; tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành, phụ nữ và nhân dân Thủ đô "cùng chung tay - cùng thay đổi" để thu hẹp khoảng cách giới, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hạnh phúc, bình đẳng cho tất cả mọi người, để phụ nữ sát cánh cùng nam giới tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ

Ra mắt Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ

(PNTĐ) - Sáng ngày 28/11, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ tổ chức Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận gồm 22 nhân sự. Bà Trần Thị Thu Hường được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ.
Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Có thể thấy rằng, nhiều yếu tố của an ninh phi truyền thống đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đến các cá nhân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ hoàn toàn có thể tìm thấy các cơ hội phát triển và nâng cao quyền năng trong quá trình ứng phó với các thách thức này.