Thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số

HOÀNG LAN - HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có thể thấy rằng, nhiều yếu tố của an ninh phi truyền thống đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đến các cá nhân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ hoàn toàn có thể tìm thấy các cơ hội phát triển và nâng cao quyền năng trong quá trình ứng phó với các thách thức này.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 1
Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 2

Hoàng Thị Thùy Linh, đến từ Vĩnh Phúc là thí sinh dành giải Đặc biệt Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Đây là một sự ghi nhận cho những nỗ lực của Linh trên con đường lập nghiệp, tự tin nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 3
Thí sinh Hoàng Thị Thùy Linh dành giải Đặc biệt Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.

Năm 2019, với mong muốn tìm những bữa ăn dinh dưỡng từ gạo lứt cho người mẹ mắc ung thư, Linh đã cùng các cộng sự thành lập công ty Cổ phần DBFOOD chuyên sản xuất sữa gạo lứt giữ nguyên dưỡng chất của gạo. Sau đó, DBFOOD tiếp tục ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại để ra mắt các dòng sữa hạt hỗ trợ sức khỏe cho người mắc bệnh đái tháo đường, ung thư, huyết áp cao… 

Linh cho biết, trước đây, DBFOOD chủ yếu tiếp cận khách hàng theo cách truyền thống thông qua các cửa hàng hay trưng bày tại hội chợ, chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP. Nhưng, đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo ra bước ngoặt để DBFOOD tích cực chuyển đổi số. Sau khi tham gia các lớp học dạy bán hàng trực tuyến do các Sở, ngành, Hội LHPN tổ chức, Linh bắt đầu chuyển sang kinh doanh trên các sàn thương mai điện tử và xây dựng website kinh doanh sản phẩm... Trên bao bì sản phẩm của DBFOOD đều có mã Qr dẫn tới website của công ty, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. So với bán hàng truyền thống, chuyển đổi số số đã giúp Linh tiết kiệm được nhiều chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên bán hàng, điện, nước... đồng thời có được một lượng khách hàng chiếm tới trên 60% khách hàng của công ty. Hiện nay, cùng với việc giảm bớt cửa hàng bán trực tiếp là sự gia tăng các gian hàng online của DBFOOD.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 4

Tương tự, nếu không nhờ chuyển đổi số, Vương Thị Thương, cô gái dân tộc Tày Nùng và các thành viên trong HTX nông sản Toàn Thương từ Lạng Sơn sẽ khó có thể đưa thương hiệu trái hồng Vành Khuyên vươn xa. Được trồng tại các hộ dân trên địa bàn theo phương pháp hữu cơ, trái hồng qua chế biến với sự trợ giúp của khoa học công nghệ trở thành sản phẩm Hồng Kem có hương vị quyến rũ, được gắn mã định danh và truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, sản phẩm hồng Vành Khuyên treo gió đã có mặt tại thị trường miền Bắc theo các kênh phân phối trực tiếp hay qua kênh online như facebook, zalo, các sàn thương mại điện tử... đến với khách hàng của 63 tỉnh thành và nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan...

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 5
Chuyển đổi số đã giúp Vương Thị Thương - Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương đưa trái hồng đi xa tới 63 tỉnh thành và ra quốc tế.

Với chị Lộc Thị Chanh, một nữ doanh nhân đến từ tỉnh Bắc Cạn, chuyển đổi số cũng đã giúp doanh nghiệp của chị vượt qua nhiều thách thức. Đó là vào năm 2021, chị Chanh thành lập Hợp tác xã (HTX) Bánh gio Bắc Kạn, một loại bánh truyền thống độc đáo của dân tộc Tày ở miền Bắc Việt Nam. Ban đầu, bánh gio chỉ được làm vào những dịp lễ hội đặc biệt như Tết Nguyên đán Việt Nam, nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, sản phẩm này đã có thể tiếp cận khách hàng quanh năm. Thời gian đầu chuyển đổi số, chị Chanh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như kỹ năng kỹ thuật số còn khá yếu trong khi công nghệ tiến bộ từng ngày. Chị gần như không có kinh nghiệm cập nhật sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội...

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 6

Thế rồi, dần dần, chị nỗ lực học hỏi, áp dụng công nghệ số vào kinh doanh. Ban đầu, bánh của chị được bán online từ Bắc Kạn, ở khu vực miền Bắc, nhưng từ khi HTX hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội, đã có nhiều đơn đặt hàng đến từ miền Nam. Nhu cầu tăng cao này đánh một dấu mốc quan trọng đối với doanh nghiệp của chị. Năm 2023, chị đã có bước nhảy vọt để mở rộng thị trường tới TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, HTX của chị sản xuất khoảng 10.000 chiếc bánh mỗi ngày, phục vụ cho cả thị trường địa phương và toàn quốc. HTX cũng tạo việc làm với thu nhập ổn đinh cho 14 phụ nữ trong thôn.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 7

Có thể thấy rằng, bối cảnh mới với các vấn đề nảy sinh liên quan đang có nhiều tác động tiêu cực tới phụ nữ và công tác bình đẳng giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ sẽ hoàn toàn chịu bất lợi.

Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra cơ hội mới để nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ. Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cộng sự phân tích: Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Theo Liên hợp quốc, nếu được tiếp cận nguồn lực tương đương với nam giới, phụ nữ có thể tăng sản lượng nông nghiệp từ 20 - 30%, từ đó tăng tổng sản lượng nông nghiệp từ 2,5 - 4% và giúp giảm đói nghèo trên thế giới từ 12 - 17%. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số... cũng sẽ giúp cho phụ nữ nâng cao khả năng thích ứng và có được các cơ hội mới. Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ đã tìm ra các cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt qua hình thức trực tuyến, qua đó được tăng cường khả năng tiếp cận với công nghệ hoặc các giải pháp kỹ thuật số và thương mại hiện đại.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 8

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, phụ nữ Việt Nam ngày càng có cơ hội và điều kiện thể hiện vai trò quan trọng trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật và thành tựu của chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp phụ nữ có thể tiếp cận với công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Triển lãm trực tuyến “Không gian cam” do Hội LHPN Việt Nam thực hiện vào năm 2021 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đây là minh chứng về việc Hội Phụ nữ đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động Hội. Năm nay, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai Triển lãm trực tuyến với chủ đề “Cùng chung tay - Cùng thay đổi”. (nguồn: facebook Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)

Phụ nữ có thể tham gia vào nhiều công việc khác nhau nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin mà thời kỳ chuyển đổi số mang lại. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giúp hình thành các tổ, nhóm để phụ nữ tham gia vào các công việc chung của xã hội, của đất nước. Có những lĩnh vực, ngành nghề trước đây thường chỉ dành cho nam giới, tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề đặc thù đó, thậm chí đóng vai trò là nhà lãnh đạo, quản lý.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 9
Việc kết nối, chia sẻ thông tin giúp hình thành các tổ, nhóm để phụ nữ tham gia vào các công việc chung của xã hội, của đất nước.

TS.Nguyễn Thị Tuyết Minh, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, kỷ nguyên số hiện nay xét ở mặt tích cực có thể mang đến nhiều cơ hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng. Chuyển đổi số cung cấp các công cụ và nền tảng mới để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. Các chiến dịch truyền thông trực tuyến, ứng dụng di động và các khóa học trực tuyến có thể tiếp cận một lượng lớn phụ nữ, bao gồm cả những người ở vùng sâu vùng xa. Các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến như đường dây nóng, tư vấn trực tuyến và các nhóm hỗ trợ... có thể giúp nạn nhân của bạo lực giới tiếp cận sự trợ giúp một cách an toàn và thuận tiện. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập và phân tích dữ liệu nhạy cảm giới, hỗ trợ việc xây dựng chính sách và chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 10

Chuyển đổi số có thể mở ra những cơ hội mới cho phụ nữ, giúp họ vượt qua các rào cản truyền thống và đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm gì để có thể hạn chế thách thức và tận dụng được các cơ hội để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 11

Các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhóm hoạt động xã hội đã thiết lập các trang mạng xã hội, fanpage, kênh Youtube để chia sẻ thông tin, kiến thức về bình đẳng giới, luật pháp liên quan và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực. Các chiến dịch truyền thông trực tuyến với thông điệp ngắn gọn, hình ảnh sinh động, video clip hấp dẫn được triển khai rộng rãi, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Các diễn đàn trực tuyến, nhóm hỗ trợ trên mạng xã hội tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để xử lý các nội dung vi phạm pháp luật, gỡ bỏ các thông tin sai lệch, kích động bạo lực, quấy rối tình dục.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 12
Hội LHPN tỉnh Bình Phước đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

“Chuyển đổi số rõ ràng mang đến cơ hội lớn cho bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Để phát huy lợi thế của chuyển đổi số, Việt Nam cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tác hại của bạo lực giới trong môi trường số; Trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn, hiệu quả, nâng cao năng lực số cho phụ nữ và trẻ em gái; Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực giới trong môi trường số, xử lý nghiêm các vi phạm; Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm; Ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới như ứng dụng di động cung cấp thông tin và hỗ trợ nạn nhân. Những giải pháp này góp phần xây dựng xã hội số bình đẳng, an toàn cho mọi người”, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh phân tích.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 13
Đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đánh giá, thúc đẩy bình đẳng giới trong chuyển đổi số là cần thiết. Bình đẳng giới trong chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Theo đó, lồng ghép giới trong chuyển đổi số cần được thực hiện thông qua việc thiết lập mục tiêu về bình đẳng giới trong chuyển đổi số và lồng ghép giới trong mọi hoạt động, mọi chương trình chuyển đổi số.

Cũng như bình đẳng giới là mục tiêu trọng tâm xuyên suốt trong phát triển bền vững, chuyển đổi số cần có mục tiêu riêng về bình đẳng giới. Mọi hoạt động trong chuyển đổi số, theo Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) (2024) cần quan tâm tới ba khía cạnh cơ bản: (1) Không tạo ra bạo lực trên cơ sở giới và phân biệt đối xử theo giới; (2) Tăng cường việc mở rộng cơ hội giáo dục, cơ hội kinh tế, và khả năng tiếp cận công bằng của đối tượng hưởng lợi tới các nguồn lực, nguồn lợi ích do công nghệ số tạo ra; (3) Tăng cường tiếng nói và sự hiện diện của phụ nữ trong các quyết định về chuyền đổi số ở cáp độ cá nhân, gia đình và xã hội.

Theo TS Dương Kim Anh, chuyển đổi số yêu cầu sự gắn kết và sự chung sức, đồng lòng cùng sự sáng tạo, giúp cá nhân và tổ chức thích ứng với bối cảnh và thu hẹp khoảng cách giới, giảm thiểu các rào cản giới trong chuyển đổi số.

Kỳ 3: Tìm cơ hội trong thách thức, đẩy mạnh bình đẳng giới trong chuyển đổi số - ảnh 14

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024 – Cổ đông Masan Consumer đón loạt tin vui, nhận “mưa” cổ tức

Năm 2024 – Cổ đông Masan Consumer đón loạt tin vui, nhận “mưa” cổ tức

(PNTĐ) - Năm 2024, cổ phiếu MCH của Masan Consumer đã tăng điểm ấn tượng từ mức 89.200 đồng/cổ phiếu lên mức gần 220.000 đồng/cổ phiếu (Giá đóng cửa ngày 22/11). Mức tăng giá này đã giúp MCH đạt vị trí dẫn đầu top công ty tiêu dùng có giá trị vốn hóa cao nhất tại Việt Nam. Doanh nghiệp đã chi trả cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 268% và dự kiến sẽ IPO trong năm 2025.
Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới

(PNTĐ) - Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và chính bản thân phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cần giải quyết như bệnh tật, định kiến giới, phân biệt đối xử trong gia đình, ngoài xã hội, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và việc làm, bạo lực giới có chiều hướng gia tăng...