Nhiều xúc cảm trong hành trình vì hòa bình của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Được ví như "Hậu duệ mặt trời" phiên bản đời thực, Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hoà bình là cuốn sách được chấp bút bởi nhà báo Nam Kha, qua lời kể của Trung uý Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc Nguyễn Sỹ Công, Công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách chúng ta hơn 8.500km, và nội chiến vẫn xảy ra hằng ngày.

Chọn lên đường và dấn thân, chàng quân nhân Việt Nam - Trung uý Nguyễn Sỹ Công khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, đã truyền đi cảm hứng về hoà bình và hy vọng. Tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hành trình của Nguyễn Sỹ Công không chỉ hoàn thành công việc chữa bệnh cứu người mà còn vẽ dáng hình đất nước, mang nụ cười đến cho trẻ em và người dân Phi châu.

Nhiều xúc cảm trong hành trình vì hòa bình của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - ảnh 1

Cuốn sách được chia thành nhiều chương, gồm lời kể và hình ảnh về cuộc sống công việc, sinh hoạt của quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Nếu đói nghèo và gian khổ chiến tranh mà ông cha ta trải qua đã lùi xa bởi thời gian, thì những câu chuyện của Nguyễn Sỹ Công là minh chứng sống động giúp bạn hình dung rõ nét hơn về cuộc sống nơi chiến tuyến, nơi mọi hiểm nguy luôn rình rập hằng giờ. Ở đó, điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, đời sống và sinh hoạt đều thiếu thốn.

Những người lính không trực tiếp cầm súng, họ vẫn có một cách riêng để gìn giữ hoà bình: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực. Sẽ có lúc, bạn đọc ngời ngời khí thế tự hào khi tác giả kể về hình ảnh lá cờ Tổ quốc: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên Hợp Quốc. Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia đã từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên Hợp Quốc đem hoà bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”.

Để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh tổ quốc trong lòng bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất, mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào” - Nguyễn Sỹ Công tâm niệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Không ồn ào, không phô trương nhưng vẫn đủ sức nặng để tạo nên những nét chấm phá cho cuộc đời. Chọn lấp lánh theo một cách riêng, hành trình của Trung úy Nguyễn Sỹ Công tiên phong cho một tuổi trẻ dám dấn thân và trải nghiệm vì lý tưởng hòa bình và sự tiến bộ của thế giới. Trong những trang sách, qua lời kể và hình ảnh, nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt anh cùng đồng đội. Tất cả như liều thuốc diệu kỳ, xóa tan những nhọc nhằn và căng thẳng nơi chiến tuyến.

Vẽ dáng hình đất nước với bạn bè năm châu

Giữa bao la xám xịt và đắng ngắt của nghèo đói lẫn nội chiến, bức tranh Châu Phi vẫn lấp lánh hạnh phúc bình dị từ những sứ giả hoà bình Việt Nam. Những anh hùng không mặc áo choàng đã lan tỏa về hình ảnh một Việt Nam kiên cường bất khuất, nhưng cũng rất đỗi thân thương. Trong khu căn cứ, trên những cột cờ hay trong các chương trình thiện nguyện, hình ảnh quân nhân Việt Nam qua mắt bạn bè quốc tế là: Tích cực trong các buổi hội thao, diễu hành quân sự, trao đổi nghiệp vụ, tập huấn chung với các quốc gia khác để học hỏi lẫn nhau…

Nhiều xúc cảm trong hành trình vì hòa bình của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - ảnh 2

Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh từ Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh, thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười và thấy hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ qua những hành động đẹp. Và ở nơi cách xa hàng vạn dặm, dáng hình đất nước vẫn hiện rõ nét qua những bộ trang phục áo dài, Tết Việt Nam trong căn cứ quân sự, tiếng hô vang “Chào cờ”, những cuộc thiện nguyện ở trường học hay làng mạc vẫn được tích cực thúc đẩy. Sỹ Công cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến những trẻ em, những công dân nhí Nam Sudan.

“Hoà bình không phải là một khái niệm quá xa vời hay lớn lao, nó xuất phát từ những điều bé nhỏ giữa con người với con người hằng ngày. Chỉ cần chúng ta đối xử với nhau bằng tất cả sự chân thành, biết sẻ chia thì sẽ hiểu được nhau, từ đó mới có thể đi chung hướng. Và quan trọng không kém, nếu xem hoà bình là một hạt giống, thì nó nên được gieo vào lòng trẻ thơ. Các em sẽ bảo vệ, chăm sóc hạt giống ấy bằng tất cả sự trong sáng vô vị lợi. Và cứ như thế, hạt giống hoà bình sẽ lớn lên, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác” - Chàng trung uý trẻ bộc bạch.

Nam Kha, người chấp bút cho cuốn sách chia sẻ: “Tôi chủ động nhắn tin liên hệ, mong muốn Sỹ Công kể cho mình nghe nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ xa xôi, cách quê nhà Việt Nam hơn 8.500 ki lô mét. Nghe và ghi chép - trước là để thỏa chí tò mò, thích tìm hiểu khám phá ở vai trò một nhà báo, và sau là viết lại để chia sẻ cho độc giả trẻ khắp nơi, hy vọng sẽ phần nào trả lời được câu hỏi “hoà bình là gì?”, từ đó góp phần hun đúc tình yêu đất nước trong trái tim mỗi người trẻ chúng ta”.

Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần một nghìn chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hoà Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Hành trang khởi bước là niềm tin, quyết tâm vì sứ mệnh của tổ quốc, nhưng hành trang trở về của những người lính mũ nồi xanh chắc chắn sẽ “nặng ký” hơn bởi tình cảm từ những công dân sở tại cùng bạn bè quốc tế. Trên chuyến bay hồi hương, anh cùng đồng đội đã để lại mảnh đất châu Phi âm sắc tiếng Việt, giai điệu, màu cờ sắc áo và những mến thương “đi dân nhớ, ở dân thương”. Chàng bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một phiên bản khác - trưởng thành và chín chắn hơn.

Gieo một ước mơ, một lý tưởng công việc hay một cảm hứng sống đẹp từ trang sách vốn là điều không xa lạ. Hành trình trong Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hoà bình mở ra và truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Ở phần kết cuốn sách, chàng trung úy trẻ bật mí đã nhận được quyết định tiếp tục công tác tại Nam Sudan. Một cái kết có hậu nhưng cũng hứa hẹn mở ra hành trình tươi đẹp tiếp theo. Tin rằng, sau khi đặt cuốn sách xuống, sẽ có một thế hệ tân binh tình nguyện đăng ký lên đường, đến vùng tâm bão. Tất cả vì niềm tin vào một thế giới hòa bình trên mảnh đất Phi Châu từ những công dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Tin cùng chuyên mục

“Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng“: Tác phẩm kinh điển về mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng

“Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng“: Tác phẩm kinh điển về mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng

(PNTĐ) -  Hoạ sỹ, tác giả người Anh Robert Beer đã biên soạn nhiều cuốn sách về nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Trong đó, Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng là ấn phẩm đầy đủ, được biết đến nhiều nhất của ông. Cuốn sách không những hệ thống hóa các hình tượng trong nghệ thuật Phật giáo, mà còn cung cấp bối cảnh lịch sử và văn hóa xung quanh mỗi chủ đề, tóm lược nguồn gốc và tiến trình phát triển về dạng hình và ý nghĩa. Đây là tác phẩm kinh điển không chỉ cho những người quan tâm tới Phật giáo Kim Cương Thừa, văn hóa Tây Tạng, mà còn dành cho giới họa sỹ, nhà thiết kế và bất cứ ai đang hướng về phương Đông để đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
“Khởi nguyên của vũ trụ - Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa“: Cuốn sách về nguồn gốc của vũ trụ

“Khởi nguyên của vũ trụ - Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa“: Cuốn sách về nguồn gốc của vũ trụ

(PNTĐ) - Từ ngàn xưa, con người vẫn thường tự đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình trong vũ trụ: "Ta đến từ đâu?" hay "Ta là ai trong vũ trụ này?". Bởi chủ đề khởi nguyên vẫn luôn mê hoặc con người bởi nhiều lý do, cả lý trí và cảm xúc. Chúng ta khó có thể hiểu được bản chất của bất kỳ điều gì nếu không biết nó đến từ đâu. Trong tất cả những câu chuyện được nghe, câu chuyện về nguồn gốc nhân loại có sức cộng hưởng lớn nhất với chúng ta.
“TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO“: Cuốn sách giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ

“TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO“: Cuốn sách giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ

(PNTĐ) - Cuốn sách được viết bởi 3 tác giả đều là những nhà nghiên cứu Phật học uy tín ở Đại học Oxford, cuốn sách giới thiệu tổng quan về tư tưởng và triết lý Phật giáo, đồng thời mô tả và đối chiếu các trường phái tư tưởng khác nhau, là một cuốn sách có giá trị trong nghiên cứu tôn giáo, thần học, văn hóa và triết học.