Trao quyền năng chính trị cho phụ nữ: Bước ngoặt 78 năm, cơ hội bình đẳng giới
Bài 3: Huy động nguồn lực, chuyển biến nhận thức và hành động
(PNTĐ) - Gần 4 thập kỷ sau đổi mới, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và có thu nhập cao năm 2045, Việt Nam cần huy động toàn diện các nguồn lực trong đó có vai trò của phụ nữ, để đi vào một quỹ đạo phát triển cao hơn, bền vững hơn.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tìm ngọc trong nữ” diễn ra ngày 29/10 vừa qua, tại Viện Goethe Hà Nội, bà Serap Güler, thành viên Quốc hội Liên bang Đức khẳng định: "Phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương những nhiệm vụ quan trọng trong Quốc hội, việc phụ nữ cầm quyền và trở thành thủ tướng là điều rất bình thường". Bà Serap Güler viện dẫn câu chuyện về cựu nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức-Angela Merkel, người có sức ảnh hưởng không chỉ với nước Đức nói riêng mà còn cả Liên minh Châu Âu và thế giới. Bà Angela Merkel đã có đóng góp quan trọng vào những dấu ấn, sự kiện quan trọng của toàn cầu như khủng khoảng tài chính, khủng hoảng người di cư…
Cho rằng những định kiến, rào cản về việc phụ nữ tham chính vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh nói “Thậm chí, có những lời khen dành cho phụ nữ vẫn ẩn chứa định kiến của xã hội”. Bà Ninh dẫn giải: "Phụ nữ thường được khen là tỉ mỉ, giải quyết rất tốt những công việc cụ thể. Nhưng ẩn ý đằng sau là nói chị em thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Trên thực tế, thông điệp cơ bản là chỉ có nam giới mới làm chiến lược còn chị em chỉ làm sách lược. Thành thử, định kiến trong xã hội vẫn còn". Theo bà, vấn đề đặt ra là cần thay đổi tư duy và hành động.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh, cán bộ nữ lãnh đạo ngoài những trách nhiệm, khó khăn, áp lực chung như nam giới còn có những khó khăn riêng như công việc gia đình, định kiến giới vẫn còn tồn tại.
Cũng cho rằng khó khăn lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt vẫn là định kiến xã hội về giới, theo bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), có một bộ phận chị em phụ nữ cũng còn tự ti, an phận, ngại xông pha vào những công việc có nhiều thách thức dù là số lượng này ngày càng giảm.
Điều này đã được đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đại biểu nữ phải cân bằng trách nhiệm với gia đình và công việc, đồng thời đáp ứng kỳ vọng từ phía cử tri về việc đưa ra các ý kiến và sáng kiến có chiều sâu và tính thực tiễn. Bên cạnh đó, khi làm việc trong môi trường nghị trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, áp lực công việc lớn, nên các nữ đại biểu cũng cần khẳng định năng lực của mình để vừa đáp ứng sự kỳ vọng từ người dân, vừa tạo dựng niềm tin trong các quyết sách lớn. Điều này đòi hỏi sự tự chủ, tinh thần trách nhiệm và khả năng điều phối linh hoạt để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
“Họ không chỉ có tiếng nói mạnh mẽ trên nghị trường mà còn có thể thúc đẩy những thay đổi tích cực trong chính sách, nhất là trong các vấn đề về bình đẳng giới, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Đây cũng là một cơ hội quý báu để các nữ đại biểu phát huy hết khả năng và thế mạnh của mình.”- đại biểu Sơn nói.
Cuộc cách mạng mới nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn đang được triển khai quyết liệt với sự “tổng chỉ huy” là Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ và Quốc hội đều thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trưởng ban chỉ đạo ở Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban chỉ đạo ở Quốc hội là Chủ tịch Trần Thanh Mẫn.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” thì: “… việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo… Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý…”.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ trong khuôn khổ đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký ban hành kế hoạch tinh giản biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến năm 2026 trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện). Theo đó, lộ trình UBND tỉnh Quảng Nam tinh giảm biên chế khối chính quyền đến năm 2026 với mục tiêu tinh giảm 158 công chức (tương đương giảm 5%) so với năm 2021 và giảm 2.989 viên chức (tương đương 10%) so với năm 2022.
Trong cuộc cách mạng mới về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cũng là thách thức không nhỏ đối với mỗi nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, các nữ cán bộ cấp uỷ, cán bộ chủ chốt, làm sao để “đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh” như Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra.
Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, kết nối, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đột phá về tư duy; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải gắn bó chặt chẽ và phát huy hiệu quả thông qua đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Từ thực tiễn cho thấy xu thế phụ nữ tham gia chính trị là rất cần thiết, vừa bảo đảm tiếng nói đại diện, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nữ giới, cũng khẳng định rằng nếu không có sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống thì xã hội không thể có được phát triển bền vững.
Mặc dù đặc thù công việc ngành tư pháp rất nặng nề và áp lực, các chị em phụ nữ vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đảm đương trách nhiệm gia đình. Ban lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, giúp họ ngày càng khẳng định vị trí và năng lực của mình. Điều này đã đóng góp quan trọng vào sự thành công và thắng lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp. Trong từng giai đoạn, Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Từ năm 2011 đến nay, đã có 3 Kế hoạch được ban hành và gần đây nhất là Kế hoạch được ban hành năm 2021 để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030, các chỉ tiêu về Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tiếp tục được các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm thực hiện. Hiện thành phố Hà Nội đang có các nữ lãnh đạo chủ chốt như: Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang; Giám đốc Sở Lao động – TB&XH Bạch Liên Hương…
Thời gian tới, quận Ba Đình phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền cấp quận, phường có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy. Bày tỏ niềm phấn khởi về đội ngũ cán bộ nữ ở quận tương đối cao, bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho hay, các cấp uỷ quận đã rất quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đủ, vượt tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ các cấp, bố trí cho các chị em đảm nhận các chức danh chủ chốt ở hệ thống chính trị cấp phường, các phòng, ban ngành, đoàn thể. “Phụ nữ giữ các vị trí trong bộ máy chính trị luôn ý thức được vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm lớn lao của mình, vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm, đặc biệt là phẩm chất, xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân và được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách”- bà Liên chia sẻ.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, với sự nhạy bén và tinh tế, các nữ đại biểu thường đưa ra những giải pháp có tính nhân văn cao, sát với đời sống của nhân dân, từ đó góp phần xây dựng giá trị bền vững. Các nữ đại biểu hiện nay đang khẳng định được bản lĩnh và năng lực, trở thành những đại diện đáng tin cậy cho tiếng nói của cử tri và đóng góp mạnh mẽ vào một Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện đại, tiến bộ, gần gũi hơn với nhân dân.
Đối với “người trong cuộc”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chia sẻ: Để vượt qua được những thách thức, mỗi nữ đại biểu dân cử phải rất bản lĩnh và cố gắng hoạt động tích cực, cống hiến cho công việc và sự nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh, đối với cán bộ của Hà Nội, trong đó có cán bộ nữ, mỗi đồng chí phải không ngừng cố gắng rèn luyện về phẩm chất đạo đức, về bản lĩnh, thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng, xây dựng các mối quan hệ hài hoà, thực hiện kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành uỷ Hà Nội, ứng xử đẹp, thanh lịch văn minh theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TU.
Tư lệnh ngành Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà từng nói: “Chưa bao giờ công tác cán bộ lãnh đạo nữ có được cơ hội tốt như bây giờ để rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành”, và mong muốn chị em tiếp tục phát huy phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, tự tin, tự trọng, tự hào, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực công tác, xứng đáng với việc quy hoạch và bố trí xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn phụ nữ Việt Nam hãy không ngừng phát huy truyền thống và phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, anh hùng, bất khuất, đảm đang, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên; không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. “Hãy không ngừng nỗ lực để trở thành người phụ nữ thời đại mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lan tỏa tình cảm, sự ấm áp trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, góc phố, xóm thôn, bản làng, tạo nên bức tranh đẹp, giàu bản sắc riêng có của Phụ nữ Việt Nam anh hùng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn các nữ đại biểu Quốc hội, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, trở thành một khối vững mạnh; phát huy cao độ trí tuệ, trách nhiệm, nhiệt huyết, tài năng và bản lĩnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Bước vào công cuộc cách mạng mới – tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đối với phụ nữ tham chính (nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, nữ cán bộ, cấp uỷ) càng cần phải nâng cao năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng là cơ hội để những người nữ được Đảng, Nhà nước, nhân dân trao quyền năng chính trị được thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần vì nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng mà gần 95 năm Đảng ta, hơn 78 năm hình thành và phát triển Quốc hội và nhân dân gửi trao sứ mệnh, đặt nhiều kỳ vọng, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.