Hội LHPN quận Hoàn Kiếm tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
(PNTĐ) - Sáng 2/4/2025, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ trên địa bàn năm 2025. Đây là một trong những hoạt động được Hội Phụ nữ triển khai thực hiện Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ" năm 2025.
Tại hội nghị, các đại biểu, cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được nghe báo cáo viên đồng chí Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng ban Chính sách Luật pháp Hội LHPN Hà Nội tuyên truyền, phổ biến những nội dung về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, đại biểu được tìm hiểu, nâng cao kiến thức, những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, các hành vi bị coi là bạo lực gia đình lên 16 hành vi và sửa đổi một số hành vi gồm: Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc (là thành viên gia đình); không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình học tập....

Một trong những điểm mới của Luật tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã bổ sung thêm một số đối tượng cũng áp dụng các hành vi bị coi là bạo lực gia đình gồm: Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ....
Bên cạnh đó, điểm mới trong Luật được các cán bộ hội viên phụ nữ lắng nghe để kịp thời tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và người dân đó là Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải tham gia phục vụ công ích theo danh mục công việc do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận và quyết định, tổ chức.




Ngay sau phần tuyên truyền trực tiếp của báo cáo viên, tại hội nghị các đại biểu đã được tham dự Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về Phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em với vụ án "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" theo Điều 145 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hoạt động đổi mới của Hội LHPN quận Hoàn Kiếm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em là mở Phiên tòa giả định được dựng lại theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự dưới hình thức sân khấu hóa.

Phiên tòa giả định với đầy đủ thành phần gồm: Thẩm phán - chủ toạ phiên toà, 2 hội thẩm nhân dân, đại diện viện kiểm sát, thư ký phiên toà, người bị hại, bị cáo, người làm chứng và người bào chữa…
Tình huống giả định là phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đình Hiếu với tội danh “Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Theo cáo trạng, bị cáo Hiếu thông qua mạng Facebook có quen biết với cháu Đặng Trâm Anh, sinh năm 2011, hai bên thường xuyên nói chuyện, nhắn tin qua lại và nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương. Hiếu đã nhiều lần quan hệ tình dục với cháu Đặng Trâm Anh. Và sau đó còn tiếp tục phát sinh thêm nhiều lần nữa. Khi phát hiện Trâm Anh mang thai, Hiếu về bàn bạc và xin với bố đẻ đến nhà Trâm Anh để bàn chuyện ăn hỏi và nói rằng sau đó vẫn tiếp tục để Trâm Anh đi học bình thường. Trâm Anh miễn cưỡng bằng lòng. Hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới, nhưng không đăng ký kết hôn, vì lý do chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Sau đám cưới, cháu Trâm Anh chuyển đến nhà của Hiếu để sinh sống. Tuy nhiên, Trâm Anh đã không được đi học như lời hứa. Trâm Anh còn bị Hiếu có hành vi bạo lực, cưỡng ép quan hệ tình dục. Trâm Anh đi tố giác sự việc với nhà trường, hiệu trưởng nhà trường vô cùng bức xúc, đã làm đơn tố giác hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi Hiếu tới cơ quan công an. Hành vi của bị can Hiếu đã phạm vào tội: “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, theo quy định tại điểm a,d khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, bị cáo Hiếu đã bày tỏ sự ăn năn, hối hận về hành vi của mình và Hội đồng xét xử đã tuyên phạt xử bị cáo Hiếu mức án 3 năm tù.

Với cách thể hiện gần gũi, dễ hiểu, tình huống giả định thực tế, phù hợp đã giúp hội viên phụ nữ nhận thức rõ về tính nghiêm minh của pháp luật, cách ứng xử trong gia đình, để từ đó phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Qua vụ án này, đã phản ánh một vấn nạn về tảo hôn cũng như tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc, nâng cao hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật cộng đồng, thông qua công tác xét xử, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật một cách rộng rãi, thường xuyên và hiệu quả.