70 năm Hà Nội khắc ghi lời Bác dạy
(PNTĐ) - Sau khi Hà Nội được giải phóng, ngày 16/10/1954, tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Người nói: “…tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta”. Nhớ lời dạy của Bác, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã luôn nỗ lực xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội để có một Hà Nội của hôm nay.


Vua Lý Thái Tổ từng nhận xét vùng đất Đại La: “Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thánh địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước…”. Trải qua chặng đường dài hơn nghìn năm tuổi với nhiều tên gọi Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành và từ 1831 đến nay là Hà Nội, nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cận hiện đại và chứng kiến những thăng trầm của đất nước.
Bắt đầu bằng buổi lễ Độc Lập 2/9/1945, Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Hơn 50 vạn người có mặt tại quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Nhưng gần 30 vạn quân đội nước ngoài dồn dập kéo vào nước ta dưới danh nghĩa Đồng minh tước vũ khí quân Nhật! Cách mạng Việt Nam đứng trước một tình thế cực kỳ hiểm nguy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt, linh hoạt giải quyết kịp thời, hiệu quả đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn. Bên cạnh những giải pháp đối phó với nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm như phong trào hũ gạo cứu đói, tăng gia sản xuất, mở các lớp bình dân học vụ, lấy ngoại giao để bảo vệ hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo gặp gỡ rộng rãi các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các tỉnh: ““…1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công. 2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị. 3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ... “. Người cũng quan tâm tới thanh niên: “… phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc... ".

Trước khi tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ lời với đồng bào Hà Nội: “…Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định.….”. Và Người đã trúng cử với 98,4% số phiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo để có thời gian chuẩn bị cho kháng chiến. Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký tại Hà Nội, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng. Trước khi đi, Người nói với đồng bào Thủ đô: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân...”.

Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tạm ước 14-9-1946 để cứu vãn nền hòa bình. Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ga Hàng Cỏ. Hàng vạn nhân dân Hà Nội hân hoan đón Người. Tuy chúng ta đã nhún nhường nhưng với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp vẫn lấn tới, liên tiếp gây ra xung đột để phát động chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 20 giờ 03 phút tối 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên "thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi, động viên chiến sĩ Hà Nội: “… Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”. Người khuyên nhủ các cháu nhi đồng công giáo: “…- Biết giữ kỷ luật.- Siêng học, siêng làm.- Yêu Chúa, yêu nước”. Người dặn dò Trung đoàn Thủ đô: “…Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin. Như thế nhất định thắng lợi...”. Người động viên đội du kích Hà Nội: “…Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa...”. Người khen nữ chiến sĩ du kích Sơn Tây: “… Bác thưởng cháu 1 chiếc khăn tay”, hay các chiến sĩ địa phương Hà Đông: “... Bác gửi lời thân ái khen các chú và khuyên các chú học tập kinh nghiệm trong trận vừa qua, ra sức củng cố lực lượng của mình, để tranh lấy thắng lợi mới to hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Sau khi Hà Nội được giải phóng, ngày 16/10/1954, tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Người nói: “…tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta".
Lúc mới về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tạm căn phòng số 14 trong nhà thương Đồn Thuỷ. Đến tháng 12/1954, Người chuyển về ở tại một ngôi nhà nhỏ của công nhân điện trong khu Phủ Toàn quyền cũ (nay là Khu di tích Phủ Chủ tịch), Người đã sống và làm việc tại đây trong 15 năm. Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều gian đến với Nhân dân, chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp. Người đi thăm các trường phổ thông và các lớp bình dân học vụ và nói rõ tại Đại hội giáo dục: Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Người căn dặn: Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, phát triển Thủ đô: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Tuy lúc đó kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng Người vẫn khẳng định: “chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Ngày 29/8/1958, dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về quy hoạch sông Hồng và mở rộng Hà Nội, Người yêu cầu: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hoà (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí...”
Từ năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc và Hà Nội. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo và tổ chức Nhân dân sơ tán. Người gửi quà cho các cháu nhà trẻ và động viên, khen thưởng các chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ Thủ đô. Người đã dùng tiền tiết kiệm từ nhuận bút của mình mua nước uống cho các chiến sĩ phòng không. Được sự quan tâm của Người và Trung ương Đảng, dù chiến tranh phá hoại ác liệt, quân dân Hà Nội vẫn vững vàng trong tuyến lửa, kiên cường đánh trả kẻ thù, bắn rơi hàng trăm máy bay, bắt nhiều giặc lái…
Trước khi đi xa cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại Tài liệu tuyệt đối bí mật (Di chúc) cùng với muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam cũng như Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn tới những tầm cao mới.

Đất Thăng Long kinh kỳ xưa đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch, văn hiến, là nơi lắng đọng hồn núi sông ngàn năm thiêng liêng và là đất hội tụ nhân tài của quốc gia đang vững bước trở thành biểu tượng của “niềm tin và hy vọng”, cùng cả nước quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, nhìn lại 70 năm phấn đấu hy sinh, xây dựng và phát triển, Hà Nội và nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu của chúng ta, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Hà Nội hiện đang cùng cả nước nỗ lực thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030: "Phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao"; quyết tâm thực hiện thắng lợi di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Thủ đô Hà Nội ngày nay được bạn bè thế giới biết đến như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn bởi sự trách nhiệm của chính quyền, thân thiện của người dân và sự phong phú, đặc sắc của văn hoá. Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà nội và vinh danh Hà nội là "thành phố vì hoà bình", "thành phố sáng tạo"…
Văn hoá và các nguồn lực về văn hoá ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, địa phương trong xã hội hiện đại. Với lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung di sản văn hóa lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, có cơ hội đánh giá, xác định thêm các di sản có khả năng được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Hà Nội là trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hoá phong phú của Trung ương trên địa bàn. Thủ đô Hà Nội là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài của cả nước.
Trong thời gian tới, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô Hà Nội phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội và tận dụng xu thế phát triển của thời đại để xây dựng và phát triển Thủ đô với quan điểm phát triển Thủ đô: - Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ đô sẽ tiếp tục tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Bên cạnh đó, bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hoá và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển.

Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Thủ đô trong mọi tình huống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu.