Xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh từ gia đình
Bài 1: Trưởng thành từ mái ấm gia đình
(PNTĐ) - Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Từ đó cho thấy, vai trò của gia đình quan trọng như thế nào. Để có thể xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, việc vun đắp, gìn giữ các giá trị tốt đẹp trong mỗi gia đình có vai trò rất quan trọng.
Được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình đầm ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc, rất nhiều người con Hà Nội đã trưởng thành, thành công trong sự nghiệp, sống tử tế. Dù có đi đâu làm gì, họ cũng luôn nhớ và biết ơn tổ ấm của mình.
__________________
Bà Trần Thu Dung là tiến sĩ văn sử Pháp, Đại học Tổng Hợp Paris VII, nhà báo, nhà văn hóa, tác giả của nhiều công trình văn hóa có giá trị bằng tiếng Pháp và tiếng Việt được đánh giá cao. Lớn lên ở Hà Nội và ra đi từ Hà Nội, bà Dũng đã được hấp thụ nền tảng gia đình mang đậm chất Hà Nội. Mẹ của bà, giống như lớp lớp những người phụ nữ “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch” đã sẵn sàng từ bỏ mọi phú quý, chấp nhận gian khổ để tần tảo cùng chồng tham gia và ủng hộ kháng chiến, nuôi dạy các con thành người.
Bà chia sẻ: Mẹ tôi sống ở Hà Nội. Năm 9 tuổi, học trường Pháp, mẹ học giỏi, được thưởng cuốn từ điển Larousse nặng 2kg, mẹ lễ mễ đem về. Nhưng mẹ phải dừng học vì lối suy nghĩ phong kiến “phụ nữ là con người ta…”. Sau đó, mẹ được học thêm nữ công gia chánh để trở thành người phụ nữ “tề gia nội trợ’. Năm 1964, mẹ đưa đàn con đi sơ tán. Chồng đi kháng chiến, mẹ tần tảo nuôi đàn con với cửa hàng ăn nhỏ. Hồi đầu, mẹ mở cửa hàng xe đạp, em chồng theo cách mạng, đi rải truyền đơn ở chợ, bị lính Pháp rượt, chú chạy vào cửa hàng của mẹ. Mẹ lấy ngay quần áo bố tôi cho chú mặc, rồi chú giả vờ ngồi sửa xe, túi truyền đơn nhét vào cổng. Quân Pháp đến, nghĩ nhà buôn bán quen thuộc, lính kiểm tra qua loa rồi đi. Hú vía. Nhỡ lộ, mẹ bị bắt đàn con sẽ ra sao, bố chúng tôi lúc đó cũng đang vắng nhà để đi hoạt động cách mạng. Sau này chú tôi thường kể lại chuyện đó với con cháu, như một lời cảm ơn người chị dâu thông minh và can đảm.
Hòa bình, mẹ về lại Hà Nội, tìm chồng. Mẹ lếch thếch dắt 5 đứa con lóc nhóc với hai bàn tay trắng lập lại cuộc sống mới. Đất nước vẫn chia đôi, gia đình ly cách. Kẻ Nam, người Bắc. Mẹ tôi vốn là con quan, lấy bố tôi cũng là con một gia đình giàu có nổi tiếng ở Hà Tĩnh nhưng, mẹ giản dị đến mức không ai hình dung ra xuất thân của mẹ. Mẹ tôi không nề hà vất vả, xin làm thêm các công việc như bồi hộp giấy, dán phong bì, đan len để tăng thu nhập nuôi các con.
Kể về gia đình với người mẹ của mình, bà xúc động: Cảm ơn mẹ, cũng như cảm ơn những người phụ nữ Việt Nam, trong đó có phụ nữ Hà Nội một đời tần tảo vì nước vì gia đình. Trong chiến tranh, các mẹ, các chị đã góp sức xây dựng Thủ đô theo cách riêng, và bây giờ, các mẹ, các chị nhường lại cho thế hệ con cháu tiếp tục xây dựng và phát triển một Thủ đô "văn hiến, thanh lịch, văn minh, hiện đại".
Nhờ lời mẹ, sau khi định cư tại Pháp, bà vẫn luôn tâm niệm phải giữ nếp nhà Hà Nội cho con. Bà chia sẻ: Ở nước ngoài, việc giữ gìn gia đình truyền thống Việt không đơn giản do có sự khác biệt về lối sống, văn hóa. Nhiều trẻ em trong các gia đình Việt vẫn được thừa hưởng cả hai cách giáo dục Việt và Pháp. Tuy nhiên, với bà, dù có ở giữa xã hội hiện đại, có những giá trị truyền thống của gia đình không bao giờ được phai mờ, đó là hiếu đễ, lễ phép, sống nhân nghĩa, hiếu học và hướng về cội nguồn. Nhờ hấp thụ truyền thống tốt đẹp của gia đình, con gái bà, một tiến sĩ về Vật lý, thông thạo 4 ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Việt đã tình nguyện làm việc tại Hội Chữ thập đỏ Anh để giúp đỡ người yếu thế. Bà Dung còn tích cực tham gia góp sức xây dựng cộng đồng người Việt tại Pháp- “đại gia đình” của những người cùng chung cội rễ Việt. Một nhà văn Pháp là Franck Fouqueray từng bày tỏ sự thán phục: "Việt Nam chiến thắng nhiều giặc ngoại xâm là nhờ biết đoàn kết thành một đại gia đình khi đất nước lâm nguy. Còn trong thời bình, gia đình của người Việt là nơi đã đào tạo, nuôi dưỡng nên những công dân có đạo đức, trí thức”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy là nhà nghiên cứu dân tộc học, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cha ông là GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục giai đoạn 1946-1975 và mẹ là họa sĩ Vi Kim Ngọc. Ông Huy kể: “Cha mẹ tôi sinh thời sống rất hòa thuận, yêu thương nhau, có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là quan tâm đến giáo dục con cái. Cha mẹ còn lấy bản thân mình để làm gương cho các con. Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng cha tôi không bao giờ lợi dụng quyền thế để mưu lợi. Mẹ tôi là người giữ lửa ấm và linh hồn của đại gia đình. Là mẹ của 4 người con, sau này còn có thêm các con rể, con dâu, rồi cả khi các cháu ra đời, mẹ luôn dung hòa các mối quan hệ, âm thầm ứng xử nhẹ nhàng với những gì chưa hài lòng và luôn khơi gợi điểm tốt ở các con/cháu. Khi trong nhà có việc, mẹ hỏi ý kiến và rất trân trọng nghe góp ý của con rể, con dâu”.
Nhờ được nuôi dưỡng dưới nếp nhà của cha mẹ mà ông và các chị gái đã lớn lên, trưởng thành, trở thành các trí thức như Phó giáo sư, Tiến sĩ hóa học Nguyễn Kim Bích Hà; Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ y khoa, thầy thuốc Nhân dân, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Nguyễn Kim Nữ Hiếu.
Là một trong những gia đình được tuyên dương tại Hội nghị Tuyên dương các gia đình truyền thống, gia đình văn hoá-hạnh phúc tiêu biểu của Thủ đô năm 2023 do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 26/6, bà Lã Thị Bích Nhung (thôn Ngọc Hồi, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) xúc động cho biết, gia đình bà luôn có ý thức trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bà Nhung là giáo viên nên có lối sống kỷ luật, tôn trọng và gìn giữ những giá trị đạo đức, lối sống tích cực, văn minh. Vợ chồng bà luôn cố gắng, nỗ lực trong quá trình công tác và trong cuộc sống. Trong nuôi dạy các con, vợ chồng bà Nhung rèn cho các con đức tính khiêm tốn, ham học hỏi và tích cực lao động, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh chị lớn làm gương cho các em. Vì thế, các con, cháu của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt, hai con gái của bà vinh dự là thủ khoa đầu ra Đại học, được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
“Cha mẹ là tấm gương cho con cái” - là điều mà vợ chồng ông Nguyễn Đức Long (phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) thực hiện suốt hơn 55 năm qua. Vợ chồng ông bà hiện sinh sống cùng gia đình con trai cả và 3 cháu nội. Ông bà đều công tác trong ngành quân đội (hiện đã về hưu), không chỉ mẫu mực trong lối sống mà còn cống hiến hết lòng cho sự nghiệp. 55 năm chung sống, vợ chồng ông luôn nhường nhịn, hoà thuận, làm tấm gương tiêu biểu cho con cháu học tập, noi theo. Ông dạy con phải ham học hỏi, bởi có học thì mới nên người, học giỏi thì mới làm nên được tài sản vật chất, đảm bảo kinh tế cho gia đình, ổn định xã hội và địa bàn dân cư. “Chúng tôi giáo dục con cháu phải có trách nhiệm yêu thương những người thân trong gia đình, chia sẻ với bạn bè lúc khó khăn, góp phần xây dựng một cộng đồng dân cư văn hoá, đẩy lùi tệ nạn xã hội” – ông Long nói.
Gia đình cụ Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) là gia đình 4 thế hệ với 39 thành viên cùng chung sống dưới 1 mái nhà. Hiện gia đình cụ có 11 con trai, con gái, con dâu, con rể, 15 cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể và 12 chắt. Tuy 4 thế hệ chung sống với cách sống, suy nghĩ khác nhau, nhưng các thành viên trong gia đình cụ luôn biết nhường nhịn, yêu thương nhau, tạo không khí vui vẻ, êm ấm, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Cụ dạy con cháu luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu nâng cao kiến thức, hiểu biết và trình độ năng lực, đáp ứng với xu hướng của xã hội. Đặc biệt, cụ dạy con cháu luôn có đạo đức, lối sống lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc… Bên cạnh đó mọi thành viên trong gia đình luôn cổ vũ, động viên các thành viên khác tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội.
“Gia đình tôi luôn giữ đoàn kết trong cộng đồng Tổ dân phố, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn khó khăn và lúc cần thiết khác. Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Các con tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan cũng thường xuyên tích cực tham gia các phong trào do địa phương tổ chức” – cụ Dụ nói. Dù tuổi cao, nhưng cụ Dụ là gương sáng để các con cháu học tập, noi theo.
(còn nữa)