Để du lịch Tây Bắc "cất cánh" sau đại dịch

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững

THU HÀ - MAI THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hợp tác, liên kết vùng, tỉnh, thành phố để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt hấp dẫn du khách đang là một xu hướng phát triển bền vững đã và đang được áp dụng nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng, liên kết vùng đang là một giải pháp hiệu quả cần được phát huy để phát triển du lịch bền vững.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 1

Hợp tác, liên kết vùng, tỉnh, thành phố để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt hấp dẫn du khách đang là một xu hướng phát triển bền vững đã và đang được áp dụng nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng, liên kết vùng đang là một giải pháp hiệu quả cần được phát huy để phát triển du lịch bền vững.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 2

Hiệp hội Du lịch Quốc tế đánh giá du lịch đã trở thành một ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Doanh thu từ du lịch đã vượt lên trên ngành ô tô, điện tử, sắt thép và ngành nông nghiệp. Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, du lịch được xác định là ngành công nghiệp không khói, thậm chí là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của địa phương.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 3

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Nhiều chuyên gia đánh giá Nghị quyết số 08 đã thật sự có ý nghĩa đối với sự phát triển của du lịch Việt nam. Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc tăng cường sự liên kết cũng đã được Nghị quyết nêu ra như một định hướng phát triển. Do đó, việc tạo ra sự liên kết để hướng đến sự phát triển bền vững được xem là xu hướng tất yếu hiện nay.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 4

Trao đổi về vấn đề này với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng các thể chế chính sách về phát triển du lịch cần chú trọng tới sự liên thông và liên kết giữa các ngành, các vùng để cùng phát triển du lịch. Theo ông Siêu, để huy động các nguồn lực và sự liên kết giữa các địa phương theo tính chất liên kết vùng cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương. Theo đó cần đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó có nghĩa chuỗi giá trị du lịch Việt Nam phải nằm trên hành trình khách đến Đông Nam Á và kết nối trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, du lịch Việt Nam mới gắn kết và đặt vào chuỗi kết nối du lịch trong phạm vi toàn cầu và phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã “bắt tay chiến lược” tạo nên sự liên kết để phát triển. Theo đó, nhiều vấn đề về liên kết vùng cũng đã được đưa ra bàn thảo, định hướng và ký kết.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 5

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 6

Tây Bắc không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh mà còn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hùng vĩ, khí hậu, địa chất, nền văn hóa để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn mà không vùng nào có được. Ở Tây Bắc có thể phát triển được rất nhiều sản phẩm du lịch nếu làm tốt việc liên kết vùng trong phát triển du lịch như: Du lịch cộng đồng-sinh thái, du lịch khám phá, trải nghiệm, mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng…

Hiện nay, liên kết du lịch đang là xu hướng được các địa phương các tỉnh Tây Bắc tích cực tham gia. Một số mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả. Có thể kể đến như mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ trong chương trình  Du lịch về nguồn. Nhiều chuyên gia đánh giá chương trình hợp tác du lịch của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ là một hình mẫu phát triển du lịch liên vùng, đưa 3 tỉnh trở thành hạt nhân phát triển du lịch vòng cung Tây Bắc Việt Nam.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 7

Tiếp nối thành công đó, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được UBND 8 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu) ký kết tại Lào Cai cũng đã mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc, góp phần xây dựng, hình thành nền tảng hợp tác giữa các tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đến đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ. Đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo từ kinh tế du lịch.

Các sản phẩm du lịch đặc trưng từ việc kết nối, kết giữa các vùng, các tuor của các tỉnh Tây Bắc có thể kể đến như: Cội nguồn đất Tổ, Đất ngọc Lục Yên, Cội nguồn Tây Bắc, Sắc màu vùng cao… đã thu hút nhiều du khách đến với miền đất Tây Bắc xinh đẹp.

Ngày 27/8/2022, nhóm Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổ thường trực, tổ giúp việc bàn giải pháp khai thác tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết. Trên cơ sở đó hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Có thể nói, việc liên kết phát triển du lịch sẽ góp phần giải quyết được nhiều mục tiêu như tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của các địa phương với nhau; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cơ hội gặp gỡ kết nối đưa du khách từ địa phương này tới địa phương khác...

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 8

Và mới đây, ngày 21/10, UBND tỉnh Sơn La khai mạc chương trình du lịch Sắc màu Sơn La - Tây Bắc lần thứ 2, năm 2022, tại không gian phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội. Chương trình nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tài nguyên, lợi thế phát triển du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc và nông sản an toàn tỉnh Sơn La đến với nhân dân và du khách tại Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là dịp để tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Sơn La có dịp kết nối với các nhà đầu tư, các công ty lữ hành để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sự khác biệt của các sản phẩm du lịch, các khu, điểm, bản du lịch, nhà hàng, khách sạn Sơn La với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, các tỉnh, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với tỉnh Sơn La, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 9

Một trong các chương trình, nội dung hoạt động nhằm tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh Sơn La nói riêng, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nói chung, sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ II, năm 2022 là một trong những hoạt động quan trọng.

“Đây cũng là cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch Sơn La - Tây Bắc với cả nước và quốc tế. Sự kiện cũng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo bước phát triển mới cho ngành kinh tế du lịch Sơn La và Tây Bắc; góp phần củng cố, nâng cao sự liên kết, hợp tác giữa tỉnh Sơn La và Thành phố Hà Nội”- bà Tráng Thị Xuân, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh khi chia sẻ tại sự kiện.

Trao đổi về giải pháp tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch Tây Bắc trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh (Đảng ủy phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho rằng cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế liên kết hiệu quả. Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, khó có điều kiện để liên kết phát triển du lịch toàn vùng, muốn liên kết phát triển du lịch về không gian phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Theo đó, cần xây dựng các tiểu vùng khác nhau và được kết nối bởi các tuyến đường giao thông tương đối thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch. Cùng với liên kết nội vùng, các tỉnh Tây Bắc còn cần tăng cường hơn nữa sự liên kết với những địa phương trọng điểm du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và liên kết phát triển du lịch qua biên giới thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Lào, nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế là Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững - ảnh 10

Hệ thống doanh nghiệp làm du lịch ở các tỉnh Tây Bắc còn ít và chủ yếu quy mô nhỏ, nên bên cạnh việc tự nâng cao năng lực, thì yếu tố liên kết có ý nghĩa rất quan trọng để tận dụng thế mạnh của nhau về thông tin, sản phẩm, quảng bá... Tập trung nghiên cứu, xây dựng và gìn giữ các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương, cùng hoạch định các chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch. Trước đây, quảng bá du lịch ở Tây Bắc theo hướng tự phát ở mỗi địa phương, nhưng từ khi thực hiện liên kết, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đã được tiến hành một cách bài bản, chuyên nghiệp….

Tin rằng, với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, phát triển du lịch lấy văn hóa, con người làm nền tảng, phát huy bản sắc riêng, độc đáo khác biệt trong phát triển sản phẩm du lịch cùng với việc tăng cường liên kết du lịch sẽ góp phần để các mô hình du lịch cộng đồng ngày càng được phát triển bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đón hơn 8,1 triệu lượt khách du lịch, chiếm khoảng 13,5% tổng lượt khách trong cả nước. Trong đó, Lào Cai vẫn là tỉnh top đầu khu vực với 1,8 triệu lượt, tiếp đến Sơn La (1,6 triệu lượt), Hòa Bình (1,5 triệu lượt), Hà Giang (1,1 triệu lượt), Yên Bái (gần 806.000 lượt), Phú Thọ (hơn 739.000 lượt), Điện Biên (331.000 lượt) và Lai Châu (hơn 187.000 lượt). Đây là những con số chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Tây Bắc sau đại dịch nhờ một phần hiệu quả từ liên kết vùng. Để có những hiệu quả đó, không thể không nhắc đến vị trí, vai trò kết nối của tỉnh Lào Cai.

 

Bài cuối: Chuyển đổi số: Giải pháp phát triển du lịch trong thời công nghệ

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.