Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội:
Hà Nội ngày càng hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa
(PNTĐ) - Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những thành phố năng động trên thế giới. Một trong những động lực làm nên thành công là Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hình thành môi trường phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ nữ Thủ đô nhân kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có những chia sẻ cởi mở về tiềm năng, dư địa phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.
- Thủ đô Hà Nội với vai trò và vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và hội nhập quốc tế của cả nước đã có nhiều thay đổi sau 70 năm Giải phóng Thủ đô. Theo ông, thay đổi ở lĩnh vực nào nổi bật nhất, đáng tự hào nhất?
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Thủ đô Hà Nội đã và đang không ngừng chuyển mình suốt 70 năm qua, với diện mạo mới ở tất cả các lĩnh vực. Thành phố đã bảo tồn những giá trị riêng có, phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa trong quá trình phát triển, đó là điều mà tôi và mọi người cảm thấy tự hào. Sau nhiều năm, Hà Nội đã và đang gìn giữ, khôi phục được những giá trị văn hóa, lịch sử, đó là kho tàng văn hóa đồ sộ và phẩm chất của người Thủ đô.
Với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn, 2021-2025 mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố. Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm... Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô là liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
- Từ năm 2019 khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa tại Hà Nội đã thu được những thành tựu quan trọng nào và Hà Nội đang làm gì để các di sản thực sự hòa mình vào công nghiệp văn hóa?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong đó nhấn mạnh “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thế giới”; Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ.
Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố.
Sau hơn 2 năm ban hành Nghị quyết riêng, các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố; nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội. Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm chỉ trong hơn 3 năm có gần 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức. Không gian văn hóa Phố sách Hà Nội đón hơn 3 triệu độc giả trong 5 năm. Trong hai năm 2023-2024, Hà Nội thí điểm có hiệu quả nhiều dự án mới cũng như nhiều lễ hội, festival mới. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội được tổ chức thường niên, điểm nhấn của lễ hội là sự kiện cộng đồng, diễu hành Bách hoa bộ hành với sự tham gia của đông đảo người dân. Festival Thu Hà Nội lần đầu tổ chức năm 2023, xuất phát từ ý tưởng tôn vinh hoạt động du lịch, văn hóa, di sản, thiên nhiên của Hà Nội cũng gây tiếng vang lớn. Mới đây nhất, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ đã góp phần quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa Hà Nội... Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội – HANIFF...
Trước khi Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo về thiết kế, Hà Nội đã và tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, phục vụ đời sống văn hóa của người dân, điển hình như Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; Không gian văn hóa Phố sách và nhiều không gian sáng tạo của giới trẻ… Những không gian văn hóa này đang tiếp tục đi tìm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.
Sự đa dạng, phong phú của các không gian, mô hình sáng tạo mới tại Hà Nội là thành công rất đáng ghi nhận. Đó không chỉ là thành quả hữu hình từ một chủ trương, quyết sách đúng của Thành phố, mà còn là cơ sở để bồi đắp thêm cho nguồn lực nội sinh ngày một dồi dào, là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và hội nhập quốc tế.
- Không chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thủ đô hiện đại với vị thế xứng tầm khu vực và thế giới. Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông kỳ vọng gì ở lần quy hoạch này?
-Xây dựng quy hoạch Hà Nội và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2050 là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được Hà Nội triển khai. Trong định hướng nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch, Hà Nội định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc là thành phố phía Tây Hà Nội và thành phố phía Bắc sông Hồng. Hà Nội đang vươn mình và tương lai tiếp tục phát triển rực rỡ hơn ra phía sông Hồng. Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Xây dựng không gian phát triển sông Hồng trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khác nhau, nhiều cuộc tư vấn của chuyên gia ở các góc độ khác nhau, điển hình là Hà Nội đã có cuộc hội thảo với gần 80 trường Đại học trên địa bàn Thủ đô về Quy hoạch Thủ đô, nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn hàng đầu ở trong nước và quốc tế.
Hà Nội ngày nay đã có dáng dấp của một thành phố hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được nhiều giá trị truyền thống. Phố cổ, phố cũ và các khu đô thị mới hòa vào nhau, xuất hiện thêm nhiều công trình có kiến trúc hiện đại, xuất hiện nhiều khu đô thị mới khang trang, sầm uất.... Trục đường Nội Bài - cầu Nhật Tân nối trung tâm Thủ đô với cửa ngõ phía Bắc trở thành cung đường đẹp nhất Thủ đô. Khu vực bờ tả sông Hồng đang từng ngày thay đổi. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan trung tâm của thành phố. Quy hoạch mới sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của Hà Nội sánh ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
- Khi lựa chọn thay đổi quy hoạch, bên cạnh những yếu tố về vật thể, các làng nghề cũng như các loại hình văn hóa phi vật thể cũng cần được tính đến. Làm thế nào để giữ gìn các làng nghề và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong “vòng xoáy” phát triển đô thị, thưa ông?
-Đúng vậy, từ xưa đến nay, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng hàng trăm nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng cùng cộng đồng thợ giỏi và rất nhiều nhà sáng tạo trẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, nơi tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm. Đó là, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”. Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô. Đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.
Tôi tin rằng, Hà Nội với một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa, chắc chắn sẽ tạo ra thế mạnh riêng cho thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số. Phương thức quản trị hệ thống, các sáng kiến trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm bảo tồn tự nhiên, phát huy di sản văn hóa dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ đang truyền năng lượng sáng tạo mạnh mẽ đến các công dân thành phố.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!