Y tế Hà Nội: Nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm
(PNTĐ) - Bên cạnh kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; tiêu biểu là hoạt động phát triển hệ thống cơ sở khám chữa bệnh theo vùng và các cấp khám bệnh.
Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân
Cụ thể, theo báo cáo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn được kiểm soát, toàn thành phố ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số 18 ổ dịch.
Tay chân miệng ghi nhận 1.627 ca mắc tại 30 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận 39 ổ dịch, hiện tất cả đã kết thúc hoạt động. Ngoài ra, thành phố ghi nhận 162 ca mắc ho gà; 02 ca viêm não Nhật Bản; 03 ca mắc liên cầu lợn; 679 ca thủy đậu; 08 ca mắc uốn ván; 02 ca sởi…
Về công tác khám chữa bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, đối với khối bệnh viện thực hiện được hơn 4,1 triệu lượt khám chữa bệnh; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đạt 90%; tổng số lượt điều trị nội trú tăng 11,7% so với cùng kỳ 2023. Đối với khối các Trung tâm Y tế đã thực hiện trên 1,3 triệu lượt khám chữa bệnh.
Tiếp tục duy trì hoạt động sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh tim mạch - tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế, kết quả: phát hiện mới 46.327 người tiền tăng huyết áp, 12.726 người tăng huyết áp; có tổng số trên 370.000 người bệnh được quản lý, điều trị (96,6%). Hơn 29.100 người tiền đái tháo đường được quản lý can thiệp dự phòng (83,4%); tổng số người bệnh được quản lý, điều trị là 118.007 người (96,5%); 11.781 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 25.248 người cơ nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng.
Duy trì hoạt động 23 cơ sở điều trị Methadone (19 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 04 cơ sở thuộc ngành Sở Thương binh và Xã hội quản lý) đang điều trị cho 4.882 bệnh nhân Methadone (đạt 91,5% so với chỉ tiêu thành phố giao).
Các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Thành phố cũng duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 16 quận, huyện, thị xã; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền, Hàng Trống của quận Hoàn Kiếm…
Về công tác dân số, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68%; 79% phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 82%.
Đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh từ tuyến y tế cơ sở, thời gian qua, ngành Y tế đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030, với mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng và theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh được phân công (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Cụ thể, thành phố đã giao 4 bệnh viện đảm nhận chức năng vùng gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Phát triển các bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện chuyên khoa đáp ứng khám chữa bệnh cấp chuyên sâu; phát triển các bệnh viện đa khoa hạng II đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản theo quy định Bộ Y tế.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện Chị-Em" giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tại huyện Ba Vì. Trong đó, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ toàn diện đơn vị tuyến huyện trong việc phát triển, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, phát triển nguồn lực, hỗ trợ cải tiến quy trình vận hành bệnh viện, quy trình khám chữa bệnh.
Thành phố cũng hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư, nâng cấp y tế cơ sở trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Thành phố tổng số 198 dự án (9 Trung tâm Y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm Y tế). Trong đó, số dự án đã hoàn thành là 106 dự án; 63 dự án đang triển khai thực hiện; 29 dự án chưa triển khai thực hiện.
Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh năm 2024 của ngành Y tế Hà Nội, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với trên 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID; hơn 16,2 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố…