Cha mẹ giúp con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cha mẹ có thể làm gì để giúp con em mình sử dụng hợp lý thiết bị điện tử, cùng theo dõi chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Tổ chức tiếp cận giáo dục và phát triển quốc tế Hoa Kỳ...

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tình trạng trẻ sử dụng các thiết bị điện tử để lướt web, chơi games, gia nhập các trang mạng xã hội hiện nay?

Theo khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu Phi Lợi nhuận (Common Sense Media) công bố cho thấy, từ năm 2019 đến năm 2021, việc sử dụng các thiết bị điện tử nói chung ở thanh thiếu niên đã tăng 17%; trung bình, thời lượng sử dụng màn hình hàng ngày tăng ở lứa tuổi từ 8 - 12 tuổi lên 5 giờ 33 phút từ 4 giờ 44 phút và lên 8 giờ 39 phút từ 7 giờ 22 phút đối với lứa tuổi từ 13 - 18 tuổi.

Quả thực việc sử dụng các thiết bị điện tử thực sự mang lại những khía cạnh tích cực như tạo ra nhiều các cơ hội học tập, tạo điều kiện giao tiếp và giúp mọi người tiếp cận các nguồn thông tin một cách phong phú. Các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng cũng làm cho mọi người có cảm giác thu hẹp khoảng cách địa lý, duy trì kết nối với gia đình và bạn bè cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

Cha mẹ giúp con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý - ảnh 1
Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của các chương trình trực tuyến, các app đa dạng, các thể loại trò chơi online vô cùng hấp dẫn đã thu hút mọi người đặc biệt là trẻ em sử dụng quá mức đôi khi trở nên đáng lo ngại. Như bạn biết, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng rất dễ bị tổn thương trước các yếu tố gây nghiện của các phương tiện hay thiết bị điện tử. Một nghiên cứu được công bố trên "Tạp chí Nhi khoa" đã chỉ ra rằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, giảm hoạt động thể chất và thậm chí làm suy giảm sự phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trẻ sẽ không còn hứng thú với các hoạt động sáng tạo, chẳng hạn như chơi với bột nặn, vẽ, làm đồ thủ công, xếp hình và đọc sách nữa. Ngoài ra sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ cản trở sự phát triển các kỹ năng xã hội của các em. Một số trẻ em gắn bó với các thiết bị điện tử đến mức không còn thiết gì cuộc sống bên ngoài và đôi khi chúng cư xử không đúng mực.

Các thiết bị điện tử còn có thể tác động rất lớn đến sức khỏe của trẻ và gây ra nhiều vấn đề liên quan đến thiếu ngủ, tăng động giảm chú ý, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, hung hăng và bốc đồng, với trẻ nhỏ đối khi còn giảm khả năng phối hợp tay-mắt. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em sử dụng thiết bị điện tử hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm cao hơn.

Với người lớn cũng vậy, họ cũng không tránh khỏi những cạm bẫy này. Sự hấp dẫn từ mạng xã hội hay các chương trình trực tuyến có thể dẫn đến sự trì hoãn, giảm năng suất lao động và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm trí của người lớn.

Là một chuyên gia giáo dục đang làm việc tại Mỹ. Chị có thể chia sẻ các trường học ở Mỹ có biện pháp nào để giảm tình trạng trẻ lệ thuộc vào thiết bị điện tử không?

Ở Mỹ có một đạo luật liên bang có tên gọi tắt là COPPA (the Children's Online Privacy Protection Act - Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em) nhằm bảo vệ trẻ em dưới 13 tuổi khi các em sử dụng các loại mạng xã hội hoặc các chương trình trực tuyến. Đạo luật này ra đời để ngăn ngừa không cho bất cứ ai lấy được thông tin cá nhân của trẻ em mà không có sự thông báo trước và đồng ý từ phía cha mẹ. COPPA luôn yêu cầu các trang web phải nhận được sự đồng ý của phụ huynh trước khi thu thập hoặc sử dụng thông tin cá nhân của trẻ, chẳng hạn như tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc số an sinh xã hội.

Luật này cũng cấm các trang web yêu cầu trẻ cung cấp thông tin cá nhân hơn mức cần thiết để có thể tham gia chơi một trò chơi trực tuyến hoặc tham gia bất cứ một cuộc thi trực tuyến nào.

Cha mẹ giúp con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý - ảnh 2
Cha mẹ cùng con đọc sách cũng là cách giúp con giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó các trường học ở Mỹ cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để giảm sự phụ thuộc của học sinh vào các thiết bị điện tử. Một số trường học đã thiết lập chính sách hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị điện tử trong giờ học để học sinh tập trung vào bài học và tương tác trực tiếp với các bạn trong lớp và giáo viên.

Hiện nay phần lớn các trường học đều cấp cho học sinh Ipad để làm các bài tập tại lớp, tuy nhiên những chiếc Ipad này chỉ sử dụng trong lớp học, không thể truy cập được vào các website khác và cũng chỉ giới hạn tối đa 30 phút sử dụng.

Bên cạnh đó, các trường học cũng cung cấp kiến thức cho các em về tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức và khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoại khóa mà không liên quan đến công nghệ. Một số trường học tổ chức các hoạt động cả chính khoá và ngoại khóa như thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và các câu lạc bộ theo các sở thích khác nhau để khuyến khích học sinh dành thời gian cho các hoạt động không liên quan đến màn hình máy tính hay điện thoại.

Các trường học ở Mỹ cũng khuyến khích các em dành thời gian nhiều cho việc đọc sách giấy, trường học nào cũng có thư viện rất lớn và có nhiều đầu sách và các thể loại sách để các em chọn lựa và có 5 đến 8 tiết đọc sách tại thư viện mỗi tuần.

Các trường học cũng nỗ lực hợp tác với các phụ huynh quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con tại nhà bao gồm cách thiết lập giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử và khuyến khích tổ chức các hoạt động của gia đình không sử dụng công nghệ.

Vậy, đối với cha mẹ Việt thì như thế nào? Lời khuyên của bà cho các bậc cha mẹ để có thể giúp con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý?

Thay vì ngăn cấm con sử dụng các thiết bị điện tử, các cha mẹ hãy dạy con cách sử dụng thiết bị điện tử một cách thông minh, an toàn và có trách nhiệm. Trước hết, cha mẹ phải là những người gương mẫu trong việc sử dụng các thiết bị điện tử hoặc tham gia trực tuyến một cách thông minh an toàn và có trách nhiệm.

Thứ 1, trong gia đình nên thiết lập các nguyên tắc sử dụng các thiết bị điện tử bao gồm thời gian sử dụng, thời lượng sử dụng, các loại chương trình trực tuyến… (ví dụ như tất cả các thành viên không sử dụng điện thoại trong bữa tối gia đình, điện thoại để xa bàn ăn và để chế độ rung,…) và các nguyên tắc này nên được thiết lập có sự tham gia và thống nhất của con.

Thứ 2, cha mẹ nên cùng con thiết kế các hoạt động không công nghệ, những hoạt động mà các con yêu thích và dành thời gian cùng thực hiện các hoạt động đó cùng với con như đi dã ngoại, đi dạo, tham quan bảo tàng, cùng con làm việc nhà…

Thứ 3, hãy trò chuyện cởi mở với con về mạng xã hội, game, chương trình trực tuyến mà con yêu thích. Cha mẹ có thể hỏi con các câu hỏi như  “Con thích điều gì ở mạng xã hội/chương trình/game này?”, “Khi con sử dụng mạng xã hội/chơi game/xem chương trình này, con có cảm thấy lo lắng điều gì không?”… Hãy lắng nghe con chia sẻ với mình.

Hãy cho con biết rằng ba mẹ luôn ở đây, luôn sẵn sàng hỗ trợ con vượt qua thử thách và sẽ giúp con học hỏi mọi thứ một cách lành mạnh nhất.

Thứ 4, hãy đặt quyền kiểm soát của phụ huynh và cài đặt quyền riêng tư ở mức an toàn nhất. Khi con bạn say mê một trò chơi game, một mạng xã hội hay một chương trình trực tuyến nào đó, cha mẹ hãy tìm các thông tin để hiểu về nó hoặc có thể nhờ con dạy mình về những thứ đó. Một khi bạn hiểu con bạn đang làm gì, chơi cái gì, xem cái gì bạn rất dễ để thâm nhập vào thế giới của chúng và hỗ trợ chúng khi cần thiết.

Xin cảm ơn bà.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.