Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025:

Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 với 3 môn thi, 12 khu vực tuyển sinh

Bài và ảnh: Bảo Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 28/3/2024, chính thức chốt 3 môn thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Năm nay, Thành phố tiếp tục tuyển sinh theo 12 khu vực được chia theo địa giới hành chính các quận, huyện, thị xã để thuận tiện cho thí sinh trong việc đăng ký thi.

Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 với 3 môn thi, 12 khu vực tuyển sinh - ảnh 1
Năm học 2023-2024 có 81.200 học sinh thi vào các trường THPT công lập.

Khoảng 81.200 học sinh thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập
Thông tin về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay, tại cuộc họp báo ngày 28/3, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) Nguyễn Quang Tuấn cho biết, năm học 2023-2024, dự kiến toàn TP Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố dự kiến như sau: Tuyển vào trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh; tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), cơ sở GDNN (trung tâm GDNN-GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT) khoảng 51.800 học sinh.

Với phương thức tuyển sinh là thi tuyển, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS).

Hình thức thi: Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. 
Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng dự tuyển 
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 của UBND TP Hà Nội, đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Theo đó, toàn Thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. 

Về đăng ký nguyện vọng dự tuyển, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký. Về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên sẽ thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Khi tổ chức xét tuyển, học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Lịch thi: Thí sinh sẽ thi vào 2 ngày 8 và 9/6/2024. Sáng 8/6/2024 thi Ngữ Văn (120 phút) từ 8-10h; buổi chiều thi Ngoại ngữ (60 phút) từ 14-15h; sáng ngày 9/6 thi Toán (120 phút) từ 8-10h.

Thời gian tuyển sinh: Học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 10-12/7/2024; nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT và trường THPT tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19-22/7/2024.
Thi 3 môn là phù hợp
Cô giáo Cao Hương Giang (Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, HN) cho biết, kỳ thi vào lớp 10 năm nay, đa số các tỉnh, thành đều lựa chọn thi 3 môn thay vì thi 4 môn. Nguyên nhân là do lứa học sinh này vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 trước đó. Việc lựa chọn thi 3 môn được xem là phù hợp để giảm áp lực cho học sinh. Vì thế, việc Hà Nội chọn thi 3 môn rất được giáo viên đồng tình ủng hộ, giảm áp lực cho học sinh rất nhiều. Ngay sau khi có thông tin chốt 3 môn thi, nhà trường đã đẩy mạnh kế hoạch tăng tốc ôn thi cho học sinh để đạt kết quả tốt”.  

Đây là năm thứ 3, Hà Nội quyết định thi tuyển vào lớp 10 THPT với 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ. Giống như đa số các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay, chị Nguyễn Thu Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội” thở phào nhẹ nhõm khi biết được thông tin Thành phố vẫn tiếp tục lựa chọn thi 3 môn. Chị cho biết: “Năm nào, Hà Nội cũng công bố chốt các môn thi vào lớp 10 chậm hơn so với các tỉnh, thành khác. Điều này khiến phụ huynh và học sinh rất nóng ruột, vì nếu được công bố sớm thì các con sẽ có nhiều thời gian ôn thi hơn. Tuy nhiên, việc Thành phố giữ nguyên phương án thi ổn định như năm ngoái chúng tôi rất ủng hộ”. 

Em Nguyễn Minh Tuấn (trường THCS Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết rất mừng khi biết thông tin chỉ thi 3 môn, kế hoạch ôn tập của em sẽ bớt áp lực. Vì lâu nay, em vẫn trong tâm thế chuẩn bị cho việc thi 4 môn.

Hà Nội là Thành phố có áp lực tuyển sinh cao nhất cả nước do số lượng học sinh năm nào cũng tăng. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội luôn được xem là kỳ thi “cam go” khi chỉ có 60% học sinh trúng tuyển vào trường công lập do hệ thống trường công lập chưa đủ để đáp ứng đủ. 

Để giải quyết vấn đề này, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều loại hình trường đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở GD-ĐT đã và đang tiếp tục tham mưu Thành phố triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ xây dựng từ 30-35 trường. Đặc biệt là 7 trường liên cấp có quy mô từ 5ha trở lên có cả cấp tiểu học, THCS và THPT. Khi xây xong, chắc chắn học sinh sẽ có nhiều chỗ học hơn, giúp các em được học tập tại các trường công lập. 

Hiện nay, Hà Nội có 117 trường THPT công lập không chuyên, 2 trường THPT chuyên, 9 trường THPT công lập tự chủ, 4 trường THPT hiệp quản và 97 trường THPT tư thục. 40% học sinh không trúng tuyển trường công lập sẽ vào học ở các trường tư thục, các trung tâm GDNN - GDTX, các trường THPT trực thuộc trường đại học trên địa bàn Thành phố.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.