Hiệu quả của chương trình đào tạo song bằng: Thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 4/4/2024, tại Trường THCS Cầu Giấy, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội tổ chức hội thảo về công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và THPT. Dù gặp khó khăn trong triển khai nhưng sau một thời gian thí điểm, Đề án đã đạt được mục tiêu đề ra với những kết quả nổi bật.

Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm Chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh Quốc (A-Level) tại trường THPT Chu Văn An (từ năm học 2017-2018), trường THPT Chuyên Hà Nội -Amsterdam ở cả hai cấp học (THPT, THCS từ năm 2018-2019), triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE của Cambrige tại 6 trường THCS, thời gian thí điểm 3 năm tuyển sinh.

Hiệu quả của chương trình đào tạo song bằng: Thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển - ảnh 1
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội thảo.

Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng của cấp THCS triển khai thí điểm, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng tuyển sinh hệ song bằng ở cấp THPT theo  lộ trình của Đề án kéo dài thí điểm chương trình đao tạo song bằng.

Sau 2 năm triển khai thí điểm, từ năm học 2019-2020, trường THPT Chu Văn An đã chính thức trở thành trường thành viên của Cambrige với mã số 283. Tính đến hết tháng 5/2023 đã có 246 học sinh THPT hoàn thành Chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level, trong đó trường THPT Chu Văn An có 125 học sinh, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có 121 học sinh. Qua thống kê, điểm thi ở các bài thi, học sinh Hà Nội đạt tỷ lệ điểm A* và A cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới.

Bên cạnh việc đạt chứng chỉ A-Level, học sinh tham gia chương trình bằng cũng đạt kết quả rất tốt ở chương trình Việt Nam, 100% học sinh đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về ngoại ngữ, tin học. Đa số những học sinh học chương trình song bằng đều đỗ và đạt học bổng vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Hiện đã có 13 trường đại học hàng đầu Việt Nam nhận tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT Việt Nam, có chứng chỉ A-Level.

Tại các trường THCS, từ năm học 2018-2019, Hà Nội triển khai thí điểm Chương trình đào tạo song bằng  THCS Việt Nam và chứng chỉ EGCSE tại 7 trường phổ thông: THPT chuyên Hà Nội –Amsterdam (hệ THCS), THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Thanh Xuân, THCS Chu Văn An. Đến nay đã có 5/7 trường nhận mã số là trường thành viên Cambridge.

Hiệu quả của chương trình đào tạo song bằng: Thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển - ảnh 2
Trường THPT Chu Văn An là trường công lập đầu tiên thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài - Ảnh: Tuệ Nguyễn.

Đánh giá chung về quá trình triển khai đề án, ông Hà Xuân Nhâm, trưởng phòng GDPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) cho biết: Trong quá trình triển khai đề án có một số khó khăn, song nhìn chung đề án đã được các mục tiêu đề ra. Đề án đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nân cao ở các trường công lập trên địa bàn Thành phố.

Với mức thu học phí thấp hơn so với các trường ngoài công lập, hiệu quả đạt được cao hơn, công tác quản lý, điều hành theo chuẩn quốc tế. Việc triển khai đề án đã góp phần hình thành được những chuẩn mực giá trị, thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển theo đúng hướng của Bộ GD-ĐT và TP Hà Nội.

Cùng với đó, Đề án cũng giúp đội ngũ giáo viên là người Việt Nam tại các nhà trường được trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế.

Học sinh các trường THCS, THPT học chương trình song bằng có kết quả tốt, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, học tập, nghiên cứu bằng ngoại ngữ được các trường đại học hàng đầu trong nước và nước ngoài tuyển thẳng.

Hiệu quả của chương trình đào tạo song bằng: Thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển - ảnh 3
Một tiết học của cô và trò trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

Tham luận tại hội thảo, các ý kiến của đại diện các nhà trường đã và đang triển khai chương trình đào tạo sóng bằng, phụ huynh học sinh và học sinh  đều khẳng định những ưu điểm nổi trội của chương trình đào tạo song bằng trong quá trình dạy và học trong thời gian qua. Đặc biệt là những kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ mà học sinh thu được từ chương trình đào tạo song bằng. Các ý kiến tham luận từ các thầy cô và chuyên gia đều bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị, để có thể tiếp tục triển khai Đề án ở giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào kết luận của Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội, các nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng Đề án cho giai đoạn mới. Khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, các trường tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng; tăng cường vai trò quản trị của nhà trường. Đồng thời phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế; kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội và cá nhân đầu tư cho sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chuẩn Cambridge….

Sau khi tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn triển khai Đề án thí điểm song bằng, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung như: Triển khai các bước thủ tục xin phép các cấp thẩm quyền thông qua việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm ở cấp THPT trong giai đoạn tiếp theo với những khó khăn vướng mắc trong giai đoạn 1 được giải quyết tháo gỡ. Ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại các nhà trường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.