Kiến nghị không dạy học trực tuyến đại trà

Chia sẻ

Dạy học trực tuyến đang là giải pháp được nhiều địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trước các sự cố xảy ra nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng không nên áp dụng đại trà hình thức dạy học này. Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, với bậc tiểu học, THCS không nên áp dụng hình thức dạy trực tuyến (ảnh minh họa)Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, với bậc tiểu học, THCS không nên áp dụng hình thức dạy trực tuyến (ảnh minh họa)

Năm học mới vừa bắt đầu thì ngày 10/9 mới đây, xảy ra sự việc (cháu H.H.D, SN 2011), học sinh trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa bị điện giật tử vong tại nhà trong lúc học trực tuyến. Tai nạn đau lòng cho thấy, có rất nhiều nguy cơ tai nạn thương tích có thể xảy ra trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch.

Tính đến chiều ngày 6/8, cả nước đã có trên 11.419 trường với 223.957 lớp tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hình thức dạy học này trong những ngày vừa qua đang gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, đặc biệt là nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Đơn cử như tại Sơn La, khoảng 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Tại các huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ba Vì… (Hà Nội), nhiều học sinh cũng không có điều kiện trang bị thiết bị học trực tuyến, hoặc nếu có thì đang phải học bằng thiết bị điện thoại nhỏ, cũ.

Trước khó khăn về điều kiện học tập, các cơ sở giáo dục cũng tích cực vận động giáo viên, cha mẹ học sinh, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, điện thoại, máy tính bảng cũ… cho học sinh đang thiếu thiết bị học trực tuyến. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhận định: Phong trào giúp đỡ học sinh khó khăn trong học tập là tốt nhưng, ông không khỏi lo lắng về các mối nguy hiểm có thể đến từ những thiết bị, điện thoại cũ được đem cho, tặng. TS Khuyến cho rằng, khi học trực tuyến, học sinh sẽ phải thao tác nhiều trên các thiết bị nhưng nếu không đảm bảo chất lượng, thiết bị có nguy cơ cao xảy ra chập điện, cháy nổ… Nhiều thiết bị có màn hình nhỏ, âm thanh bé… cũng sẽ gây hại cho thị lực, thính lực của trẻ nếu phải nhìn, nghe bài giảng liên tục trong nhiều giờ.

TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhận định, khi học sinh chưa thể đến trường thì phương thức dạy từ xa chính là giải pháp tốt. Tuy nhiên, dạy học từ xa không chỉ gồm dạy trực tuyến mà còn có cả hình thức dạy qua truyền hình. Tháng 3/2020, Hà Nội cũng đã triển khai dạy đại trà trên Đài Truyền hình Hà Nội khá hiệu quả.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, hiện nay tại các bậc học đang có xu hướng chỉ tập trung vào phương thức dạy học trực tuyến mà không chú trọng tới dạy học qua truyền hình. Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp học tiểu học và THCS phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với học trực tuyến vì phù hợp với tâm lý lứa tuổi và các điều kiện để triển khai cơ bản đã có sẵn, bao gồm: Kênh truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án… Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng cần khẳng định dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học chủ lực hiện nay chứ không phải dạy học trực tuyến. Học qua truyền hình, sẽ an toàn và khả thi hơn so với việc trẻ (nhất là trẻ nhỏ) phải tự thao thác trên các thiết bị thông minh, một số trẻ còn thiếu đi sự giám sát, hỗ trợ của gia đình. Theo TS Khuyến, điều nên thực hiện ngay là Bộ GD-ĐT cần quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt với từng địa phương, từng trường như hiện nay. Các Sở GD- ĐT và cơ sở giáo dục cần lên kế hoạch bố trí giáo viên giỏi lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công (như Hà Nội đã làm rất hiệu quả) và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho học sinh, hội cha mẹ học sinh, giám sát việc học và đánh giá kết quả học tập của học sinh… Như vậy việc học qua truyền hình sẽ đạt hiệu quả.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.