Tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu:

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định - ảnh 1
Năm học 2024-2025, học sinh đầu cấp Hà Nội tiếp tục tăng mạnh với số lượng dự kiến lớp 1 tăng 7.000 học sinh - ảnh: Minh họa

Tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6: Đảm bảo “5 rõ”
 Năm học 2024-2025, Hà Nội phấn đấu huy động ít nhất 53% trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đi học; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6. Tại Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lớp, đảm bảo đủ chỗ học cho sinh, tránh tình trạng quá tải ở các trường. Thực hiện công khai kế hoạch tuyển sinh, đảm bảo “5 rõ”: Rõ tuyến tuyển sinh; rõ chỉ tiêu tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh, rõ phương thức tuyển sinh; rõ trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. 

Đặc biệt, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tăng quy mô, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày. Tổ chức phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh.

4 trường hợp được tuyển thẳng vào lớp 10 tại Hà Nội

Sở GD-ĐT Hà Nội quy định có 4 trường hợp được tuyển thẳng vào lớp 10. Điều kiện được tuyển thẳng là học sinh (hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú tại Hà Nội và thuộc đối tượng tuyển thẳng. Đồng thời, học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT công lập trong KVTS mà học sinh (hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú. 
Cụ thể, 4 trường hợp được tuyển thẳng gồm:
Đối tượng 1: Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú đó.
Đối tượng 2, học sinh là người dân tộc rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên. Đó là các học sinh thuộc một trong 16 dân tộc gồm: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.
Đối tượng 3: Học sinh khuyết tật - là những học sinh bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng không bình thường khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Đối tượng 4: Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

 

Hà Nội là thành phố có tốc độ dân số cơ học rất lớn, số lượng không ngừng tăng theo từng năm. Do đó hàng năm, Hà Nội tăng trung bình từ 40-50.000 học sinh. So với năm học 2023-2024, năm nay, học sinh đầu cấp tiếp tục tăng mạnh với số lượng dự kiến lớp 1 tăng 7.000 học sinh, lớp 6 tăng 58.000; lớp 10 tăng 5.000 học sinh. Vì vậy, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn phải đối diện với áp lực quá tải.

Để giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, mỗi năm, Hà Nội phải xây dựng từ 30-40 trường học mới thì mới đáp ứng đủ chỗ học. Riêng năm học 2023-2024, Thành phố đã xây mới 36 trường học các cấp, nên sẽ đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh. 

Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đối với các khu đô thị mới chưa có trường học, Phòng GD-ĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh, thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn. Quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập. Hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có lớp quá cao. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GD-ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở GD-ĐT, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học. 

Thời gian tuyển sinh trực tuyến, đối với trường mầm non, tiểu học, THCS tuyển sinh theo tuyến: Lớp 1 tuyển sinh từ ngày 1-3/7/2024; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non: Từ ngày 4-6/7/2024; tuyển sinh vào lớp 6: Từ ngày 7-9/7/2024. 

Tuyển sinh lớp 10: Tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, năm học 2023-2024, Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Trong đó, tuyển vào trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh. Tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), cơ sở GDNN (trung tâm GDNN-GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT) khoảng 51.800 học sinh. Với phương thức tuyển sinh là thi tuyển, Sở GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Với mục đích tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu công tác hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai. Theo đó, các trường THCS, các Trung tâm GDNN-GDTX có lớp 9 chương trình GDTX cấp THCS, thực hiện xét tốt nghiệp THCS thống nhất trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT theo quy định; trình Phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã phê duyệt kết quả xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024 đúng quy định. Triển khai cấp mã học sinh và mật khẩu cho cha mẹ học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh theo quy định, bảo mật mã học sinh và mật khẩu, bố trí bộ phận thường trực hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ xử lý những khó khăn của học sinh, cha mẹ học sinh về mã học sinh và các nội dung khác về tuyển sinh. Đồng thời, hướng dẫn cho học sinh và cha mẹ học sinh văn bản “Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025” giúp học sinh chọn trường phù hợp với điều kiện và khả năng học tập của học sinh. 

Từ ngày 24-28/4/2024, học sinh cả nước thử             đăng ký thi trực tuyến

Bộ GD-ĐT tạo quy định tất cả học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Nhằm giúp học sinh tập dượt, làm quen với việc thực hiện quy trình đăng ký tránh sai sót, nhầm lẫn, từ ngày 24-28/4/2024, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi tại https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Sau đó, thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Theo kế hoạch, ngày 24/4, các trường phổ thông sẽ lập và giao tài khoản thi học sinh lớp 12 năm học 2023-2024. Ngay sau khi nhận tài khoản, học sinh có thể đăng nhập vào hệ thống quản lý thi của Bộ và làm theo hướng dẫn để tập dượt đăng ký tham dự kỳ thi. Sau ngày 28/4, hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT sẽ đóng lại, toàn bộ dữ liệu học sinh đăng ký trong thời gian từ ngày 24-28/4 sẽ bị xóa.
 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 27- 28/6/2024, với khoảng hơn 1 triệu học sinh đăng ký dự thi. N. Huyền

 

Năm 2024, Thành phố phân chia và quy định khu vực tuyển sinh khi đăng ký dự tuyển theo 12 khu vực tuyển sinh (KVTS) như sau:

KHVT 1 gồm: Quận Ba Đình, Tây Hồ.
KVTS 2 gồm: Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
KVTS 3 gồm: Quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
KVTS 4 gồm: Quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
KVTS 5 gồm: Quận Long Biên, huyện Gia Lâm.
KVTS 6 gồm: Huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
KVTS 7 gồm: Quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng.
KVTS 8 gồm: Thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, huyện Ba Vì.
KVTS 9 gồm: Huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
KVTS 10 gồm: Quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, huyện Thanh Oai. 
KVTS 11 gồm: Huyện Thường Tín, Phú Xuyên. 
KVTS 12 gồm: Huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. 

Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các KVTS hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi thường trú được phép đổi KVTS với điều kiện: NV1 và NV2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong KVTS đã thay đổi, NV3 thuộc KVTS bất kỳ. 

Học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa 3 trường THPT công lập theo thứ tự nguyện vọng (NV) 1, NV2, NV3. Trong đó, NV1, NV2 phải vào trường THPT thuộc cùng một KVTS mà học sinh hoặc cha mẹ, người giám hộ của học sinh có nơi trường trú. NV3 có thể vào trường THPT thuộc một KVTS bất kỳ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.