Tuổi già của ông tôi

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Khi tôi lên 1 tuổi thì bà nội tôi qua đời. Lúc đó ông tôi 75 tuổi.

 Cả nhà tôi rất lo cho ông vì nhiều lẽ. Một là ông bà tôi vốn quấn quýt nhau, nay thiếu bà ông sẽ không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Hơn thế, ở quê, ông chỉ còn lại một mình. Từ nay, ai sẽ hàng ngày chăm sóc, bầu bạn với ông?

Bố tôi bàn với mẹ đón ông nội lên thành phố. Hiềm nỗi, nhà tôi khá nhỏ, 4 người trong gia đình ở còn không đủ chỗ, ông vốn quen không gian rộng rãi ở quê nên khi về ở sẽ không tránh khỏi cảm giác bí bách. Cô tôi, em gái của bố, lúc đó vừa mới sinh con, cũng đề nghị được đón ông về  phụng dưỡng. Tuy nhiên, ông tôi từ chối cả hai lời mời. Với nhà tôi, ông nói không muốn con cháu vì ông mà sống bất tiện. Còn với cô tôi, ông muốn cô tập trung chăm con nhỏ, thêm ông thì cô lại thêm người phải lo lắng.

Rốt cuộc, ông chọn ở lại quê một mình. Quê tôi cách thành phố không quá xa, nhưng cũng mất khoảng 3 tiếng đi xe ôtô nên không phải tuần nào các con, cháu cũng có thể bố trí thời gian về thăm ông được. Ông tôi không lấy đó làm buồn, thậm chí còn dặn con cháu không phải về. “Ông tự lo cho mình được, các con cháu cứ tập trung làm việc, học tập cho tốt”.

Tuổi già của ông tôi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Quả thực, ông tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ cho người khác và không muốn phiền hà đến ai, kể cả ruột thịt. Nhớ một lần, đột nhiên bố tôi nhận được điện thoại của bệnh viện, báo tin ông tôi đang chuẩn bị phẫu thuật và đề nghị gia đình vào với ông. Cả nhà tôi sợ rụng rời tay chân, tưởng là ông bị tai nạn phải cấp cứu. Hóa ra vào đến nơi, ông vẫn cười tươi, còn tỏ ra mình rất khỏe mạnh. Thì ra, trước đó, ông tôi bị đau chân. Từ quê, ông tôi một mình bắt xe lên tỉnh vào bệnh viện, tự làm thủ tục khám  và nhập viện. Khi bác sĩ nói ông cần thay khớp gối, ông cũng đồng ý luôn.

Bác sĩ thấy ông già lại chỉ có một mình nên yêu cầu ông phải báo tin cho người nhà, nếu không sẽ không phẫu thuật. Vì thế mà ông tôi mới đành phải cho số điện thoại để bệnh viện liên lạc với con/cháu. Bố tôi trách ông một việc lớn thế mà cứ âm thầm làm một mình, ông tôi chỉ cười bảo: “Vì bố không muốn phiền các con, cháu. Chỉ là thay khớp gối chứ đâu có phải làm gì to tát đâu. Bố báo tin, các con lại lo, rồi lại phải nghỉ làm, nghỉ học nên thà để bố tự mình làm còn hơn. Bố định sau này khi đã chữa xong cái chân cọc cạch sẽ báo cho các con sau”.

Phẫu thuật xong, ông tôi lại nằng nặc đòi về quê và vẫn khẳng định sẽ tự chăm sóc bản thân được. Nếu các con không chủ động gọi điện về thì ông cũng chẳng gọi điện lên. Mà trong câu chuyện với các con, lúc nào cũng chỉ là những lời động viên ông khỏe, mọi việc bình thường rồi ông tắt máy. Lại là ông sợ cà kê sẽ làm tốn tiền của con, cháu. Hiểu tính ông, nhiều lúc bố tôi thườn thượt thở dài, chẳng biết ông có khỏe thật không hay là ông đang ốm liệt giường mà vẫn tìm cách giấu không cho  con cháu biết.

Tuổi già của ông tôi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cách đây 2 tháng, trong một lần hiếm hoi ông tôi khiến cả nhà ngạc nhiên khi chủ động gọi điện cho bố. Ông nói là đã tìm được một viện dưỡng lão khá phù hợp để sau này khi ông yếu đi, không thể tự chăm sóc được bản thân, ông sẽ vào viện dưỡng lão. Ông tôi còn âm thầm tích lũy được một khoản tiền, đủ để ông ở trong viện đến lúc qua đời chứ cũng không cần các con phải đóng góp tiền.

Trước sự kiên quyết và chủ động lo cho tuổi già của ông tôi, cả bố và cô tôi lúc đầu cũng buồn, còn thêm cả cảm giác áy náy vì thấy như mình là những đứa con bất hiếu, không lo được cho bố mẹ già. Nhưng ông tôi gạt đi, nói đây là lựa chọn của ông. Ông không muốn trở thành gánh nặng cho các con, trong khi các con đều đang có cuộc sống riêng và còn phải nuôi nấng các con của mình. Ở trong trại dưỡng lão, ông vẫn được chăm sóc tốt, tinh thần lại thanh thản, nhẹ nhõm và các con cháu vẫn có thể ghé qua thăm hỏi ông. 

Cả đời ông tôi đã hy sinh cho con cháu. Khi về già, ông cũng chọn cách hy sinh để con cái không phải lo cho mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)
Trạm cà phê và sách

Trạm cà phê và sách

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.