Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù

Hồ Điệp
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hồi tháng 4 vừa rồi, trong chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tôi đã được lắng nghe câu chuyện tình yêu đầy xúc động giữa bà Phan Thị Kim Song và người thương binh hạng 1/4 - ông Cao Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thời lượng của buổi giao lưu hôm ấy quá ngắn, ông bà chỉ có thể chia sẻ một phần rất nhỏ trong hành trình tình yêu xuyên thời chiến - thời bình, vượt qua mọi gian nan trắc trở của mình. Vì vậy, tôi đã quyết định tìm gặp lại ông bà để nghe trọn vẹn câu chuyện mà càng lắng nghe, tôi càng thấm thía hơn về một tình yêu lớn: một đời sống, một đời yêu, một đời thủy chung son sắt.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 1

Tình yêu cao cả của nữ sinh viên Đại học Bách khoa một thời

Tình yêu giữa cô sinh viên Bách Khoa- Phan Thị Kim Song và chàng thương binh Cao Văn Thành bắt đầu nhen nhóm từ những năm tháng sinh viên. Cả hai học cùng lớp tại Đại học Bách Khoa. Thời gian trường phải sơ tán lên Thái Nguyên do chiến tranh, cả hai tình cờ được xếp vào cùng một nhóm học tập, cô nữ sinh Kim Song và anh bạn cùng lớp Thành sớm trở nên thân thiết, cùng nhau học hành, sinh hoạt suốt ba năm ròng.

Ngày ấy, đời sống sinh viên vô cùng thiếu thốn với những bữa ăn đạm bạc, thiếu chất. Chưa kể, 5 giờ chiều hôm nay ăn thì phải đến trưa hôm sau mới có thêm bữa tiếp theo. Cô sinh viên Song thương anh bạn cùng lớp thanh niên trai tráng dễ bị đói nên thường nhường phần cơm, bánh mì nhiều hơn cho sinh viên Thành. Sự tế nhị, ấm áp đó đã dần khiến Thành cảm mến cô bạn cùng lớp. Thành thường tình nguyện chở Song đi lấy thư về cho lớp (cô Song khi đó là văn thư của lớp-PV), cứ đến chỗ có ổ gà là cố tình đi ào vào để bạn gái ngồi sau… sát lại hơn một chút.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 2
Bà Phan Thị Kim Song cùng chồng, thương binh Cao Văn Thành tại cuộc giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn" do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức 4/2025. Câu chuyện tình yêu thời hoa lửa của họ đã khiến khán giả xúc động, cay cay khóe mắt. 

Tình yêu thuở sinh viên vẫn còn non nớt và chưa gọi thành lời. Mãi đến khi anh Thành cùng nhóm bạn nam trong lớp tình nguyện nhập ngũ, chuẩn bị lên đường chiến đấu, Song mới chính thức nhận lời làm bạn gái anh. Một phần là vì tình cảm đã chớm nở, một phần vì cô muốn người bạn học ấy có điểm tựa tinh thần nơi hậu phương - để yên tâm cầm súng giữa chiến trường đầy hiểm nguy.

Từ đó, tình yêu của họ lớn dần qua từng cánh thư. Đi đến đâu, gặp điều gì, chàng lính trẻ Thành đều viết thư về kể cho người con gái phương xa. Những lá thư anh viết đầy cảm xúc, chân thành, còn thư của Song thì không chỉ là món quà riêng tư, mà đã trở thành “thư chung” - ai trong đơn vị cũng mong ngóng đọc. Chính những lời lẽ dịu dàng, đầy hy vọng và tin yêu ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho không chỉ riêng Thành, mà cho cả đồng đội của anh.

Cho đến một ngày, giữa lúc Song đang tất bật hoàn thành luận án tốt nghiệp, một lá thư với những nét chữ nguệch ngoạc khiến cô chết lặng: “Anh bị thương vào mắt và tay, đang chuyển ra Bắc điều trị. Em yên tâm học tốt, đến đâu anh sẽ báo sau.” Cô nhận ra ngay nét chữ của bạn trai mình, nhưng méo mó như thể ai đó phải cầm tay anh để viết. Linh tính báo có chuyện chẳng lành, cô gái trẻ lập tức tất tả hỏi thăm, lên tàu đi tìm người yêu hết từ bệnh viện 109 đến 108- nơi nghe nói bạn trai được chuyển về.

Dù đã chuẩn bị tâm lý cho điều tồi tệ nhất, nhưng khi đứng trước giường bệnh, nhìn người bạn trai từng thư sinh, điển trai giờ đây toàn thân quấn băng trắng, hai mắt đã không còn, cô không khỏi bàng hoàng, nước mắt rơi đến lạc giọng. Những người bên cạnh nói: “Thành có khách”. Thành hỏi: Ai đấy?

“Anh ấy nhổm lên lại nằm xuống bảo mọi người đừng lừa tôi vì Song không thể đến đây được, tiếng nói cũng khác. Lúc đó, tôi đã bị lạc giọng rồi. Tôi nhìn anh ấy, thấy nước mắt cũng đã chảy xuống dưới lớp băng trắng quấn quanh mắt, nghẹn ngào bảo: Em đây, anh không nhận ra em à? Anh cứ cầm tay tôi mất một thời gian mới run run hỏi: Sao em đến được đến đây?”- bà Song kể lại.

Kể từ khoảnh khắc đó, trong lòng cô gái trẻ không chỉ còn là tình yêu, mà đã hóa thành tình thương sâu sắc, thành một lời thề lặng lẽ.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 3

“Kể từ giây phút nhìn thấy anh như vậy, trong lòng tôi không chỉ có tình yêu mà còn có tình thương, trách nhiệm, quyết định phải ở bên cạnh anh dù có khó khăn thế nào đi nữa. Tôi nói, anh hãy cứ an lòng điều trị, có em bên cạnh đây rồi. Anh vì đất nước mà bị thương, mất mát quá lớn như vậy, làm sao tôi có thể rời bỏ anh ấy được !”- Cô Song bùi ngùi nhớ lại.

Nhưng, thử thách chưa dừng lại ở đó. Bên cạnh việc cả hai đều chịu những dằn vặt tâm lý nặng nề khi ông Thành trăn trở vì sợ bạn gái nếu chấp nhận mình sẽ thiệt thòi, vất vả, còn bà Song phải đối diện từ áp lực gia đình. Ông Thành khi đó bị thương rất nặng: mắt mù, tay gẫy, cả người găm đầy mảnh đạn, ai cũng sợ bà Song lấy ông sẽ cả đời khổ. Hơn nữa ngày ấy, bà Song tốt nghiệp Đại học, là kỹ sư máy thực phẩm, có công ăn việc làm, rất danh giá. Có người bạn từng nói: Nếu Song mà lấy Thành thì… đi đầu xuống đất.

Cuối cùng, trước sự kiên tâm, quyết tâm của bà Song, gia đình đã chấp nhận để bà được kết hôn với thương binh Cao Văn Thành, bởi lý do con gái đã yêu và thương một người chiến sĩ đến như vậy, không thể phản đối, chỉ có thể động viên.

Ôn lại chuyện cũ, bà Song bảo, ngày ấy nếu bạn trai trở về lành lặn, chưa chắc đã lấy nhau vì cuộc sống nào biết được tương lai, nhưng bởi vì ông Thành bị thương nặng như vậy, nên bà thấy mình cần có trách nhiệm, chỉ biết nguyện một đời ở bên cạnh chăm lo.

 Năm 1976, bà Song và thương binh Cao Văn Thành kết hôn tại Thanh Hóa. Khi đón dâu, cô dâu Song là người… đèo chú rể Thành về trên xe đạp, thay vì chú rể sẽ đèo cô dâu như thông thường. Sau khi kết hôn, bà Song vẫn kẽo kẹt đạp xe đèo thương binh Thành đi khắp nơi, cùng chồng vượt lên mọi trắc trở cuộc sống để cống hiến.

Bên nhau vượt mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống

Bà Song chia sẻ, ngày trước gia đình lo lắng bao nhiêu thì nay lại tự hào bấy nhiêu. Bố bà vẫn thường vỗ vai con rể, bảo: “Quý nhất là con rể Thành vì đầy nghị lực.” Các em của bà cũng đều yêu quý anh rể. Sự lựa chọn năm xưa của bà, bây giờ ai cũng cho là đúng đắn bởi thấy được nghị lực của thương binh Thành.

Sau khi cưới, thương binh Thành vẫn được chăm sóc tại trại an dưỡng Ninh Bình. Cứ vài tháng, bà Song lại đạp xe gần 30km đón chồng về Thanh Hóa thăm nhà. Xe cũ, vóc dáng nhỏ bé, sau yên xe là chồng và cái ba lô to, phía trước ghi đông chất chiếc chăn… vậy mà bà chẳng quản ngại. Thấy vợ vất vả, ông Thành đề nghị về hẳn nhà an dưỡng để có thể phụ giúp và vợ không phải đi lại.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 4

Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ đỡ đần được việc dọn dẹp nhà cửa, trông con… còn bà Song vẫn là người làm trụ cột mọi mặt trong đời sống gia đình, đặc biệt là kinh tế. Những ngày tháng ấy, ngoài giờ đi làm, bà chăm chỉ chăn lợn, nuôi gà, tần tảo làm mọi việc để lo cho chồng con. Có những ngày bụng chửa vượt mặt, sau lưng bó củi, đằng trước bó mùn cưa, người đi đường nhìn thấy ái ngại bảo: “Sao cháu lại vất vả thế, chồng đâu?”.

Cũng có lúc chạnh lòng, cũng có lúc thấy mình quá vất vả, nhất là con cả của bà bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố không nói hay lao động được, nhưng bà Song chưa bao giờ ân hận với lựa chọn của mình, mà luôn hướng về một tương lai tích cực, tốt đẹp.

Ban ngày đi làm, tối bà lại chở chồng trên xe đạp đưa đến gặp các lãnh đạo để xin thành lập Hội người mù Thanh Hóa. Cùng với quan điểm ủng hộ của Đảng, Nhà nước khi đó, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh thấy hai vợ chồng trẻ nhiệt tình, tâm huyết nên hướng dẫn thành lập Hội Người mù Thanh Hóa. Kể từ đó thương binh Cao Văn Thành, người sáng lập Hội người mù Thanh Hóa đã tích cực làm việc, trăn trở và hết lòng tạo công ăn việc làm cho nhiều người mù trong tỉnh. Bà Song cũng quyết định nghỉ việc tại nhà máy đang làm, đi học thêm văn bằng 2 Học viện hành chính quốc gia để có thể phụ giúp, thay cho “đôi mắt” của chồng trong công việc. Khi đó, ai cũng tiếc nuối cho công việc của bà Song đang làm, nhưng với bà, toàn tâm toàn ý giúp chồng là điều cần thiết. Sau này, nhờ tài năng và những đóng góp lớn của thương binh Cao Văn Thành cho Hội người mù Thanh Hóa, nên TƯ Hội người mù Việt Nam đã điều ông ra Hà Nội làm việc. Hai vợ chồng đưa các con ra Hà Nội làm việc, sinh sống. Nỗ lực phấn đấu không ngừng, thương binh Cao Văn Thành trở thành Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, ủy viên Trung ương MTTQ VN.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 5
Bức ảnh cách đây nhiều năm của ông bà Song- Thành, được một phóng viên chụp lại khi bắt gặp khoảnh khắc bà chăm lo miếng ăn cho ông. 

“Tôi luôn nghĩ, ngày đi chiến đấu tôi đã tích cực tham gia chiến đấu không quản ngại bất kỳ điều gì. Khi trở về, được Song yêu thương và chấp nhận đến với mình như vậy, tôi dặn lòng mình phải sống cho tốt để không phụ lòng Song. Chiến tranh là cuộc thử thách nghiêm khắc nhất, có những người đồng đội đã ngã xuống, mình còn sống thì phải làm được điều gì đó, nên tôi đã xin thành lập Hội người mù để tiếp tục được cống hiến, đóng góp cho xã hội. Cũng là để cho vợ không phải ân hận vì lấy một người mù, gia đình vợ thấy mình xứng đáng”- Thương binh Cao Văn Thành chia sẻ.

Biết ơn người vợ dịu hiền

Ông Thành luôn nói: “Nếu không có Song, tôi không biết đời tôi sẽ đi đâu về đâu.” Giờ đây, tuy con cả vẫn cần chăm sóc do ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng các con sau đều thành đạt, gia đình yên ấm, luôn tràn ngập tiếng cười.

Cách đây mấy năm, ông Thành đưa vợ đi một chuyến du lịch đặc biệt, đó là đến những nơi ông từng chiến đấu ngày xưa. Hồi đi chiến đấu, mỗi khi qua một vùng đất mới ông đều ngả ba lô xuống và viết thư kể lại cho người yêu. Ngày đó ông hứa, sau này hòa bình sẽ đưa bà đi đến những mảnh đất này. Ông giữ lời hứa năm nào, đưa vợ trở lại những vùng đất mình đã qua. Có điều, ngày xưa đôi mắt ông ngắm phong cảnh tả lại cho người yêu, thì giờ ngược lại, “người yêu” lại dùng đôi mắt của mình để tả lại cho ông những nơi ấy đã khác biệt ra sao.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 6

Ông Thành chia sẻ, có một điều khiến ông đặc biệt biết ơn vợ. Đó là khi ông mới bị thương, bà Song đã tìm gặp bác sĩ xin hiến một bên mắt cho ông. Bà biết, phụ nữ mất một mắt sẽ xấu, nhưng cũng chỉ cần nhìn bằng một mắt là đủ, bà muốn được cùng ông nhìn ngắm thế giới này. Tuy nhiên, việc đó không thể toại nguyện vì kỹ thuật khi đó chưa thể thực hiện được. Dẫu không thể cho ông ánh sáng bằng y học, nhưng cả đời bà Song đã đem đến cho ông thứ ánh sáng rực rỡ nhất, là ánh sáng của tình yêu và lòng bao dung vô điều kiện. Trong cuộc sống thường ngày, bà Song thường trồng hoa có mùi thơm, nuôi chim có tiếng hót… để dù không thấy, ông Thành vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới quanh mình.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 7
Những huân chương, huy chương mà thương binh Cao Văn Thành đã được trao tặng trong suốt quá trình chiến đấu và phấn đấu trong công việc của mình. Ông chia sẻ, luôn cố gắng để mình có ích cho xã hội và vợ con được tự hào. 

Chỉ cần nhìn cuộc sống của cô Song là đủ hiểu cô vất vả đến nhường nào. Nhưng gặp cô, người ta luôn thấy nụ cười nhẹ nhàng, lạc quan. Đến thăm nhà, chắc chắn ai cũng sẽ cảm phục người phụ nữ đảm đang, vừa chăm chồng, chăm con (đến nay cô vẫn thường phải đưa con gái đi trị liệu hàng tuần) từng miếng ăn giấc ngủ mà quán xuyến nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm, không một hạt bụi. Bà Song cũng tham gia các công tác của Hội Phụ nữ, tổ dân phố… một cách tích cực, được nhiều người yêu mến.

“Đôi khi cũng chạnh lòng, thấy người ta được chồng đèo đi chơi, mình thì không… Nhưng nhờ có tình yêu và tình thương, tôi vượt qua tất cả.” – bà Kim Song dịu dàng tâm sự.

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù  - ảnh 8
Gia đình hạnh phúc của thương binh Cao Văn Thành và bà Phan Thị Kim Song 

Trong suốt cuộc đời mình, từ thuở sinh viên từng nhường phần cơm nhiều hơn cho chàng trai cùng lớp, đến khi quyết tâm gắn bó trọn đời bên chàng trai ấy dù anh đã mất tới 92% sức khỏe, không còn nhìn thấy ánh sáng, bà Song luôn hiện lên như một biểu tượng lặng thầm mà kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Bà cùng chồng vượt qua biết bao gian nan của cuộc đời, luôn là điểm tựa bền bỉ và đầy yêu thương.

Tôi nói với bà, sau tất cả những gì đã trải qua, tôi cảm nhận rất rõ- dù khi mới kết hôn, tình cảm của bà với ông Thành có phần bắt nguồn từ tình thương và trách nhiệm, nhưng đến bây giờ, bà dành cho ông một tình yêu rất sâu sắc. Bà Song cười nhẹ nhàng, khe khẽ gật đầu:

“Đúng thế, tôi yêu ông ấy hơn cả bản thân mình. Những điều tốt đẹp nhất, tôi đều muốn dành cho chồng, cho con…”

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.