ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm”

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để hiểu hơn về tình cảm của đồng bào Công giáo Thủ đô với Đảng, khi đến các vùng có đạo, chúng tôi đã hỏi các giáo dân nghĩ gì về Đảng? Và câu trả lời chúng tôi nhận được rất giản dị, gần gũi. Đảng là “cơm no, áo ấm”, là con em được đến trường, là an sinh xã hội được đảm bảo, là bà con được tạo điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng… Niềm tin của đồng bào Công giáo vào Đảng thật tự nhiên, bắt nguồn từ chính những đổi thay trên quê hương đang hiện hữu từng ngày.

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 1
Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 2

Đạo Công giáo huyện Đông Anh thuộc Giáo phận Bắc Ninh với trên 1.700 nhân danh thuộc Giáo Xứ Bến Đông. Giáo dân sống tập trung ở thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê; thôn Mai Châu, xã Đại Mạch; thôn Yên Hà, xã Hải Bối...

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 3
Ông Nguyễn Xuân Bích, Trưởng ban Đoàn kết công giáo huyện Đông Anh

Ở tuổi 72, ông Nguyễn Xuân Bích, Trưởng ban Đoàn kết công giáo huyện Đông Anh muốn khoe thật nhiều về cuộc sống ấm no của bà con Công giáo huyện. Những năm qua, dưới sự hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, bà con giáo dân đã tích cực đẩy mạnh phát triển ngành nghề, thâm canh cây trồng thay thế cây lúa. Nhiều hộ chuyển đổi làm trang trại vườn ao chuồng, trồng cây ăn quả, nuôi cá, vịt đẻ trứng, bò sinh sản, gà... đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Một số hộ giáo dân mạnh dạn kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, có hai hộ đã thành lập doanh nghiệp, đảm bảo cho nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Công giáo toàn tòng Đại Bằng cho biết thêm, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Đông Anh thành Quận vào năm 2025, Huyện ủy Đông Anh đã ban hành Nghị quyết số 250/NQ-HU quyết tâm phấn đấu hoàn thành tiêu chí “5 có, 3 không” trên địa bàn Huyện năm 2022. Trong đó tiêu chí “5 có” gồm: Có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị; Có nhà văn hóa đạt chuẩn; tại mỗi thôn làng có sân bóng đá cho thanh thiếu niên, có công viên mini và điểm sinh hoạt cộng đồng có quy chế quản lý sử dụng hiệu quả; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh…

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 4
Các giáo dân giáo xứ Nghĩa Ải đều an vui trên quê hương ngày càng đổi mới

“Đến nay, thôn Công giáo toàn tòng Đại Bằng đã được đầu tư, xây dựng đạt được gần hết các tiêu chí “có”. Chỉ còn sân bóng đá, điểm đỗ xe tĩnh… dự kiến từ nay đến cuối năm cũng sẽ hoàn thành. Đại Bằng sẽ sớm đạt chuẩn “lên phường”, trở thành nơi đáng sống của các giáo dân”, bà Hạnh phấn khởi. 

Tại huyện Thanh Oai, thôn Phúc Thụy, xã Tân Ước nằm ở vị trí cuối của huyện. Đây là nơi sinh sống của các giáo dân thuộc họ Đạo Minh Thụy và Phúc Lâm, xứ Từ Châu. Theo Trùm trưởng giáo họ đạo Minh Thụy Nguyễn Khắc Thưởng, dù cư trú ở địa bàn cách xa trung tâm huyện nhưng bà con giáo dân vẫn luôn được Đảng, chính quyền huyện, xã… chăm lo cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, không có sự phân biệt giữa lương dân và giáo dân. Thôn Phúc Thụy đã được Nhà nước đầu tư nhiều hạng mục công trình, có hệ thống đường giao thông được bê tông hóa rộng rãi, trường học cả 3 cấp khang trang, con em của giáo dân được vui tới trường, đời sống bà con giáo dân ấm no, có của ăn của để.

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 5
Cuộc sống ấm no, thanh bình ở thôn Phúc Thụy, xã Tân Ước-nơi sinh sống của các giáo dân thuộc họ Đạo Minh Thụy và Phúc Lâm, xứ Từ Châu
“Đến nay, thôn Công giáo toàn tòng Đại Bằng đã được đầu tư, xây dựng đạt được gần hết các tiêu chí “có”. Chỉ còn sân bóng đá, điểm đỗ xe tĩnh… dự kiến từ nay đến cuối năm cũng sẽ hoàn thành. Đại Bằng sẽ sớm đạt chuẩn “lên phường”, trở thành nơi đáng sống của các giáo dân”

Bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Phó Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Công giáo toàn tòng Đại Bằng

“Là một trong những xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới sớm của huyện Thanh Oai, dự kiến khi Tân Ước về đích xã nông thôn mới nâng cao, chắc chắn đời sống bà con, trong đó có các giáo dân còn được cải thiện hơn nữa”, Trùm trưởng giáo họ đạo Minh Thụy Nguyễn Khắc Thưởng phấn khởi cho biết.

Không chỉ với giáo dân ở xứ Từ Châu, tại  huyện Thanh Oai, những năm qua, dưới đường lối đổi mới của Đảng, các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thành phố, nhiều bà con Công giáo đã có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao mức sống.

Có thể kể tới gia đình giáo dân Nguyễn Văn Vàng ở Giáo Xứ Thạch Bích, xã Bích Hòa với mô hình trang trại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm cho thu nhập từ 500 đến 550 triệu đồng/năm; giáo dân Nguyễn Văn Tươi ở Giáo họ Tiên Nữ, xã Dân Hòa mở công ty TNHH chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động với mức lương từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng; giáo dân Nguyễn Hữu Sáng, chủ doanh nghiệp may ở Giáo họ Đa Ngư Hạ, Giáo xứ Phương Trung không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương từ 4,5 đến 06 triệu đồng/người/tháng.

Kinh tế phát triển đã giúp giảm tỷ lệ hộ giáo dân nghèo chỉ còn 23/4.832 hộ (chiếm tỷ lệ chỉ 0,48%); hộ giáo dân khá, giàu trên địa bàn huyện Thanh Oai ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu “giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu” chung của Thành phố.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhiều giáo dân trên địa bàn Thành phố đều khẳng định từ đáy lòng, Đảng, Nhà nước luôn đồng hành, chăm lo, là bệ đỡ cho cuộc sống của họ. Đơn cử như việc các giáo dân đã được quan tâm cho vay vốn để sản xuất kinh doanh thông qua tín chấp của các tổ chức Đoàn thể. Giáo dân huyện Thạch Thất có 346 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ được vay vốn với số dư gần 20 tỷ đồng. Thông qua chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, 6 hộ giáo dân ở huyện Mê Linh đã thoát nghèo, 21 hội viên trở nên khá giàu; Phụ nữ Công giáo huyện Mỹ Đức qua chương trình vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội Huyện do Hội Phụ nữ bảo lãnh với số dư nợ 2,8 tỷ đồng và vốn vay tiết kiệm tại Chi hội với số dư nợ 270 triệu đồng, qua đó giúp 29 hội viên thoát nghèo bền vững. Phụ nữ Công giáo Giáo xứ La Phù, xã Tân Minh, huyện Thường Tín được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn vay tiết kiệm tại Chi hội, nhờ đó, 9 hộ giáo dân đã thoát nghèo, 12 hộ trở nên khá, giàu.

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 6
Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 7

Theo ông Nguyễn Xuân Bích, Trưởng ban đoàn kết công giáo huyện Đông Anh, không chỉ được cải thiện đời sống, đồng bào Công giáo trên địa bàn Thành phố nói chung, huyện Đông Anh nói riêng còn rất vui mừng khi luôn được Đảng, chính quyền Thành phố tạo mọi điều kiện để sinh hoạt tôn giáo thuận lợi. Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo được thực hiện theo Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, bảo tồn và phát huy truyền thống phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Ông Bích dẫn chứng, thời gian qua, đồng bào Công giáo Giáo Họ Mai Châu, thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà giáo lý với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Tại thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê, Nhà thực hành giáo lý của giáo dân cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí lên tới 15 tỷ (trong đó giáo dân đóng góp 3 tỷ và 7.000 ngày công) với sức chứa 1.000 người, đủ để phục vụ đủ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của toàn bộ bà con giáo dân trên địa bàn. 

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 8
Nhà giáo lý thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của toàn bộ bà con giáo dân trên địa bàn.
 

 

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 9

Tại thôn Công giáo toàn tòng Nghĩa Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, đông đảo bà con giáo dân cũng chia sẻ niềm mãn nguyện với PV báo Phụ nữ Thủ đô khi đang được sống trên một miền quê trù phú, thanh bình, “có Đảng, có Đạo” .

Bà Chu Thị Thông, 65 tuổi, giáo dân thôn Nghĩa Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, hướng ánh nhìn về Hồ nhà thờ xứ Nghĩa Ải, nơi có tượng chúa Giesu ở giữa hồ rồi cho biết, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng trách nhiệm của giáo dân, khu vực đường xung quanh bờ Hồ đã được đổ bê tông sạch đẹp, một bên hồ lắp hàng rào, đèn điện. Hiện nay, khu vực này đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng lành mạnh của đông đảo bà con giáo dân trên địa bàn.

Đạo công giáo trên địa bàn huyện Mỹ Đức thuộc giáo phận Hà Nội với 37 ngàn nhân danh, có 9 nhà thờ chính xứ và 27 nhà nguyện, có 10 Linh mục coi sóc, 6 cơ sở nữ tu với 3 dòng là dòng Truyền tin, dòng Mến Thánh giá và dòng Bắc Ái.

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2017-2022, dưới sự quan tâm của Huyện ủy, chính quyền, trong toàn Huyện đã xây dựng được 7 ngôi Thánh đường mới với trị giá các công trình đều trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số công trình phụ trợ khác phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn Huyện cũng đã được xây dựng trong niềm phấn khởi của các giáo dân.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Mỹ Đức, hoạt động chăm lo cho mọi mặt đời sống của bà con Công giáo đã khẳng định chủ trương đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 10

 

Còn tại huyện Chương Mỹ, theo Trưởng ban Đoàn kết Công giáo Nguyễn Hạ Lộc, các Giáo xứ và các họ giáo cũng đều được Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ tạo mọi điều kiện để việc xây dựng các công trình phục vụ nơi thờ tự khang trang, sạch đẹp, bảo đảm cho việc hành lễ giảng đạo trang nghiêm, thuận tiện, an toàn như nhà giáo lý xứ Mỹ Thượng, xã Hữu Văn; nhà giáo lý xứ Tân Hội, xã Tân Tiến; nhà giáo lý xứ Đại Ơn, xã Ngọc Hòa; nhà giáo lý Lam Điền, xã Lam Điền với kinh phí hoàn thiện nhiều tỷ đồng trở lên.

Theo ông Phạm Quang Hiển, Trưởng ban hành giáo Giáo Xứ Nghĩa Ải, thôn Nghĩa Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhu cầu tín ngưỡng của giáo dân còn thể hiện ở các ngày lễ trọng cũng như sinh hoạt tôn giáo của bà con đều được cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp, hỗ trợ để diễn ra theo đúng quy định của pháp luật với nghi thức trang nghiêm và đảm bảo tiết kiệm, an toàn, trật tự. Trong các ngày lễ trọng, lãnh đạo các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam đều đến thăm hỏi, động viên và chúc mừng, chung vui cùng bà con Công giáo.

Tính chung trên địa bàn 22 quận, huyện, thị xã toàn Thành phố, chỉ từ năm 2017 đến nay đã xây dựng mới 34 Nhà thờ, sửa chữa, nâng cấp 57 Nhà thờ; xây dựng và sửa chữa 39 nhà Mục vụ, nhà Giáo lý…

Trong bối cảnh an sinh xã hội được quan tâm, đời sống được cải thiện, nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo được đáp ứng, đồng bào Công giáo Thủ đô càng thêm yêu Đảng, tin tưởng hơn vào đường lối, chính sách của Đảng, Thành phố.

Kỳ 2: Đảng là “cơm no, áo ấm” - ảnh 11

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.