Đảng trong lòng đồng bào Công giáo
Kỳ 4: “Thế trận lòng dân” Công giáo và sự vững mạnh của Đảng
(PNTĐ) - Trên hành trình đến với các huyện có đông đồng bào công giáo sinh sống ở Hà Nội, điều khiến chúng tôi thực sự cảm động là dù ở đâu, tình cảm của đồng bào Công giáo dành cho Đảng cũng luôn chan chứa. Thậm chí khi đây đó có hiện tượng đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm… nhưng không vì thế mà niềm tin của đồng bào Công giáo dành cho Đảng sụt giảm. Chúng tôi tin rằng, Đảng sẽ luôn vững mạnh khi được xây dựng dựa trên “thế trận lòng dân” như thế.


Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi đến Giáo xứ An Hòa ở thôn Mới, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ. Thật trùng hợp, đó cũng là lúc trên địa bàn xảy ra một sự việc khiến nhiều bà con Công giáo xôn xao. Theo phản ánh của bà con, một đảng viên trong Chi bộ thôn đã xây tường rào lấn ra diện tích đường chung, làm ảnh hưởng tới việc đi lại của giáo dân. Bà con đã làm đơn kiến nghị gửi tới UBND huyện Chương Mỹ, nhưng đồng thời, một số giáo dân còn có ý định tập trung đông người để thể hiện thái độ trước sự việc trên.

Phần tường rào xây vượt diện tích và sau khi được tháo dỡ ở thôn Mới, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ. Chính nhờ sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền và bản thân đảng viên cũng nhận thức rõ khuyết điểm để sửa chữa đã giúp củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Nhận được tin báo, PV Báo đã liên hệ với cơ sở để nắm bắt tình hình; đồng thời thông báo tới một số đồng chí lãnh đạo ban ngành với mục tiêu không để sự việc nhỏ bị thổi phồng và bóp méo không đúng bản chất sự việc, không tạo cơ hội cho thế lực thù địch xúi giục, kích động làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc cũng như quan hệ giữa Đảng và đồng bào Công giáo.
Rất mừng là dưới sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc tích cực, kịp thời của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, sau khi được nghe tuyên truyền giải thích, nhóm giáo dân đã bình tĩnh trở lại, chấm dứt ý định khiếu kiện đông người và an tâm chờ đợi kết quả giải quyết của chính quyền theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, phía cá nhân đảng viên cũng nhận thức được khuyết điểm, tự nguyện tháo dỡ phần tường rào xây vượt diện tích đất. Tại cuộc họp của Đảng ủy, UBND xã với Chi bộ thôn, đảng viên vi phạm một lần nữa cũng đã được các đồng chí của mình thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm theo tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc nhưng chân thành, mang tính xây dựng.

Ông Ngô Ngọc Hiển, một giáo dân ở thôn Mới nhớ lại: “Trước sự việc trên, ban đầu có ý kiến phê phán đảng viên đại diện cho Đảng mà lấn chiếm đất công của giáo dân. Song, sau đó, sự việc được Đảng ủy, chính quyền giải quyết thỏa đáng, bản thân đảng viên cũng đã nhận khuyết điểm nên những suy nghĩ tiêu cực, mang tính kích động đã bị dập tắt hoàn toàn, mâu thuẫn được ngăn chặn ngay từ cơ sở”.
Ông Hiển là một cựu chiến binh, thời trẻ đã tham gia chiến đấu trên chiến trường Căm Pu Chia. “Cả cuộc đời, giáo dân chúng tôi đã đi theo lý tưởng của Đảng. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi sẽ không để bất cứ thế lực nào chia rẽ chúng tôi với Đảng. Không thể vì một sai phạm nhỏ mà phủ nhận Đảng và đội ngũ đảng viên nói chung. Bác Hồ đã nói, Đảng ta cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu diếm và quyết tâm sửa chữa”, ông nói.
Ông Hiển nhớ lại, lần khác ông nghe một đảng viên từ nơi khác đến phát ngôn không đúng, quy chụp rằng giáo dân có sự “đối kháng” với Đảng, chính quyền. Ông không đồng tình và phản ánh lên cấp trên. Sau đó, đảng viên này đã bị kỷ luật. Từ đó, ông lại càng tâm đắc hơn và thấy rằng, Đảng rất coi trọng đồng bào Công giáo và không bao giờ bao che cho sai phạm, dù nhỏ.

Chị Chu Thị Phúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cũng cho biết: Nghĩa Ải là thôn Công giáo toàn tòng với số lượng giáo dân lên tới trên 6.000 khẩu, địa bàn xã rộng, từ đầu thôn đến cuối thôn tính theo chiều ngang có thể chạy dài tới 1 km. Dù địa bàn vừa rộng, vừa đông dân như vậy nhưng nhiều năm qua, ở Nghĩa Ải không xuất hiện các vụ việc phức tạp, đời sống của giáo dân được an vui.
Đó là bởi các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm tới công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức mọi mặt, nhất là ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Thêm vào đó, mỗi người dân Công giáo đều như một chiến sĩ, luôn chủ động, tự giác phát hiện, phòng ngừa các yếu tố xấu, độc tấn công. Bất kỳ biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nào chỉ cần manh nha xuất hiện trên địa bàn cũng đều sẽ bị giáo dân phát hiện để kịp thời báo cáo Đảng, chính quyền để có giải pháp xử lý kịp thời.

Đó là lý do trước đây, 2 đời Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh từng phải chịu kỷ luật vì có sai phạm trong quản lý đất công nhưng người dân Công giáo trên địa bàn không bị dao động tư tưởng mà vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, tính nghiêm minh của pháp luật.
Còn theo ông Trần Đắc Tới, Bí thư Chi bộ thôn Đông Mỹ, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, một thôn Công giáo toàn tòng với 1.700 nhân khẩu, để Đảng tạo chỗ đứng trong lòng dân, Chi bộ đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị vững mạnh, phân công những người có đủ tiêu chuẩn, có tín nhiệm trong Chi bộ để giới thiệu ứng cử vào các chức danh chủ chốt của thôn và các đoàn thể chính trị ở địa phương. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, cấp ủy Chi bộ đã quán triệt triển khai nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, Huyện ủy và Đảng ủy xã, về công tác chính trị, tư tưởng, đặc biệt là triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn ổn định, kiên định theo đường lối của Đảng.

Nói về sức mạnh của lòng dân trong tham gia bảo vệ Đảng, anh Nguyễn Bình Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai dẫn chứng về một sự việc được cho là “nóng” ở xã Bích Hòa liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp của một số hộ dân để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ). Hiện nay, sau nhiều năm, một số hộ dân chưa được hưởng đầy đủ chế độ của người bị thu hồi đất do một số vướng mắc về quy định của tỉnh Hà Tây (cũ) và bây giờ khi Thanh Oai thuộc về Hà Nội. Tuy nhiên, toàn bộ đảng viên tại Chi bộ thôn Thượng đều gương mẫu, vận động người thân trong gia đình và tuyên truyền tới bà con giáo dân bình tĩnh, không để bị kích động, lôi kéo, không tham gia tập trung đông người, không tập trung tại trụ sở cơ quan công quyền. Do đó hiện nay, trong khi chờ đợi Chính phủ nghiên cứu, xem xét cho Thanh Oai cơ chế đặc thù để tháo gỡ sự việc, tình hình an ninh trật tự tại địa phương vẫn giữ được ổn định, không phát sinh điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo bà Đỗ Thị Thái, Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, đồng bào Công giáo là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đáp lại sự chăm lo của Đảng, Thành phố, đồng bào Công giáo Thủ đô trong thời gian qua rất tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn hiến, văn minh.
Trong đợt bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tín nhiệm của Nhân dân đã có 254 vị là Chức việc và giáo dân tiêu biểu trúng cử đại biểu HĐND cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã phường. Ở khu dân cư, giáo dân cũng tích cực tham gia vào các vị trí như Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận, Thanh tra nhân dân, thành viên tổ hòa giải, tổ tự quản, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng năm, nhiều nam thanh niên Công giáo đều lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc.

Con đường chạy từ đường Võ Nguyên Giáp ở xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh đã được mở rộng nhờ sự góp sức của giáo dân.
Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo Thủ đô cũng luôn tích cực tham gia, góp phần vào thành công của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới- Đô thị văn minh”. Điển hình như nhiều bà con Công giáo ở các Xứ, Họ đã hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường giao thông nông thôn nội đồng, quy hoạch nghĩa trang... Giáo dân huyện Thanh Oai đã hiến 154m2 đất, ủng hộ 611 triệu đồng, 330 ngày công lao động; giáo dân huyện Thạch Thất đã hiến 420 m2 đất, đóng góp 13.640 ngày công lao động với tổng số tiền là 27 tỷ 446 triệu đồng; 40 hộ gia đình giáo dân Giáo họ Đại Bằng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh tự nguyện hiến 2.164m2 đất để mở rộng đường dân sinh; giáo dân Giáo họ Kiều Mộc, Phú Nghĩa, Yên Khoái huyện Ba Vì đã hiến hơn 1.400m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động cộng ích để mở rộng xây dựng đường giao thông nông thôn; 05 hộ giáo dân Giáo họ Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đã tự nguyện hiển 200m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; giáo dân huyện Đan Phượng hiến 520m đất để làm đường giao thông nông thôn; Giáo xứ Hà Hồi, huyện Thường Tín hiến 240m2 đất vườn Thánh để mở rộng đường giao thông nông thôn.

Đồng bào Công giáo ở các Xứ, Họ trên địa bàn toàn thành phố cũng cùng với các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đăng ký xây dựng "Làng Văn hóa”, “Tổ dân phố Văn hóa" và " Gia đình Văn hóa" gắn với đăng ký phong trào thi đua xây dựng “Xứ, Họ đạo tiên tiến" . Qua thống kê chưa đầy đủ, có 259 thôn làng, tổ dân phố có đồng bào Công giáo đạt danh hiệu "Khu dân cư Văn hóa", "Tổ dân phố Văn hóa", hàng năm số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa” đạt trên 92 %.
Thực hiện chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhiều Xứ, Họ cũng đã duy trì và thực hiện tốt việc tổ chức đám cưới gọn nhẹ, đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày, tiêu biểu như Giáo dân ở huyện Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây... Đồng bào Công giáo ở nội thành đã tích cực thực hiện việc đưa người quá cố đi hỏa táng, đạt từ 97%-100%, ở huyện ngoại thành đã có 652 giáo dân quá cố thực hiện đi hỏa táng.
Anh Nguyễn Văn Lượng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Nghĩa Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cho biết trước đây đám cưới của người Công giáo có từ 150-200 mâm cỗ, nay cỗ bàn đã giảm chỉ còn khoảng 40 mâm. Trong đám hiếu, không tổ chức mời cơm khách viếng để đảm bảo gọn nhẹ, tiết kiệm.
Còn ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, bà con Công giáo cũng chấp hành rất tốt thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; các Quy tắc ứng xử của Thành phố ban hành. Nhiều đám hiếu sử dụng băng nhạc thay cho kèn thờ để tiết kiệm chi phí.
Tại huyện Đông Anh, ông Nguyễn Xuân Bích, Trưởng ban Đoàn kết công giáo Huyện cho biết, bà con Giáo dân trong các họ đạo luôn có ý thức tuân thủ pháp luật nên trên địa bàn không có tệ nạn xã hội; Khi có ma chay, cưới hỏi không tổ chức ăn uống linh đình, không bày mời thuốc lá; trong các Giáo họ khi có người qua đời không tổ chức 50 và 100 ngày, qua đó góp phần thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bà con Công giáo còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, rác thải đổ đúng nơi quy định, thường xuyên khơi thông cống rãnh, biến điểm để rác thải thành vườn hoa để góp phần tô đẹp Thủ đô.

(Còn nữa)